19/05/2012 09:02 GMT+7

Nhận và trao

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TT - Căn hộ nhỏ trong khu tập thể 4B - phố Lý Nam Đế (Hà Nội) du dương tiếng nhạc nhẹ nhàng, người họa sĩ già giản dị trong chiếc áo bộ đội ngồi đóng khung mấy bức vẽ chân dung bằng bút chì rồi cẩn thận xếp vô hộp.

Kỳ 1: Cuốn sách của cha Kỳ 2: Bức ảnh từ lòng đất

GzV2hORT.jpgPhóng to

Họa sĩ Lê Đức Tuấn vẫn luôn kiếm tìm tin tức về đồng đội để trao lại những bức tranh mà mình đã vẽ trong chiến trường - Ảnh:N.Nga

Đã gần hai năm từ ngày nhận cuốn nhật ký bằng tranh trở về từ nước Mỹ, bây giờ họa sĩ Lê Đức Tuấn vẫn làm việc mà ông cho là mang lại hạnh phúc không kém như khi nhận lại cuốn nhật ký của mình: trao tặng lại những bức tranh cho những người mình đã vẽ năm xưa.

Nhận về...

Năm 1967, cũng như bao chàng trai Hà Nội khác, chàng sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội Lê Đức Tuấn hăng hái lên đường nhập ngũ. Ngày đi, ông được người bạn thân nhất của mình là Hoàng Thư tặng một cuốn sổ làm kỷ niệm. Cuốn sổ giản dị với những trang giấy trắng được Hoàng Thư tự tay đóng cẩn thận với lời đề tặng: ““L.Đ.Tuấn thân mến. Chúc Tuấn lên đường tham gia nghĩa vụ mạnh khỏe. Bạn rất thân, Hoàng Thư, 15-3-1967”. Cuốn sổ nằm trong balô theo ông lên đường và trong những ngày hành quân nó đã trở thành nơi trải lòng của người lính trẻ. Nó là một cuốn nhật ký nhưng không được thể hiện bằng ngôn từ mà bằng những bức tranh. Ông dùng cuốn sổ đó để ký họa những làng quê đã đóng quân, cảnh sinh hoạt trong rừng, những con người, đồng đội mà ông đã gặp...

Tháng 3-1968, trong trận chiến tấn công quân đối phương ở Chư Tăng Ga (Kon Tum), ông mất chiếc balô trong đó có quyển nhật ký bằng tranh. Hòa bình lập lại, ông trở ra miền Bắc và làm họa sĩ cho báo Quân đội Nhân Dân. Cuốn nhật ký gồm 112 bức ký họa mà ông đã vẽ trong một năm trời ở chiến trường cũng dần chìm trong ký ức. “Nó rơi vào tay đối phương, chắc chắn là bị đốt đi...”- ông suy nghĩ vậy.

Nhưng thật bất ngờ, một ngày đầu năm 2010, ông Tuấn đã nhận về đứa con tinh thần của mình. Thiếu tá Mỹ Robert B.Simpson (sĩ quan tác chiến thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 bộ binh, sư đoàn 4 bộ binh của quân đội Mỹ ở vùng Pleiku-Kon Tum), trong một trận đánh đã thu được một chiếc balô của người lính Bắc Việt. Trong chiếc balô ấy có cuốn sổ gồm 112 bức ký họa với những bức tranh miêu tả cuộc sống thanh bình ở các làng quê, chân dung người lính, những cảnh sinh hoạt của người lính trên đường hành quân... với chữ ký L.Đ.Tuấn. Qua những bức tranh, thiếu tá Simpson cảm nhận L.Đ.Tuấn là một con người tài hoa, nhạy cảm với đôi mắt nhìn cuộc sống thật đáng yêu. Năm đó, ông xé ba bức tranh trong cuốn ký họa gửi về Mỹ tặng vợ. 109 bức còn lại ông mang tặng chỉ huy của mình, tướng William R.Peers.

Cuốn nhật ký sau đó theo tướng R.Peers rời VN trở về Mỹ. Ông giữ gìn nó cẩn thận đến lúc qua đời năm 1984 mới trao lại cho con gái là bà Penny Peers Hicks. Trước lúc mất, ông có tâm nguyện muốn trao trả lại cuốn ký họa cho chủ nhân của nó. Năm 2009, bà Hicks mới có cơ hội trao cuốn nhật ký cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Cuốn nhật ký bằng tranh sau đó được trao lại cho phía VN và được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN.

Tại đây, cuốn sổ với những bức vẽ tài hoa, khéo léo phản ánh một đôi mắt nhìn cuộc sống thật đáng yêu đã thu hút sự chú ý của báo chí. Câu chuyện về số phận cuốn sổ với những bức tranh này được các phương tiện truyền thông đăng tải. Ông Lê Đức Tuấn vẫn không hay biết gì về đứa con tinh thần của mình đã trở về VN. Đến một buổi sáng, cô em gái của ông nhận ra chữ ký trên những bức tranh trong cuốn nhật ký kia đích thị là của anh trai mình. Ông Tuấn không thể tin nổi cuốn nhật ký mình vẽ suốt một năm trong những ngày ở chiến trường ác liệt kia vẫn còn và trở về từ nước Mỹ.

Niềm hạnh phúc vỡ òa khi ông tận mắt cầm trên tay cuốn nhật ký của mình. Nhiều bạn bè của ông cho đó là cái duyên của người với vật. Còn vợ ông thì cười thật tươi: “Đó là nhờ phúc của dòng họ. Mọi người đều xem những bức tranh của nhà tôi là một báu vật”.

...Và trao đi

Bây giờ cuốn nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn đã trở thành kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN. Ông chỉ được giữ bản scan của cuốn nhật ký. Một việc làm mà ông tiến hành sau khi nhận lại cuốn nhật ký là nhanh chóng tìm lại những đồng đội mà mình đã vẽ trong cuốn nhật ký năm xưa để tặng lại những bức vẽ đó. Mỗi người được vẽ trong một hoàn cảnh khác nhau với những cá tính khác nhau nhưng đều hằn rõ trong trí nhớ của ông. “Nhận lại một kỷ vật là niềm hạnh phúc lớn nên tôi nghĩ những đồng đội của mình mà được nhận lại một bức tranh vẽ mình thời trai trẻ thì còn gì vui bằng. Đây có thể là một tài sản rất lớn vì có rất nhiều người đã hi sinh không có một tấm ảnh để thờ. Vậy là tôi thôi thúc mình làm việc đó”- họa sĩ Tuấn bộc bạch.

Bức tranh đầu tiên được họa sĩ Lê Đức Tuấn tặng lại là bức chân dung liệt sĩ Ngô Lê Phong ở phố Mã Mây (Hà Nội). “Tôi vẽ Phong lúc dừng chân nghỉ trên đường hành quân. Phong hi sinh sau đó ít lâu. Hôm tôi mang bức tranh tới nhà đặt lên bàn thờ Phong, người thân của anh đã khóc”- họa sĩ Tuấn rưng rưng.

May mắn hơn, ông Đào Duy Thành - người cùng đơn vị với họa sĩ Lê Đức Tuấn - vui mừng đến ứa nước mắt khi cầm trên tay bức tranh vẽ chính mình đóng khung cẩn thận từ người bạn cùng đơn vị, bức tranh được vẽ ngày 15-7-1967: “Tuấn vẽ lúc nào tôi cũng chẳng hay, bây giờ mới biết”- ông chia sẻ.

Có hai bức tranh khiến họa sĩ Lê Đức Tuấn vẫn không thôi trăn trở là tranh phác họa đại đội trưởng của mình: Ngô Xuân Lâm. Một bức được vẽ khi đại đội trưởng đang lên lớp huấn luyện và một bức trước khi đơn vị ông hành quân vào Tây nguyên. “Vẽ xong, tôi đưa cho anh xem, anh cười bảo cậu vẽ được đó, hòa bình nhớ dành tặng tớ”- họa sĩ Tuấn nhớ lại. Thế nhưng đại đội trưởng Xuân Lâm hi sinh không lâu sau đó. Hai bức họa sau mấy chục năm lưu lạc nơi đất khách quê người bây giờ trở lại, nhưng họa sĩ Tuấn không còn cơ hội để tặng người đại đội trưởng đáng kính của mình nữa.

Điều làm ông day dứt nhất là trong suốt gần hai năm qua ông bỏ công cùng đồng đội mình tìm gia đình của ông Lâm để trao lại hai bức tranh vẽ nhưng vẫn bặt vô âm tín. Hai bức chân dung người đại đội trưởng đáng kính, cương nghị vẫn còn nằm trong hộp giấy, còn người họa sĩ già vẫn không thôi tìm kiếm tin tức về gia đình của đồng đội để trao lại. “Đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm quê ở Duy Tiến, Duy Xuyên, Quảng Nam, có vợ là Trần Thị Kim Xuân, con là Ngô Xuân Hải. Cô viết bài nhớ viết thêm vài dòng vậy giùm tôi nhé, biết đâu vợ con anh biết được để tôi thực hiện được tâm nguyện của mình” - họa sĩ Lê Đức Tuấn dặn dò.

___________

Kỳ tới: Món nợ cuộc đời

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên