Sáng 16-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Lãi suất ưu đãi vay nhà ở xã hội chưa hấp dẫn
Với đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" do Thủ tướng ban hành, các ngân hàng đã bố trí chương trình 120.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Nhiều địa phương đã tích cực trong đầu tư, khởi công xây dựng nhà ở xã hội với hàng chục nghìn căn hộ.
Tuy nhiên, bộ này đánh giá một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế. Trong đó, Hà Nội chỉ có 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP.HCM có 7 dự án, 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng có 5 dự án, 2.750 căn, đáp ứng 43%...
Đến nay đã có 28 địa phương công bố 68 dự án đủ điều kiện đáp ứng gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng; với 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng đánh giá nguồn vốn hỗ trợ bước đầu đã có kết quả, tuy nhiên việc giải ngân còn chậm. Nguyên nhân là chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân như chưa xác định rõ quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, dự án triển khai thi công chậm tiến độ.
Việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế, khi có 129 dự án nhưng chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án, còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục; một số chủ đầu tư không đủ điều kiện tín dụng vay...
Thêm nữa, dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỉ đồng, song với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.
Đặt mình vào vị trí người chưa có chỗ ở để hành động
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhà ở là 1 trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, "an cư mới lạc nghiệp", công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Cùng với gói 120.000 tỉ đồng, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.
Mặc dù đánh giá việc phát triển nhà ở xã hội có chuyển biến tích cực, song đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu, Thủ tướng đề nghị cần làm rõ: Cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa, nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì?
Muốn thực hiện được mục tiêu đề ra, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, "góp gió thành bão", "trong tôi có anh, trong anh có tôi". Trong đó, cần đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.
Với quan điểm phát triển là "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", ông yêu cầu làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó trong phát triển nhà ở xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận