Sáng 29-10, thầy cô Trường mầm non Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cùng lực lượng chức năng dọn dẹp lại trường do bị thiệt hại nặng sau bão số 9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 29-10, bầu trời Quảng Ngãi trong xanh, hửng nắng. Thầy cô trở lại trường dọn dẹp sau bão. Trường nào cũng la liệt cây xanh ngã đổ. Những phòng học trơ mái, lộ ra dãy bàn ghế hư hỏng.
Những ngôi trường không mái
Toàn bộ mái nhà của Trường mầm non Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) đều không còn, đến những thanh xà gồ to lớn dùng để gác mái tôn cũng bị cơn bão thổi mất tăm.
Cô giáo Phạm Thị Tuyết đi quanh khuôn viên trường, tìm kiếm những dụng cụ học tập còn dùng được trong đống ngổn ngang sau bão.
Căn phòng thân quen giờ chỉ còn lại chiếc bàn giáo viên; quạt, đồ chơi, thiết bị dạy học... đã cuốn theo gió trời giật cấp 15. Bức tường phòng học cũng đổ sập. "Không biết lấy gì mà đón trò trở lại trường đây!" - cô Tuyết thở dài.
Đứng giữa hai cây cổ thụ gãy đổ đè lên khu vui chơi cho trẻ, cô Bùi Thị Thu Trang, hiệu trưởng Trường mầm non Tịnh Khê, nói: "Dãy nhà này vừa làm mới phần mái, trần nhà, đóng laphông cách đây 1 tháng. Sau 1 ngày chẳng còn gì". Trường tiểu học, THCS của xã cũng tan hoang sau bão.
Dọc đường ven biển Quảng Ngãi, nơi tâm bão càn quét qua, chẳng có ngôi trường nào lành lặn. Nhẹ thì tốc mái, nặng thì đổ sập, mọi vật dụng tan tành.
Tại Trường THCS Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) ngày 29-10, lực lượng công an, quân đội cùng thầy cô giáo khẩn trương dọn dẹp cây cối ngã đổ, sửa lại bàn ghế. Dãy phòng học 2 tầng khang trang bị gió thổi tung toàn bộ phần mái nhà, tôn và cột kèo.
Để có thể kịp đón học trò trở lại, nhà trường phải mượn tạm 2 phòng học của trường tiểu học, tận dụng phòng hiệu bộ, tính toán các phòng học khác để thay thế những phòng học bị tốc mái, sập đổ do bão.
Thầy Lê Trung Tân, hiệu trưởng Trường THCS Bình Châu, thở dài: "Dạy học thời bình mà như chiến tranh, đi mượn phòng, tạm thời học dã chiến. Chẳng biết khi nào mới có trường như cũ".
Mong sớm dựng lại mái trường
Việc dạy và học chắc chắn phải trở lại sớm nhất nhưng mọi thứ còn quá ngổn ngang. Thầy cô Trường THCS Đức Thắng (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) hôm nay lên trường chỉ để phơi lại thiết bị ngập trong nước.
Bão đổ bộ, lũ từ sông Vệ tràn vào trường. Thầy cô giáo phải chống bão trên đầu, chống lũ dưới chân.
"Chúng tôi đưa mọi thứ lên cao, chèn lại mái. Nhưng bão quá mạnh thổi bay mái, ném dụng cụ dạy và học xuống nước. Mấy chục năm đi dạy, chưa khi nào thấy trường tan tành như thế này" - thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng nói. Phòng làm việc của ban giám hiệu cũng chỉ còn lại bức tường trống huơ.
Ông Nguyễn Minh Chính, chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, nói: "Bão tới, xã Tịnh Khê chẳng khác nào họng gió, cả xã có hơn 3.000 hộ dân, chừng ấy ngôi nhà bị tốc mái, sập. Chỉ là hư hỏng ít hoặc nhiều thôi".
Người dân và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đang căng mình giải quyết hậu quả trận bão lịch sử. Vào lúc này cũng mong lắm sự sẻ chia.
Hay tin bạn đọc báo Tuổi Trẻ tặng 4.000m2 tôn để khắc phục mái phòng học và mái nhà những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông Chính xin nhận 1.000m2 tôn làm lại mái cho ba trường học, 1.000m2 làm lại mái nhà cho những hộ dân quá khó khăn. Số còn lại ông Chính xin được chuyển cho xã biển Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), nơi thiệt hại chẳng thua kém gì Tịnh Khê.
"Sự hỗ trợ nào vào lúc này cũng cực kỳ quý giá. Nhưng tôi nghĩ cần chia sẻ với các địa phương khác. Ở đó cũng cần làm lại mái trường cho các cháu học, những gia đình khó khăn cần được tiếp sức để khôi phục cuộc sống" - ông Chính chia sẻ.
21 tấn tôn trên đường đến miền Trung
Ngay khi xảy ra đợt mưa bão mới, Công ty CP Thép Vạn Thành (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã thông qua báo Tuổi Trẻ cứu trợ người dân miền Trung bị bão lũ từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng. 21 tấn tôn lạnh Pomina tương đương 400 triệu đồng đã được chuyển đi hỗ trợ sửa chữa nhà cho bà con.
Số tôn này dùng trong những công trình đầu tiên của chương trình "Dựng lại mái nhà, mái trường cho vùng bão lũ" tại Quảng Ngãi.
Hay tin 4.000m2 tôn đang từ TP.HCM về Quảng Ngãi, cô Bùi Thị Thu Trang, hiệu trưởng Trường mầm non Tịnh Khê, nói: "Cảm ơn bạn đọc báo Tuổi Trẻ rất nhiều. Một nửa nỗi lo của trường đã được giải quyết".
Hơn 60% trường học hư hỏng
Theo ông Đặng Ngọc Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, hơn 60% trường học ở tỉnh này bị hư hỏng, tốc mái sau bão số 9. Địa phương phối hợp cùng các trường tập trung xử lý cây cối ngã đổ, sửa chữa lại trường học.
"Hiện tại tỉnh đề nghị các địa phương chủ động theo dõi tình hình xử lý hậu quả bão, nới rộng thời gian nghỉ học để các trường sửa chữa lại trường lớp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận