
Biến động nhân sự thời gian qua đã đặt ra câu hỏi liệu cần đội ngũ hừng hực lửa hay chỉ là đám đông để tồn tại - Ảnh: Q.NG.
Báo cáo "Vượt qua xáo trộn, từ hỗn độn đến định hình" với nhiều số liệu do Anphabe khảo sát gần 400 quản lý nhân sự và gần 13.000 lao động tham gia mới được công bố tại TP.HCM. Kết quả ghi nhận sau COVID-19, doanh nghiệp Việt tích cực tinh gọn.
39% doanh nghiệp nói vẫn tuyển dụng nhưng chỉ tuyển và giữ người với chi phí hợp lý. Có đến 37% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trên diện rộng, 25% doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi tự động hóa. Nhưng việc tái cấu trúc bộ máy, sắp xếp nhân sự lại bị động hoàn toàn.
Bà Thanh Nguyễn, giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe, nói ngày 2-4 được ghi nhận là "ngày thứ tư đen tối" với dân nhân sự. Hệ thống tuyển dụng toàn cầu khựng lại với thông điệp ngưng tuyển dụng khắp nơi. Bà Thanh nói nếu điều này diễn ra bị động ngoài chiến lược chủ động tinh gọn rất có thể tạo ra hiệu ứng domino tiêu cực về lâu dài.
Trong khi đó, 46% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng không dễ tuyển được nhân tài đủ chất lượng. Về lâu dài kế hoạch phát triển nhân tài bị đứt đoạn, kéo theo việc đổi mới sẽ bị đình trệ. Kết quả khảo sát của Anphabe chỉ ra 43% nhân lực vượt qua làn sóng sa thải cho biết bị stress rất cao, cứ 10 người dù đang có việc làm ổn định nhưng được hỏi đã có 4 người nói đang kiệt quệ về mặt thể chất và tinh thần.
Khảo sát cũng cho thấy sự gắn kết giữa người lao động tại các doanh nghiệp đang giảm rõ rệt khi chỉ 49% cho rằng có sự gắn kết. Vấn đề là tỉ lệ gắn kết giảm sâu ở những nhóm từng đạt tỉ lệ cao nhiều năm trước đây. Mà gắn kết giảm đồng nghĩa sự thờ ơ của người lao động với công việc, với sự phát triển doanh nghiệp sẽ tăng lên theo hướng tiêu cực.
"Tôi cho rằng chỉ có 4/10 người cảm thấy vui, hào hứng đi làm. Con số tương tự nói không nhìn thấy tương lai ở công ty trong vòng hai năm tới. Và 17% nhân viên thẳng thắn nói sẽ rời nơi đang làm trong sáu tháng tới là những con số đáng suy nghĩ", bà Thanh phân tích.
Vấn đề là hệ lụy của cuộc đại cải cách ngành nhân sự chưa dừng lại ở đó. Cũng khảo sát này còn cho ra con số 48% người được hỏi đã trả lời "rất cởi mở với các cơ hội mới, chủ động đi tìm cơ hội mới nhưng không rời đi ngay".
Tức là một nhóm nhân viên vẫn ở đó, vẫn tươi cười trong công việc song sự háo hức đã nguội lạnh. Thay cho câu hỏi làm sao để tốt hơn sẽ là khi nào xong và gần như không tha thiết đóng góp ý tưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận