26/11/2020 17:55 GMT+7

Nhân sự lĩnh vực chuyển đổi số ở ngân hàng thời ‘gạo châu củi quế’

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Câu chuyện bên lề nhưng thu hút sự quan tâm của nhiều người tham dự Diễn đàn ngân hàng bán lẻ Việt Nam tổ chức hôm nay 26-11 là chuyện các ngân hàng than bị chảy máu nhân sự trong lĩnh vực số hóa.

Nhân sự lĩnh vực chuyển đổi số ở ngân hàng thời ‘gạo châu củi quế’ - Ảnh 1.

Ngân hàng đua áp dụng công nghệ để xác thực thông qua nhận dạng khuôn mặt - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo các ngân hàng, do đây là lĩnh vực mới nổi trong 2 năm trở lại và các ngân hàng đang chạy đua rất quyết liệt nên chuyện săn nhân lực trong lĩnh vực này đang nóng hơn bao giờ hết.

Ông Phùng Duy Khương, phó tổng giám đốc VPBank, cho hay trên thị trường xuất hiện nhu cầu tuyển nhân sự ở những vị trí chưa từng có ở ngành ngân hàng trước đây như phân tích nghiệp vụ về trải nghiệm, phân tích dữ liệu, trải nghiệm của người dùng…

Nhân sự có trình độ vừa hiếm, lại nhiều đơn vị chèo kéo nên việc nhân sự nhảy việc diễn ra như cơm bữa. Agribank than trong năm qua bị mất 20 nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin về tay đơn vị khác trong khi chỉ tuyển được hai nhân sự về.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, phó tổng giám đốc VietinBank, nói các ngân hàng không chỉ cạnh tranh với nhau về nhân sự mà còn bị cạnh tranh bởi các công ty tài chính công nghệ (fintech), hoặc các đơn vị tư nhân sẵn sàng trả lương cao hơn để lôi kéo người về.

Nhiều ngân hàng cho biết khi phỏng vấn nhân sự mới thấy là nhiều người cứ "chạy lòng vòng" từ ngân hàng này qua ngân hàng khác. Tuy nhiên đây là thực tế phải chấp nhận trong bối cảnh "gạo châu củi quế" như hiện nay và các ngân hàng không thể mãi trông chờ vào việc "săn đầu người" mà phải nghĩ căn cơ hơn là tự đào tạo.

Một vấn đề khác cũng nóng không kém là chuyện chạy đua định danh khách hàng điện tử (eKYC). 

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết hiện mỗi ngân hàng có một cách định danh khách hàng điện tử khác nhau, cũng không liên kết hay chia sẻ với nhau. Các ngân hàng cũng tự làm chứ không qua nhà mạng nào. 

Khách hàng định danh ở ngân hàng này rồi sang ngân hàng khác vẫn định danh lại. Ông Lực gợi ý vì sao các ngân hàng không thông qua một nhà mạng hay chia sẻ dữ liệu để tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực thay vì mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Về vấn đề này, một số ngân hàng cho biết hành lang pháp lý đã cho phép các ngân hàng sử dụng một đối tác khác, ví dụ VNPT hay các đối tác có mạng lưới lớn đủ tiêu chuẩn để đứng ra định danh khách hàng.  

Ông Phạm Anh Tuấn, ủy viên hội đồng quản trị Vietcombank, cho hay ngân hàng tận dụng lợi thế của fintech trong việc định danh khách hàng. Tuy nhiên điều ngân hàng băn khoăn nhất là hiện chưa có chuẩn chung cho định danh khách hàng điện tử.

"Trong các buổi họp với Ngân hàng Nhà nước chúng tôi đều đưa ra vấn đề này. Vì hiện nay eKYC của các ngân hàng chưa 'nói chuyện' được với nhau. Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành chuẩn này chứ đừng để các ngân hàng định danh khách hàng rồi mới ban hành chuẩn chung như với thẻ ngân hàng", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng đề nghị các ngân hàng liên kết chia sẻ thông tin định danh khách hàng với nhau. "Vì sao giữa các ngân hàng không chia sẻ thông tin này khi chúng ta đã có cơ chế chia sẻ lịch sử tín dụng khách hàng qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) để có thể khai thác lẫn nhau và tiết kiệm chi phí", ông Tuấn nói thêm.

Doanh nghiệp khó chuyển đổi số do mất an toàn thông tin Doanh nghiệp khó chuyển đổi số do mất an toàn thông tin

TTO - Doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số, nếu không chú trọng bảo đảo an toàn thông tin, an ninh mạng.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên