Căn nhà của vợ chồng ông Dương Màn sau bão chỉ là đống gạch - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tâm bão số 9 quét qua Quảng Ngãi, kéo những căn nhà đổ sập và nhiều người dân đang sống cảnh màn trời chiếu đất. Tình làng nghĩa xóm chỉ đủ giúp vá víu lại tổ ấm cheo neo một cách tạm bợ.
Những ngôi nhà bị đổ sập, lại toàn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, họ điêu đứng trước thực tại quá chênh vênh.
Căn nhà thành đống gạch, đến cái vạt giường cũng bị gió lột
Con đường làng xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa đâu đâu cũng là cây đổ. Ba ngày sau bão, khung cảnh hoang tàn vẫn hiển hiện khắp nơi. Những ngôi nhà bay mái, trống hoác hiện khắp ngã đường, người dân đang cố khắc phục hư hỏng. Với những ngôi nhà không thể "làm gì", họ đành sống tạm bợ ngay đống đổ nát.
Căn nhà của vợ chồng ông Dương Màng (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) vốn đã ọp ẹp, sau bão thì tan nát.
Ông Màng kể hôm bão tràn qua làng, vợ chồng ông qua nhà hàng xóm trú tạm. Gió quật liên tục, ông nhìn sang nhà thấy mái tôn rung rinh. Lúc ấy ông lo sợ mái nhà sẽ bị thổi bay, nhưng thực tế còn "tàn" hơn vậy.
"Chừng 30 phút bão nổi thì mái nhà bị cuốn bay. Sau đó gió đánh sập luôn gian nhà chính, vợ chồng tôi nhìn mà rụng rời", ông Màng kể.
Nét buồn hiện lên khuôn mặt bà cụ 90 tuổi, lúc này mọi thứ trong bà thật sự ngổn ngang. Mong muốn lớn nhất là có lại một mái nhà an toàn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tâm bão số 9 quét qua Quảng Ngãi, kéo những căn nhà đổ sập và nhiều người dân đang sống cảnh màn trời chiếu đất. Tình làng nghĩa xóm chỉ đủ giúp vá víu lại tổ ấm cheo neo một cách tạm bợ.
Bão tan, trở về căn nhà của mình, các vật dụng đổ nát, 2 ông bà già lọ mọ trên đống gạch tìm kiếm những gì còn sót lại. Nhưng rồi cũng chỉ còn mấy chiếc đũa tre và ba cái xoong móp méo.
Bà Phan Thị Mót, vợ ông Màng, tuổi cao lại thêm bệnh tật ở chân, phải đi nạng nhưng cũng ráng giúp chồng chuyển những viên gạch lành lặn ra trước nhà. Bà Mót nói hai vợ chồng sống với nhau đã 70 năm, trong đời chưa bao giờ nghĩ một ngày sống cảnh "màn trời chiếu đất".
"Vậy mà cuối đời lại chứng kiến cảnh này. Tui với ổng chết đứng", bà Mót nói.
Trong lúc hoạn nạn, tình làng nghĩa xóm là điểm tựa duy nhất của ông bà. Những người thợ hồ trong xóm đến giúp ông nhặt lại gạch cũ, mua ít ximăng dựng lại vách. Hôm chúng tôi đến, vách nhà đã được dựng lên tạm bợ. Ông Màng thì vẫn đi quanh xóm, cố tìm lại những tấm tôn của nhà mình. Nhưng chẳng ai biết gió bão cuốn đi đâu.
"Mấy cháu giúp dựng lại vách tường, còn tôn làm mái nhà chẳng biết lấy tiền đâu mua. Từ khi bão tan, vợ chồng tôi sống tạm dưới chái bếp, tối gió thổi lạnh lắm mà hai vợ chồng phải ráng", ông Màng nói.
Bà Xí bị bệnh nặng, bão quét ngang nhà, đến cái vạt giường cũng bị gió lột - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mong tiếp sức, dựng lại nhà
"Gió vào nhà trống" câu nói của cha ông ngàn đời truyền lại quả không sai, những ngôi nhà đổ sập lại rơi trúng những gia đình rất khó khăn. Như bà Trần Thị Xí (64 tuổi, xã Nghĩa Thương) không chồng con, mắt chỉ còn thấy mờ mờ. Hôm bão vô, bà chỉ kịp dò dẫm sang nhà người thân gần đó trú tạm.
Cũng như vợ chồng ông Màng, lúc bà trở về căn nhà đã nát tươm, vách tường nứt toác. Bà Xí không đám ở trong nhà vì không biết lúc nào nó đổ sập. Từ một người không quan tâm đến thời tiết, nay bà lại thường xuyên theo dõi, nghe tin bão số 10 sắp vào, bà Xí rất lo sợ.
"Chỉ cần một cơn gió nữa thôi là nhà tôi sập hẳn. Chính quyền thôn xã cũng lo nên nói tôi tạm thời ở nhờ nhà người thân. Chính tôi cũng không dám ở trong căn nhà nhà này mà", bà Xí nói.
Căn nhà của ông Đô ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa là một đống đổ nát sau khi bão quét ngang xóm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xã Nghĩa Thương dù không gần biển nhưng thiệt hại không nhỏ, người dân nói luồng gió giật rất mạnh xuyên qua xã chính là nguyên nhân khiến hàng loạt căn nhà bị đánh sập. Ở Nghĩa Thương đã vậy, những ngôi làng ven biển sức tàn phá của cơn bão còn khủng khiếp hơn.
Xã Bình Đông, huyện Bình Sơn nằm ngay cửa biển Sa Cần, khi bão tràn vào xã, sức gió ngành khí tượng đo được giật cấp 15. Cơn cuồng phong kéo sập nhà bà Phạm Thị Tý (82 tuổi, xã Bình Đông) rất nhanh. Đến giờ bà Tý cũng chưa về nhà mà vẫn lánh tạm ở một trụ sở được bố trí tránh bão.
"Về cũng không biết ở đâu. Nhà tôi trước được nhà nước làm cho, mười mấy năm ở ngon lành, vậy mà chỉ sau trận bão tôi mất nhà. Giờ tuổi này biết sống sao đây?", bà Tý nghẹn ngào nói.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trao tiền hỗ trợ ông Màng sửa lại nhà - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hiện chính quyền Quảng Ngãi đang chạy đua với thời gian để giúp đỡ những người dân bị thiệt hại nặng nề. Nhưng con số 165 nhà dân bị sập; 84.499, gần 300 trụ sở cơ quan và 151 điểm trường học bị tốc mái, hư hỏng là gánh nặng khủng khiếp.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, chủ tịch UBND xã Bình Đông, nói: "Địa phương rất cần sự hỗ trợ của toàn xã hội để khôi phục cuộc sống cho bà con. Nhất là những người mất nhà sau bão, họ gặp quá nhiều khó khăn và không đủ sức tự khôi phục lại nhà cửa".
Cảnh sống màn trời chiếu đất của người dân vùng tâm bão Quảng Ngãi như một câu chuyện dài. Ở đó, biết bao nhiêu mảnh đời hướng đôi mắt thẫn thờ vào đống đổ nát. Họ có sự kiên cường của người miền Trung. Nhưng họ chẳng đủ khả năng để vực dậy.
Cần một mái nhà bình yên là điều quá khó khăn sau bão...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận