07/02/2018 15:55 GMT+7

Nhập Tết tây - ta? Cuộc đời như thế sơ lược quá!

THÁI LỘC thực hiện
THÁI LỘC thực hiện

TTO - Tết bây giờ với nhiều người là sự chộn rộn lo toan trước tết mà hân hoan hơn cả ngày tết, để đến những ngày tết là... không còn vui nữa. Với nhiều người khác là xách balô lên và đi, xu thế chơi tết dần thay cho ăn tết.

Nhập Tết tây - ta? Cuộc đời như thế sơ lược quá! - Ảnh 1.

Một nhóm bạn trẻ đi chơi xuân tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang mùng 3 tết - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cuối năm, Tuổi Trẻ đối thoại với họa sĩ Đỗ Phấn, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, nhà văn Nguyễn Trương Quý và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp về xu hướng mới này.

Chừng mươi năm nay, mối quan hệ của người Hà Nội với bạn bè không còn giống như trước nữa, thậm chí kể cả tết bây giờ chúng tôi cũng ít đến thăm nhà nhau, thường rủ nhau đi ngồi ở đâu đấy một buổi trước tết, cho đông đông một tí. Rồi sau tết gặp nhau buổi nữa. Thế thôi. Lý do ư, thứ nhất là tuổi lớn ngại đi. Quan trọng hơn là những nghi lễ vốn thiêng liêng và gắn bó với người Hà Nội từ xưa gần đây giảm đi, đến nhà thăm nhau thấy có gì đó long trọng quá, mà đến cũng ngại vì buộc người ta phải tiếp đón, người ta đến nhà mình cũng ngại như thế.

Họa sĩ Đỗ Phấn

Nhập Tết tây - ta? Cuộc đời như thế sơ lược quá! - Ảnh 3.

Họa sĩ Đỗ Phấn

Nhập tết? Cuộc đời như thế... sơ lược quá!

* Theo ông, tết truyền thống và sự hội nhập cần được nhìn nhận như thế nào?

- Cũng lý do hội nhập, có người muốn bỏ luôn cả Tết âm lịch để dồn vào Tết dương lịch.

Cuộc đời như thế thì... sơ lược quá! Xu thế chung là phải hội nhập, nhưng chúng ta mới nghĩ tới chiều hội nhập với phương Tây bằng ăn tết theo Tây lịch, mà chưa nghĩ rằng biết đâu người phương Tây sẽ tìm thấy rất nhiều thứ ở Tết âm lịch của ta và những nước đồng văn châu Á.

Như thế không chỉ chúng ta, mà người phương Tây cũng tìm ngược trở về chúng ta, không chỉ ở phong tục mà ở bề dày, chiều sâu văn hóa.

Và biết đâu dịp tết cổ truyền của chúng ta lại chẳng là mùa du lịch của mấy ông châu Âu, Mỹ. Điều này khác gì chúng ta đi du lịch vào dịp Noel, tết Tây...

Cho nên hội nhập vẫn cứ hội nhập, nhưng giá trị nào vẫn cứ giữ nguyên giá trị ấy, càng giữ nguyên giá trị và càng đẩy cao phẩm chất văn hóa lên sẽ giúp ích cho rất nhiều mặt khác.

Việc tổ chức một cái Tết âm lịch tốt để thu hút được khách du lịch có phải là hay không?

Không gian, thời gian, thời tiết, hoa hòe, sản vật ngày tết... đã sẵn rồi, chỉ còn mỗi việc mở ra những điểm để cho người khác từ xa đến có chỗ vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi... có phải hay hơn không?

* Và cũng có xu hướng vui tết trước tết, chứ không đợi đến ngày tết nữa?

- Đúng thế. Nhiều người Hà Nội mấy năm nay không mấy tập trung vào ngày tết ở gia đình, họ đi chơi đâu đó là chính. Ít đến nhà nhau nên bày biện nấu nướng hạn chế nhiều. 

Những ngày đó không ăn uống gì nhiều, nấu nhiều rồi bỏ cũng lãng phí. Thực ra tết vui nhất vẫn là những ngày chuẩn bị. Người ở xa về, anh em trong gia đình tụ họp, thăm hỏi nhau. Đó là sum họp.

Chuyện ăn tết cũng dần phai nhạt đi. Ông cha ta ngày xưa nói đến ăn tết có lẽ luôn luôn phải nghĩ đến cái ăn. Thậm chí quanh năm dành dụm để tết có cái ăn. 

Bây giờ bất kỳ lúc nào cũng có thể ăn đúng như tết, cũng chẳng tốn kém gì nữa. Cho nên người ta không còn quan niệm ăn tết, mà tết là dịp để gặp gỡ, đi chơi...

* Ông nghĩ thế nào về chơi tết?

- Chơi tết không phải là cái gì mới. Trong truyền thống, ông cha đã chú tâm chơi tết và chơi tết rất lâu, hầu hết phần chuẩn bị rất công phu và lâu dài để phục vụ việc cả ăn và chơi tết. 

Bắt đầu từ mồng 1 tết người ta chuẩn bị những món ăn rất ngon, cỗ bàn thì nhiều thứ. Việc thứ hai là chơi tết, đàn đúm, hội hè, cờ bạc, hát xướng cả tháng giêng. "Tháng giêng là tháng ăn chơi" mà.

Nhưng có những năm rất đói khổ, phải tích cóp quanh năm để lo cho một cái tết có đầy đủ đồ ăn thức uống. Và việc chơi tết bị gọi là hủ tục, bị phê phán rất nặng, coi đó là lãng phí, lười nhác. 

Cho nên ngừng việc chơi tết trong mấy chục năm, mãi đến sau năm 2000 người ta quay lại dành tết cho việc chơi là chính, ăn thì lo sơ sài. Thậm chí nhà tôi ngày tết tôi chỉ thích mấy củ su hào luộc chứ chả thích cái gì cả...

* Thế còn những lễ nghi vốn rất quan trọng với nhiều người, nhất là người lớn tuổi, thì sao?

- Lễ nghi ngày tết hiện đơn giản đi rất nhiều. Gia đình tôi trước đây đầy đủ tất cả, nhưng bây giờ chỉ còn một mâm cơm cúng đêm giao thừa ngoài trời, như là tục báo cáo trời đất tổ tiên việc làm ăn và sức khỏe trong năm qua. 

Sáng mồng 1 làm mâm cơm cúng gia tiên. Đó là điều nhiều gia đình còn duy trì. Còn lại rất nhiều lễ nghi cúng bái khác nữa đã giản lược, bỏ dần đi, ít ai còn theo. Tôi nhìn sự giản lược đó ở góc độ tích cực.

* Vậy điều gì là quan trọng nhất của ngày tết khi ăn tết đã dần phai thành chơi tết và khi những lễ nghi đã giảm nhiều?

- Là niềm vui và hạnh phúc. Xã hội được đánh giá có văn minh hay không là ở chỉ số hạnh phúc.

Ngày tết phải vui, chứ chạy cuống cuồng đi lo, ngược xuôi, tất bật thì còn gì là vui, là hạnh phúc nữa. Đơn cử những người làm ăn xa quê, ngày tết luôn nghĩ đến chuyện mua vé tàu xe, rồng rắn, chen chúc về thăm quê, họ hàng, gia đình... 

Khi việc ấy trở thành nghĩa vụ thì chưa thể là hạnh phúc được. Nếu việc về trong tầm tay, tất cả dịch vụ trơn tru, thuận tiện thì càng gần đến hạnh phúc.

Thậm chí có những người lớn tuổi, con cháu khổ sở, vất vả như thế về thăm để làm gì? Ngày thường thuận tiện, lúc nào thăm chẳng được. 

Ở đây còn có chuyện bố mẹ gọi điện trách móc đi cả năm đến tết không thèm về thăm quê. Nếu vẫn trách như thế thì rõ ràng tết chưa thể hạnh phúc. Sớm muộn gì những thứ đấy rồi cũng phải thay đổi!

Nhà văn NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ:

Tết là một cuộc vui

nguyen truong quy (read-only)

Ngày trước, ăn tết như là sự tổng kết mức độ thành đạt của gia đình trong năm.

Đấy là khi người ta không có nhiều cái thang tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công của con người, xã hội đành phải trông chờ dịp tết.

Còn bây giờ quanh năm có rất nhiều cái thang để đo, tết chỉ là một cuộc vui. Tôi chú ý đến những niềm vui từ các hoạt động tương tác hơn trong mấy ngày tết.

Bây giờ bớt đi tư duy thủ tục, không còn cảnh cứ đến chúc tết từng nhà một theo đúng nghi thức.

Họ tích hợp những cái đó trong những cuộc hẹn đi chơi, hoặc cùng nhau khám phá mỗi nhà nhiều khi có những thứ hay trong gia đình, đánh tiếng mời bà con, người quen đến thưởng thức.

Bây giờ tần suất gặp nhau dễ dàng hơn, không còn như trước đây tết mới là dịp nhìn thấy nhau trong bộ dạng đẹp đẽ hào nhoáng, thậm chí lột xác. Việc chuyển từ ăn tết sang chơi tết, theo tôi, đó là điều tiến bộ.

GS.TS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH:

Hai yếu tố mới tích cực lẫn tiêu cực

hoang dao kinh (1) (read-only)

Có ba yếu tố Tết Việt xưa. Thứ nhất là những thủ tục nghiêng về nghi lễ từ gia đình, cộng đồng, làng xã được tuân thủ nghiêm ngặt.

Thứ hai, tết xưa là một phần biểu hiện sự gắn bó gia đình, dòng tộc và cộng đồng. Xưa cả năm ít gặp nhau, tết trở thành dịp gặp gỡ, sum họp...

Thứ ba là ăn uống, với những món ăn truyền thống bắt buộc để dâng lên cúng bái tổ tiên, cũng là những món ăn chủ đạo trong những ngày tết.

Cả ba yếu tố đó cùng lúc sao nhãng dần, mờ dần, trong từng địa bàn khác nhau thì ở mức độ khác nhau.

Những năm gần đây phát sinh hai yếu tố mới. Một là lệ đi thăm nhau, nhất là thăm cấp trên, thăm những người mình nợ, mình cần nhờ vả hoặc lo lót cho thời gian tới và có dính dáng đến chuyện biếu xén.

Đây là biểu hiện không tích cực. Hai là từ ăn tết chuyển sang chơi tết, đó là điều tốt, biểu hiện mới, biểu hiện xã hội no đủ hơn và phần nào hướng đến hạnh phúc cho mình.

Đạo diễn NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP:

Dàn hòa giữa lễ nghi và chơi tết tự do

nguyen hoang diep (read-only)

Vài năm trước, những người bạn đi chơi xuyên tết, không ở nhà lo cúng bái gia tiên hay đi chúc tết họ hàng, gia đình nội ngoại..., tôi không làm như thế mặc dù mình rất muốn đi chơi.

Tôi vẫn cảm giác xã hội họ có thể nhìn, phán xét, nói ra nói vào... Nhưng tết năm nay, lần đầu tiên "ông xã" đề nghị "nhà mình đi đâu đấy chơi".

Trước đây, bố mẹ sẽ rất giận nếu chúng tôi có ý đi chơi xuyên tết, nhưng bây giờ ông bà cũng thấy chuyện đó dường như rất bình thường.

Bây giờ nhiều người làm như vậy quá, mình hùa theo số đông và cảm thấy hạnh phúc, bởi sự hùa theo số đông đấy đúng với mong muốn của mình. Cách chơi tết tự do là làm sao không làm tổn thương quan niệm về cái tết trang trọng.

Và ngược lại, sự trang trọng, lễ nghi cổ truyền tôn trọng các giá trị truyền thống không nên làm mất đi tinh thần của lễ hội lớn nhất trong năm. Tôi nghĩ hai điều này về bản chất không mâu thuẫn nhau, bây giờ chúng ta có điều kiện để có thể dàn hòa giữa hai điều này.

THÁI LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên