Tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm 4-3 là 24.004 đồng/USD, tăng 2 đồng so với cuối tuần trước và 118 đồng (tương ứng 0,5%) kể từ đầu năm đến nay.
Tỉ giá tự do "nhảy múa"
Giá USD tại các ngân hàng cũng đồng loạt nâng lên so với phiên cuối tuần trước. Như Vietcombank niêm yết tỉ giá 24.470 - 24.840 đồng, tăng 30 đồng.
Còn tại Eximbank, giá USD niêm yết lần lượt 24.460 - 24.830 đồng/USD, tăng 50 đồng chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra.
Dù tăng giá, nhưng mỗi USD bán ra tại ngân hàng thương mại chưa "phá" đỉnh cũ đã thiết lập hồi năm 2022 là 24.876 đồng.
Trong khi diễn biến trên thị trường tự do lại "căng" hơn khi ở vùng giá cao nhất lịch sử. Các nơi thu đổi ngoại tệ nâng giá mua vào - bán ra USD lần lượt lên 25.480 - 25.600 đồng, tăng 110 - 140 đồng so với phiên liền trước.
Giá USD "chợ đen" duy trì trên mốc 25.000 đồng từ giữa tháng 2 đến nay, hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cũng bởi đà tăng giá này, giá USD tự do đang kéo giãn độ chênh với ngân hàng thương mại, ở mức 700 - 1.000 đồng (bán ra - mua vào).
Bộ phận phân tích Chứng khoán PHS mới đây đã đề cập tới tình trạng găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng tại thị trường trong nước lẫn thế giới.
Trong đánh giá về ngành ngân hàng gần cuối tháng 2-2024, PHS cũng đã nhắc đến việc tín dụng còn đang tăng khá chậm và kỳ vọng sự cải thiện từ cuối quý 1.
Vì vậy hệ thống ngân hàng vẫn duy trì trạng thái thặng dư thanh khoản lớn trong quý 1 (đặc biệt là sau khi tiền quay lại hệ thống sau dịp Tết), tạo động lực cho việc găm giữ trạng thái, theo PHS.
Sắp tới, tỉ giá vẫn có nhiều áp lực bởi nhập khẩu sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới, trong khi đó các dòng tiền từ đầu tư, kiều hối và xuất khẩu thu về ngoại tệ sẽ chậm hơn.
Đáng lưu ý theo chuyên gia, việc tỉ giá tăng sẽ không kích thích xuất khẩu như kỳ vọng, vì VND vẫn khá mạnh so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Nhận định gì khi một số ngân hàng tăng lãi suất trở lại?
Trong khi hầu hết ngân hàng giảm hoặc giữ nguyên lãi suất huy động, một số nhà băng vừa qua (Techcombank, Sacombank và BVBank) đã tăng lãi suất trở lại ở một số kỳ hạn.
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hoài Ân - CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp - cho biết lãi suất hệ thống vẫn đang ở mức thấp, chưa có dấu hiệu sẽ tăng trở lại.
Ông Ân nói không ngân hàng nào trong nhóm "Big4" tăng lãi suất vừa qua. Việc tăng lãi suất ở một số kỳ hạn chỉ là cục bộ tại một số ngân hàng.
Xu hướng này cũng có thể lý giải do thanh khoản ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng trong giai đoạn đầu năm. Biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng bật tăng trong tháng 2 vừa qua.
"Tiền gửi giảm nhiều trong khi tiền vay giảm ít hơn. Một số ngân hàng có thể do thiếu thanh khoản, phải tăng lãi suất để bù cân đối lại", ông Ân lý giải.
Trước đó, bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 khoảng 5,5%/năm, tăng 0,5% so với năm 2023.
Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có khả năng giảm thêm 0,5 - 1% trong nửa đầu năm 2024.
Các chuyên gia còn cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn có dư địa để thực hiện thêm một lần cắt giảm lãi suất chính sách nữa trong năm 2024 khi hoạt động kinh tế chưa thể quay lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận