22/02/2024 20:24 GMT+7

Làm gì để đạt mục tiêu xây 130.000 căn nhà ở xã hội năm 2024?

Bộ Xây dựng nhận định đây là mục tiêu nhiều thách thức. Để đạt mục tiêu này, trước hết các địa phương phải hoàn thành các dự án nhà ở xã hội đã khởi công.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị ngày 22-2 ở Hà Nội - Ảnh: B.NGỌC

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị ngày 22-2 ở Hà Nội - Ảnh: B.NGỌC

Thúc địa phương hoàn thành các dự án nhà ở xã hội đã khởi công

Phát biểu tại Hội nghị triển khai đề án "đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" trong năm 2024 diễn ra ngày 22-2, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết từ năm 2021 đến nay, trên cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ.

Trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.000 căn, 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn, và 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn.

Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn.

Riêng trong năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn.

Về mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đến nay các địa phương chỉ đăng ký hoàn thành 47.000 căn trong năm nay.

Và để hoàn thành mục tiêu của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã làm việc với các địa phương để phấn đấu hoàn thành các dự án đã khởi công xây dựng. Đặc biệt là những dự án ở các thành phố trực thuộc trung ương như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, vì đây là các thành phố có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn - ông Sinh nói.

Bên cạnh đó, bộ cũng thúc đẩy việc hoàn thành dự án ở các địa phương trọng điểm công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.

Đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì phấn đấu trong năm 2024 mỗi bộ xây dựng khoảng 5.000 căn hộ nhà ở xã hội, còn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng thêm khoảng 2.000 căn hộ - ông Sinh cho hay.

Các doanh nghiệp cho rằng thủ tục làm nhà ở xã hội hiện nay còn phức tạp, thời gian làm thủ tục lâu hơn dự án nhà ở thương mại - Ảnh: C.N.

Các doanh nghiệp cho rằng thủ tục làm nhà ở xã hội hiện nay còn phức tạp, thời gian làm thủ tục lâu hơn dự án nhà ở thương mại - Ảnh: C.N.

Doanh nghiệp kiến nghị loạt giải pháp

Nói về các giải pháp gỡ vướng cho phát triển nhà ở xã hội tại hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT Vinhomes, cho rằng cần rút ngắn thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, để thời gian làm các thủ tục xây nhà ở xã hội bằng hoặc ngắn hơn thời gian thực hiện thủ tục dự án nhà ở thương mại. Hiện các thủ tục như phê duyệt quy hoạch, tính tiền sử dụng đất với nhà ở xã hội còn lâu hơn với dự án nhà ở thương mại.

Để bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án nhà ở xã hội, ông Hoa đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại suất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện nay đang thấp hơn 25% so với nhà ở thương mại.

Còn ông Trương Anh Tuấn, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân, cho hay năm nay tập đoàn sẽ khởi công tối thiểu 10 dự án, quy mô khoảng 5.000 căn hộ tại TP.HCM và một số địa phương trên cả nước.

Ông cũng khẳng định chưa bao giờ phát triển nhà ở xã hội được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ như hiện nay.

Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc bởi trên thực tế không doanh nghiệp nào đủ tiền làm nhà ở xã hội cho công nhân vì công nhân họ có nhu cầu thuê nhà là chính, và với nhà thuê chỉ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam làm được.

Ông Tuấn khuyến nghị cần quy định 10 đối tượng được mua nhà ở công nhân như nhà ở xã hội, nếu không sẽ tạo ra những khu nhà ở công nhân không có người ở.

Theo tính toán của các chuyên gia, để xây 1 triệu căn hộ cần 800.000 tỉ đồng. Nhưng đến nay gói tín dụng ưu đãi mới có 120.000 tỉ đồng.

Vì thế, ông Tuấn kiến nghị cần có một chương trình tín dụng đủ lớn để thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Cùng quan điểm này, ông Trần Ngọc Anh, phó tổng giám đốc Viglacera, cũng cho biết tổng công ty đang tồn kho khoảng 3.000 căn nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp. Dù các khu này đã đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, giá thành chỉ từ 250 - 600 triệu đồng/căn, giá thuê từ 2,4 triệu đồng/căn/tháng nhưng không có người thuê, mua.

Ông Anh nêu ra nghịch lý trong phát triển nhà ở công nhân hiện nay là nhu cầu mua nhà của người dân khu vực quanh dự án vẫn có, nhưng hầu hết dự án đều vướng quy định chỉ công nhân làm việc trong khu công nghiệp mới được thuê, mua nhà.

Ông Anh cũng đồng tình rằng cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở công nhân theo hướng quy định các đối tượng mua nhà ở xã hội thì được mua nhà ở công nhân.

Các tỉnh, thành phố đăng ký hoàn thành 108 dự án nhà ở xã hội trong năm 2024Các tỉnh, thành phố đăng ký hoàn thành 108 dự án nhà ở xã hội trong năm 2024

Các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô 47.532 căn hộ trong năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên