Bên cạnh hoa tươi, chocolate thì điện thoại di động, máy tính bảng, đồng hồ thông minh cùng nhiều thiết bị công nghệ hiện đại dang dần trở thành lựa chọn quà tặng trong những năm gần đây - Ảnh: Slideteam
Mới đây, một tài khoản Reddit là u/tellornottell3 chia sẻ về tình huống này và khiến cộng đồng mạng khắp thế giới quan tâm, lo lắng. u/tellornottell3 cho biết cô phát hiện anh trai mình tìm cách cài ứng dụng theo dõi vào chiếc điện thoại thông minh - món quà ngày 14-2 mà anh này dành tặng cho vợ chưa cưới, với mục đích duy nhất là kiểm soát các mối quan hệ và theo dõi cuộc sống của cô ấy. Điều khiến u/tellornottell3 bất ngờ là chính bạn trai của cô cũng tham gia vào việc này và thậm chí nói với cô rằng đó là chuyện "bình thường" và "em đừng xen vào làm gì, kệ họ!". u/tellornottell3 đang suy nghĩ có nên cảnh báo chuyện này với chị dâu tương lai của mình hay không.
Bài đăng này nhanh chóng thu hút gần 15.000 lượt quan tâm và hàng nghìn lượt chia sẻ, làm dấy lên lo ngại về sự riêng tư cá nhân khi có rất nhiều người nhận được quà công nghệ từ bạn trai/bạn gái mình trong ngày lễ Tình nhân hôm qua.
Chuyện thiết bị công nghệ thông minh, đặc biệt là điện thoại, bị lén cài ứng dụng theo dõi không còn là chuyện mới mẻ. Chỉ qua vài thao tác đơn giản là mọi thông tin hay các hoạt động trên chiếc điện thoại đó, bao gồm tin nhắn, cuộc gọi, ảnh và nhiều điều khác có thể bị một người khác theo dõi.
Ban đầu, các ứng dụng này sinh ra với mục đích tốt đẹp là giúp phụ huynh theo dõi con em mình, bảo vệ con trẻ khỏi nguy cơ bị tấn công mạng, nhưng về sau đã bị những kẻ xấu lợi dụng để theo dõi người khác.
Chỉ cần gõ trên Google tìm kiếm "ứng dụng theo dõi điện thoại" là có thể biết được những ứng dụng, phần mềm nào đang được nhiều người dùng nhất hiện nay. Người tìm kiếm có thể thấy nhiều phần mềm theo dõi dùng cho gia đình, con cái, và cả vợ chồng, bạn tình. Thậm chí, từ khóa "cách cài ứng dụng theo dõi" cũng cho ra hơn 30.000 kết quả trong chưa đến 1 giây. Nhiều trang web cả tiếng Anh và tiếng Việt chia sẻ chi tiết các bước cài đặt mà không làm người bị theo dõi biết.
Đa phần các ứng dụng theo dõi này không mất phí, cài đặt lại đơn giản. Bởi thế nên người sử dụng chúng chẳng cần phải là hacker chuyên nghiệp, cũng không cần phải đến hiệu điện thoại lớn mà bất cứ ai cũng có thể tự làm tại nhà được.
Vào năm 2020, CNET từng đề cập đến "Loverspy", một phần mềm được Carlos Enrique Perez-Melara viết. Gã này vốn có tên trong Danh sách truy nã đặc biệt của FBI vào năm 2013. "Loverspy" được gửi đến email của người dùng và hiển thị dưới dạng thẻ điện tử và một khi mở ra sẽ "bí mật đánh chặn email, bật webcam và đọc các cuộc trò chuyện của người đó".
Theo CNET, những loại ứng dụng và chương trình này được gọi là "phần mềm theo dõi" hoặc "phần mềm gián điệp" ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Mặc dù việc bán các ứng dụng theo dõi người lớn là bất hợp pháp nhưng ở hầu hết quốc gia trên toàn thế giới thì các luật điều chỉnh việc bán hàng này chỉ trong phạm vi hẹp, nhiều kẽ hở nên vẫn giúp nhà sản xuất tạo ra các ứng dụng hoạt động hợp pháp.
Hiện chưa có một phương pháp tuyệt đối nào để ngăn chặn triệt để việc bị cài ứng dụng theo dõi. Ngoài việc tìm cách cài đặt các công cụ hữu ích thì các phương pháp đơn giản như: không chia sẻ địa chỉ email, nhà riêng, mật khẩu, ảnh giấy tờ tùy thân lên mạng xã hội; tắt định vị khi không cần dùng; kiểm tra các cài đặt cơ bản và xóa ứng dụng lạ, không cần thiết trong điện thoại... có thể giúp chúng ta phát hiện phần mềm gián điệp và ứng dụng theo dõi vị trí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận