Phóng to |
Trẻ có thể bị té ngã, đánh nhau gây chấn thương nhưng cũng có thể bị bạo hành về tinh thần và thân thể như các bé ở Trường mầm non tư thục Phương Anh, Q.Thủ Đức, TP.HCM mới đây. Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ phân tích những chấn thương gây tổn hại gì cho trẻ và cách nhận biết, giúp trẻ vượt qua những chấn thương này.
Nhiều chấn thương nguy hiểm
Theo bác sĩ Trương Anh Mậu - khoa ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), trẻ em độ tuổi mầm non các bộ phận cơ thể chưa hoàn thiện nên dễ bị tổn thương do ngoại lực. Khi bị tổn thương (tùy theo mức độ) sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể của bé. “Trẻ bị tát quá mạnh vào tai sẽ gây tổn thương mô mềm dưới da, với biểu hiện là bầm tím, sưng nề. Điều nguy hiểm là trẻ có thể bị chấn động tai giữa làm ảnh hưởng đến màng nhĩ” - bác sĩ Mậu nói.
Trường hợp trẻ bị bạo hành ở mức nguy hiểm như bóp cổ, nhẹ chỉ gây cảm giác sợ cho bé nhưng mạnh có thể ảnh hưởng đến sụn thanh quản, cản trở quá trình hô hấp, ảnh hưởng đến việc đưa oxy lên não. Bị bóp cổ mạnh quá ba phút, dù cấp cứu kịp thời trẻ vẫn bị di chứng bại não. Ngoài ra, nếu vùng ngực của trẻ bị ngoại lực mạnh tác động có thể làm trẻ bị rạn xương sườn, chấn thương phổi. Nếu trẻ bị đạp thẳng, đạp mạnh vào bụng thì có thể bị tổn thương ruột hoặc lá lách, gan. Những tổn thương này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể khiến trẻ bị tử vong.
“Ở tuổi mầm non, chân tay của trẻ còn rất non, yếu. Khi bị tác động mạnh, trẻ có thể bị gãy sụn tiếp hợp hoặc gãy xương. Di chứng của tổn thương này có thể làm tay chân trẻ cong vẹo hoặc phát triển không bình thường. Điều đáng tiếc là có những trường hợp 5-7 năm sau mới phát hiện những dị tật trên” - bác sĩ Mậu cho biết.
Tách trẻ khỏi môi trường bạo hành
Cử nhân tâm lý Trần Thị Uyên Phượng - giảng viên bộ môn tâm thần và tâm lý y khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - khuyên khi biết trẻ bị bạo hành, cha mẹ cần tách trẻ khỏi môi trường bị bạo hành càng sớm càng tốt và tránh không để tái diễn tình trạng trẻ bị bạo hành. Thường những trẻ bị bạo hành về sau sẽ rất sợ đi học. Trẻ có thể trở nên nhút nhát, đôi khi biểu hiện sợ ăn, có thể giảm sự thích nghi (khi đến một nơi lạ, gặp người lạ trẻ sẽ sợ sệt).
Do vậy, với trẻ có những biểu hiện tâm lý bị ám ảnh về việc bạo hành một cách nặng nề và kéo dài rất cần được can thiệp hỗ trợ về mặt tâm lý bởi các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý bằng nhiều biện pháp “chữa lành” như cho bé chơi với búp bê, với khay cát, vẽ tranh, kể chuyện, sắm vai... Ngoài ra, trẻ rất cần được các tổ chức xã hội liên quan về quyền trẻ em, tổ chức chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ em quan tâm.
Khi đã bị bạo hành về thể xác và tinh thần, trẻ cần có thời gian để hòa nhập với môi trường mới. Vì vậy gia đình cần dành nhiều thời gian, sự yêu thương và đặc biệt nhẫn nại với trẻ, thấu hiểu nhằm giúp trẻ hàn gắn những vết thương nơi tâm hồn. Cần lưu ý thêm, nhiều bậc cha mẹ hoặc nhiều người nghĩ rằng khi trẻ bị bạo hành, chứng kiến việc bạo hành... sau một thời gian sẽ chóng quên, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy dù trẻ còn rất nhỏ, nếu chứng kiến hoặc bị bạo hành thì cũng có những rối nhiễu tâm lý.
Để biết trẻ có bị tổn thương tâm lý hay không, cha mẹ phải quan sát những phản ứng của trẻ như trẻ ngủ ngon hay ngủ chập chờn, hay giật mình không, hoặc trẻ có trở nên rụt rè, không chơi với bạn? Hoặc trẻ có sợ hãi, run, cắn móng tay, không chịu đi học, giãy nảy hay bỏ chạy khi cha mẹ đưa đến trường không...
Cha mẹ cũng cần để ý để biết cách phòng ngừa những trường hợp bị đánh đập, đối xử thô bạo qua theo dõi vết thương trên người trẻ xem thế nào. Cần để ý các vết thương đó có hay lặp lại không? Khi về nhà trẻ có kể là đi học có vui không, chơi với bạn nào hay trẻ không nói gì, bị sụt cân, buồn, không chịu chơi... thì phải hiểu trẻ có vấn đề gì đó về tâm lý khi đi học. Ngoài ra, nếu thấy trẻ rất sợ hãi khi cha mẹ lườm mắt hay la mắng chứng tỏ trẻ có thể có “kinh nghiệm” xấu ở trường.
Người bạo hành trẻ cũng là nạn nhân Khi trẻ em bị bạo hành, phần đông chúng ta sẽ có thái độ phẫn nộ với những người bạo hành trẻ, thái độ đó đúng với diễn biến tâm lý con người. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác về tâm lý, đa số người có xu hướng bạo hành người khác có thể từng là nạn nhân của một sự giáo dục bạo hành họ được tiếp nhận. Ở một số nước tiên tiến trên thế giới, trong các nhà tù có chuyên gia tâm lý hỗ trợ về tâm lý định kỳ cho các tù nhân, họ nhận thấy đối với các tù nhân can tội hành hung, lạm dụng tình dục trẻ em đều từng có tuổi thơ bị hành hung hoặc bị lạm dụng. Và như đã nói ở trên, những người này có xu hướng thực hiện hành vi đó trên đối tượng ít nguy hiểm hơn. Dần dần hành vi đó trở thành thói quen, họ không có cảm xúc khi có hành vi bạo hành với đối tượng khác. Những người này cũng cần sự hỗ trợ tâm lý để thay đổi. Về phía vai trò làm cha mẹ, phụ huynh có thể giúp con phòng ngừa được tình trạng bị bạo hành bằng những hành động cụ thể: - Khi con đi học, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về ngôi trường đó: tìm hiểu trực tiếp các giáo viên, hiệu trưởng (hoặc quản lý), thăm dò ý kiến của những phụ huynh khác. - Dành thời gian chơi với con mỗi ngày để nắm bắt những thay đổi thể chất hoặc cảm xúc của trẻ. Đặt ra những nghi vấn khi thấy trẻ có những bất thường dù nhỏ nhất. Quan sát cách biểu hiện của trẻ với người khác hoặc qua trò chơi. Khi thấy có thay đổi khác thường, phụ huynh cần trò chuyện với trẻ nếu trẻ biết nói, trao đổi với cô giáo nếu trẻ không biết bày tỏ bằng lời hoặc chưa biết nói. Chú ý cách cô giáo trả lời (lời lẽ ấp úng, lúng túng, mắt chớp nhiều lần, mắt lảng tránh...) để nắm bắt vấn đề. - Những trẻ bị bạo hành cần được điều trị tâm lý bởi các chuyên gia tâm lý để phòng tránh rối loạn kéo dài. Cha mẹ các trẻ này cũng cần được tư vấn để biết cách chăm sóc tinh thần cho các em. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Đày đọa trẻ mầm nonXem video clip Đày đọa trẻ mầm nonBộ GD-ĐT yêu cầu tổng rà soát mầm non ngoài công lậpBạo hành học sinh mầm non: cách nào hạn chế?Khởi tố, bắt tạm giam hai “cô giáo” đày đọa trẻ mầm nonBóp cổ, gí đầu, lấy khăn bịt mũi, tát vào mặt bé
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận