26/01/2021 06:03 GMT+7

Nhà giáo nhân dân ở nơi 'học trò thích đi ghe hơn đi học'

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Cô Huỳnh Thị Phương Thảo (giáo viên Trường tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (thông tin Tuổi Trẻ ngày 23-1).

Nhà giáo nhân dân ở nơi học trò thích đi ghe hơn đi học - Ảnh 1.

Cô Huỳnh Thị Phương Thảo cùng học sinh của mình - Ảnh: VIỆT LÂM

Trong căn nhà lọt giữa vườn thanh long ở ấp Thanh Tân (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành), cô Phương Thảo đón chúng tôi bằng nụ cười dung dị, phúc hậu của cô giáo 29 năm chăm lo cho học trò vùng sâu vùng xa.

Với giáo viên, hạnh phúc nhất vẫn là thấy khuôn mặt học sinh giãn ra khi hiểu được một bài học, tiếp tục yêu thích việc học. Cả đời đi dạy, hạnh phúc cũng xoay quanh chừng đó thôi.

Cô Huỳnh Thị Phương Thảo

Giúp học sinh thích học toán

Một đời âm thầm dạy học, đến khi đạt danh hiệu Nhà giáo nhân dân, cô Phương Thảo nói vui cô vẫn... chưa tin lắm dù điện thoại của cô liên tục báo tin nhắn chúc mừng. 

"Tôi vẫn chưa quen với việc mình được gọi là Nhà giáo nhân dân. Cảm giác như nhận một nhiệm vụ mới mà mình vừa được giao. Cảm xúc như hồi mười năm trước nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Thậm chí áp lực hơn khi trong danh sách thấy chỉ có mình là giáo viên tiểu học, còn lại toàn các thầy dạy đại học" - cô Phương Thảo nở nụ cười hiền.

Cô Phương Thảo được đánh giá là "giáo viên chịu khó nhất với học sinh lớp 4". Trong các lớp tiểu học, lớp 4 phải làm quen với rất nhiều kiến thức toán học, ngữ pháp mới mẻ làm nền tảng cho sự phát triển tư duy để có thể theo đuổi kiến thức của các lớp tiếp theo.

29 năm trong nghề và đã 26 năm được phân công dạy lớp 4, cô Thảo hiện là tổ trưởng chuyên môn khối 4 của trường. Những kinh nghiệm của cô được đưa ra để hội đồng xét duyệt danh hiệu Nhà giáo nhân dân cũng chỉ xoay quanh với việc làm sao để học sinh khối lớp này có thể nắm bắt được kiến thức hiệu quả nhất.

Hai sáng kiến kinh nghiệm "Tìm hai số khi biết hiệu và tỉ số của hai số đó" và "Một số kinh nghiệm giảng dạy lớp 4" cũng là quá trình ròng rã hơn 6 năm nghiên cứu, đúc kết phương pháp giảng dạy của cô Phương Thảo trong việc giúp những học sinh còn yếu thấy môn toán dễ dàng và hứng thú hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, dạy ở vùng học sinh "thích đi ghe" hơn là đến trường nên làm sao để các em học sinh chểnh mảng, học lực trung bình hiểu được bài học luôn là ưu tiên trên hết của cô Phương Thảo.

Như sáng kiến "Tìm hai số khi biết hiệu và tỉ số của hai số đó" ngay lần đầu đưa ra đã được giải cấp huyện. Sau đó, cô tiếp tục nghiên cứu, bổ sung lên đến sáu cách thức khác nhau để giảng dạy loại toán này cho các em. Đến khi sáng kiến của cô đoạt giải cấp tỉnh thì các giáo viên dạy lớp 4 khác ứng dụng rộng rãi theo.

Vận động học sinh đến trường

Học xong lớp 12, cô Phương Thảo một mình đạp xe ngược về thị xã Tân An dự thi vào Trường trung cấp Sư phạm tỉnh Long An. Ra trường, cô trở về xã Thanh Vĩnh Đông bắt đầu sự nghiệp giáo dục ở điểm phụ Trường tiểu học Việt Lâm.

Học trò của cô chủ yếu là những trẻ em ở nhà với ông bà, cha mẹ ngày ngày lênh đênh sông nước, phó mặc hết sự học của con cho nhà trường.

Cô kể: "Thời đó tỉ lệ bỏ học cao lắm vì các em khoảng 9, 10 tuổi đã có thể theo cha mẹ lên ghe đi làm cá. Phụ huynh có thêm con cái phụ việc, thành ra họ cũng chưa ý thức nhiều về việc cho con đi học nghiêm túc".

Cũng như các giáo viên về vùng sâu, cô Phương Thảo bắt đầu sự nghiệp với mục tiêu quan trọng nhất vẫn là đi vận động để giữ được học sinh của mình tiếp tục đến trường. Mục tiêu kế đó mới là làm sao giúp các em đủ kiến thức lên lớp...

Ông Lê Tấn Hiền - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành (tỉnh Long An) - cho biết ngoài việc đủ chỉ tiêu để xét chọn Nhà giáo nhân dân theo quy định của Nhà nước, quan trọng nhất là lối sống đạo đức được xã hội công nhận.

Cô Phương Thảo và chồng là thầy Nguyễn Xuân An - giáo viên khối lớp 3 cùng trường - luôn được mọi người xung quanh quý mến vì tính tình vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Riêng cô Phương Thảo ngoài tích cực tham gia các hoạt động dạy học ngoài cộng đồng, hỗ trợ học sinh khó khăn còn giúp đỡ, bồi dưỡng rất nhiều đồng nghiệp khối tiểu học đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện.

Kiên trì theo đuổi việc học

Hoàn thiện bản thân là điều mà cô giáo ở vùng sâu này luôn theo đuổi và muốn truyền lại cho những học trò của mình.

Do đó càng đứng lớp, cô Phương Thảo càng thấy mình còn thiếu trong kiến thức, kỹ năng dạy học.

Cô tiếp tục ghi danh học cao đẳng tại chức ở Tân An, đại học từ xa ở Bến Lức. Năm 2010, cô được phong tặng là Nhà giáo ưu tú. Năm 2012, cô Phương Thảo nhận bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm như một thành quả cho sự kiên trì theo đuổi việc học.

Long An có thêm một cô giáo tiểu học là Nhà giáo nhân dân Long An có thêm một cô giáo tiểu học là Nhà giáo nhân dân

TTO - 3 năm sau khi có Nhà giáo nhân dân đầu tiên là giáo viên tiểu học, ngành giáo dục tỉnh Long An vừa có thêm một giáo viên tiểu học được phong tặng danh hiệu cao quý này.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên