Bà Nguyễn Thị Bích Liên thời điểm được cứu - Ảnh: C.T.V.
Kỳ tích ở chùa Yên Tử
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau hơn 1 ngày giải cứu thành công bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khỏi vực sâu ở Yên Tử (Quảng Ninh), những người tham gia đoàn cứu hộ vẫn chưa thể tin vào câu chuyện 'sinh tồn như trong phim'.
Ông Nguyễn Minh Thuận - nhân viên phòng quản lý di tích, Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh) - cho biết xung quanh chỗ bà Liên ngã từng có 4 người rơi xuống vực được cứu sống nhưng họ đều bị gãy chân, gãy tay hoặc thương tích nặng, chỉ duy nhất bà Liên là vẫn lành lặn.
"Một người phụ nữ gần 60 tuổi rơi xuống và ở đó một tuần vẫn bình an trở về đúng là một kỳ tích", ông Thuận khẳng định.
Ông Thuận kể: sáng 3-5, khi cùng nhóm nhân viên của ban đi tuần tra tới khu vực cách chùa Đồng khoảng 50m về phía tây nam, ông nghe loáng thoáng thấy tiếng kêu cứu, tiếng chai lọ khua, đập vào cây, vào đá...
Đến khu vực sâu được cắm biển báo nguy hiểm, có lắp hàng rào từ sau chùa Đồng dọc theo vách đá kéo dài đến quảng trường An Kỳ Sinh, tiếng kêu cứu nghe rõ hơn. Do chưa xác định được vị trí nên mọi người cùng tản ra đi tìm, xác định xem tiếng kêu cứu phát ra từ hướng nào, vừa đi vừa phát tín hiệu.
Khi nghe rõ tiếng đáp trả và xác định được vị trí người bị nạn, ông Thuận cùng nhóm cứu hộ thả dây thừng xuống dưới vách đá.
3 người đàn ông khỏe mạnh, quen thuộc địa hình rừng núi thay phiên nhau người dìu, người kéo nạn nhân... Sau khoảng 40 phút, nhóm cứu hộ đưa được người phụ nữ từ vực sâu 30-40m lên khu vực an toàn.
Nhóm cứu hộ cho biết lúc tiếp cận, họ thấy người phụ nữ này mặc áo mưa quấn kín người, bên trong mặc áo phao dài đến đầu gối, nơi trú ẩn là phiến đá vững chắc, kín gió, khá an toàn.
Nạn nhân hoảng sợ, mệt lả, chân tay sây sát, bầm tím, bốc mùi hôi thối nhưng tinh thần tỉnh táo.
Sau khi để người phụ nữ nghỉ ngơi, kiểm tra thân thể không có thương tích nặng, không gãy chân, gãy tay... ông Thuận mới hỏi thăm và được biết bà tên Nguyễn Thị Bích Liên, nhà ở Mỹ Đình, Hà Nội. Bà Liên cũng đưa ra vé cáp treo và vãn cảnh Yên Tử ghi ngày 27-4.
Tiếp đó, nhóm của ông Thuận tiếp tục đưa bà Liên lên chùa Đồng nghỉ ngơi thêm khoảng 30 phút rồi đưa xuống ga cáp treo để trở xuống dưới chân núi. Quá trình đi, do thấy không ổn nên mọi người thống nhất thay phiên nhau cõng bà Liên xuống ga.
Tay, chân bị sây sát của bà Liên - Ảnh: THÀNH CHUNG
Ông cũng phỏng đoán bà Liên không bị gãy chân, tay có thể do trượt chân theo kiểu nằm sấp, tụt xuống, quần áo dày giảm bớt vết thương; tay bấu víu vào cành cây bị sây sát.
"Không ai có thể tự trèo xuống khu vực đó"
Về thông tin trên mạng xã hội cho rằng bà Liên tự leo xuống vách núi để ngồi thiền, hoặc bịa chuyện rơi xuống vực Yên Tử, ông Thuận nói đúng sai thế nào sẽ phải do người trong cuộc trả lời.
Tuy nhiên, không ai có thể tự trèo xuống khu vực đó được, bởi phía tây nam chùa Đồng đều là vách núi thẳng đứng, hiểm trở, bản thân là đàn ông cũng không thể tự trèo xuống, phải dùng dây thừng mới đu xuống được và quá trình xuống rất dễ gặp nguy hiểm.
"Nếu không vì cứu người chúng tôi cũng chẳng dại gì mà xuống nơi nguy hiểm ấy", ông Thuận nói thêm và cho hay bà Liên rơi xuống nơi khá kín gió, may mắn có áo mưa che nên bà không bị cảm lạnh.
Ông Lê Tiến Dũng, trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cũng cho rằng chỉ có bà Liên mới có thể trả lời rõ những thắc mắc của mọi người. Tuy nhiên, theo camera ghi lại, lúc 12h39 ngày 27-4, bà Liên có qua cổng Khai Tâm Yên Tử, mua vé cáp treo và vé tham quan tại đây rồi lên chùa Đồng.
Thời điểm cứu được bà Liên, trong người bà vẫn giữ các vé này nhưng tất cả đã bị ướt, nhàu nát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận