26/11/2021 09:17 GMT+7

Nhà giá rẻ, không để dân chờ 1

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, nhiều địa phương đã lên kế hoạch xây dựng nhà giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống. Trong đó, TP.HCM dự kiến xây một triệu căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp.

Nhà giá rẻ, không để dân chờ - Ảnh 1.

Một khu nhà ở xã hội trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bình Dương cũng đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho vay 10.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án xây nhà giá rẻ cho công nhân... Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỉ đồng để hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023...

Mệt mỏi rượt đuổi giá nhà

Chuyển từ miền Trung đến TP.HCM lập nghiệp cách nay mười năm, với thu nhập của hai vợ chồng hơn 20 triệu đồng/tháng, chị Trần Thị Hòa (TP Thủ Đức) cho biết gia đình chị tiết kiệm được gần 10 triệu đồng mỗi tháng. 

Cách nay 3 năm, sau khi tích cóp được một số vốn, vợ chồng chị Hòa đã đi tìm mua nhà với hy vọng gia đình không phải ở nhà thuê mà tiền thuê mỗi năm tăng một giá như hiện tại.

Tuy nhiên, tiền tiết kiệm chỉ được hơn 1/3 căn hộ, trong khi lãi suất ngân hàng lại cao. Nếu chọn căn hộ vừa túi tiền lại ở quá xa, trái đường đi làm, chị Hòa tìm mua chung cư cũ nhưng chỗ quá cũ, chỗ lại không có giấy tờ nên không vay được ngân hàng... Các dự án nhà ở xã hội ít quá, khi chị biết được thông tin thì chủ đầu tư đã bán hết.

Ba năm qua, số tiền tiết kiệm có tăng lên nhưng giá nhà cũng tăng "dựng đứng" khiến ước mơ mua nhà của vợ chồng chị Hòa ngày càng xa. 

"Nhà, đất cứ tăng giá nhanh như vậy thì đến bao giờ tôi mua được nhà. Giờ chỉ mong Nhà nước cho xây nhiều nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ thì mình mới có cơ hội mua nhà, ổn định cuộc sống cho con cái yên tâm học hành", chị Hòa chia sẻ.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy nhiều người có thu nhập thấp cần căn hộ từ 50 đến 60m2, giá từ 1 tỉ đồng trở lại, khoảng 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trên địa bàn TP.HCM hầu như không còn một dự án nào có mức giá này. Những bản thông tin về tình hình thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng công bố ba quý gần đây đều khẳng định thị trường bất động sản rất hiếm dự án có giá 25 triệu đồng/m2.

Các dự án có giá từ 25 - 30 triệu đồng/m2 đều nằm ở vùng ven, xa trung tâm, các tiện ích và hạ tầng xung quanh chưa có nhiều như dự án East Gate (khu vực Đại học Quốc gia TP.HCM), dự án Tecco (khu vực đường Nguyễn Cửu Phú, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân)... Ở Hà Nội, những căn hộ có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 chỉ nằm ở các quận Hoàng Mai, Long Biên... Bộ Xây dựng gọi đây là phân khúc nhà giá bình dân.

Theo quy định, nhà ở có giá dưới 15 triệu đồng/m2 là giá rẻ vì giá này đã được Chính phủ quy định, lấy đó làm mốc để xác định tiêu chí để hỗ trợ cho người dân mua nhà theo nghị quyết 02 năm 2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức giá rẻ do Chính phủ ban hành "làm chuẩn" để hỗ trợ năm 2013 nay đã lạc hậu. "Mỗi quý, giá nhà đất tăng lên từ 2 đến 5%; từ 2013 đến nay, giá nhà đất đã tăng lên gần gấp đôi nên việc áp dụng chuẩn giá rẻ từ năm 2013 là không hợp lý", một chuyên gia nói.

Nhà giá rẻ, không để dân chờ - Ảnh 2.

Một khu nhà ở xã hội trên đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân, TP.HCM) được Nhà nước hỗ trợ phù hợp với thu nhập của công nhân - Ảnh: TỰ TRUNG

Muốn rẻ, cách nào?

Các nhà phát triển bất động sản cho biết có hai điểm chính làm cho giá thành nhà ở khá cao là giá đất cao và thời gian làm thủ tục hành chính kéo dài khiến doanh nghiệp chịu lãi nhiều. Một số chủ đầu tư than phiền thủ tục hành chính để xây nhà ở xã hội quá rắc rối, từ quy hoạch cho đến khâu thẩm định giá đất. 

Nhiều lần các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng được thực hiện song song nhiều thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư một dự án bất động sản, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trong dự thảo kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM từ 2021 đến 2025 đưa ra 5 mục tiêu chính, có 3 mục tiêu liên quan đến nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân. Trong đó, TP phấn đấu phát triển nhà ở xã hội (có nhà lưu trú cho công nhân và KTX sinh viên) và nhà ở thương mại giá thấp để quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động, công nhân...

Dự kiến trong các năm 2021 và 2022, TP.HCM sẽ xây dựng khoảng 60.000m2 nhà ở xã hội với vốn đầu tư khoảng 900 tỉ đồng.

Cuối tháng 9 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng sắp xếp giao 15ha đất tại xã Vĩnh Lộc B cho một doanh nghiệp bất động sản để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ông Lê Hòa Bình cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người lao động, công nhân trên địa bàn TP.

Sở Xây dựng TP.HCM được giao tổng hợp và báo cáo UBND TP về 20% diện tích đất trong các dự án nhà ở thương mại dành để xây dựng nhà ở xã hội. TP Thủ Đức và một số quận huyện cũng chỉ đạo UBND cấp xã rà soát các quỹ đất công trên địa bàn để có đề xuất vị trí đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

UBND TP cũng đang soạn thảo và gửi đến các cơ quan, đơn vị, hiệp hội góp ý văn bản Quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của các cơ quan trong thực hiện thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất. Đây là một văn bản được giới doanh nghiệp, nhà đầu tư trông chờ từ rất lâu bởi nội dung quy định các bước thủ tục cụ thể để đầu tư dự án có sử dụng đất.

"Quan trọng là văn bản này quy định "người nào việc nấy" và có địa chỉ trách nhiệm cụ thể của từng bước thủ tục trong quá trình đầu tư dự án có sử dụng đất mà chủ yếu là dự án đầu tư xây dựng nhà ở", một chuyên gia nói.

* Ông Bùi Xuân Dũng (cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng):

Hỗ trợ theo nhu cầu các địa phương

Việc tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương cho vay 10.000 tỉ đồng để xây 1 triệu căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội sẽ do Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính quyết. Riêng Bộ Xây dựng đề nghị Bình Dương xem xét, rà soát cân đối cung cầu nhà ở cho phù hợp. Số lượng 1 triệu căn hộ lớn lắm, cần xem xét nhu cầu phát triển nhà ở công nhân trong từng giai đoạn và trong kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Bộ Xây dựng đã họp với Bộ KH&ĐT để đề xuất một gói tín dụng cấp bù lãi suất vay mua nhà. Đến nay, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ, được bao nhiêu tiền vẫn chưa rõ vì còn phải chờ Quốc hội quyết, nhưng chắc chắn sẽ có một gói hỗ trợ để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong đề án phục hồi kinh tế sắp tới. Có được gói hỗ trợ này, các bộ ngành sẽ tính tới việc cân đối, hỗ trợ các địa phương về vốn phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tùy theo nhu cầu thực tế tại mỗi địa phương.

Trong quá trình sửa Luật nhà ở thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất phải có chính sách nhà ở công nhân, chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị riêng.

B.NGỌC

Quy định về giá thấp đã lạc hậu

Nghị quyết 02 năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu, Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý cho người thu nhập thấp... vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp. Do đó, các địa phương mặc định nhà ở có giá dưới 15 triệu đồng/m2 là nhà ở giá thấp, các dự án nhà ở xã hội ở TP.HCM đều được duyệt giá xung quanh mức giá này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Xây dựng cũng gọi nhà ở thương mại có mức giá từ 25 - 30 triệu đồng/m2 là căn hộ bình dân, nên không thể có nhà giá thấp chỉ bằng một nửa giá của căn hộ bình dân.

Theo chuyên gia bất động sản Đinh Thế Hiển, "giá rẻ" phải ít nhất bằng khoảng 60% giá thị trường cho chất lượng tương đương, khoản 40% rẻ hơn thị trường là những ưu đãi mà chủ đầu tư được hưởng và phần khống chế lợi nhuận theo chính sách.

"Giá vật liệu xây dựng, thiết bị, nhân công cho phần thô các công trình là tương đương nhau, không thể thấp hơn. Nếu yêu cầu giá thấp hơn thì chỉ có giảm chất lượng xây dựng", ông Hiển nói.

TP.HCM: 37.700 tỉ đồng xây 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội

Theo dự thảo kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, TP. HCM dự kiến xây dựng 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội, với diện tích đất 173,5ha; nhu cầu vốn 37.700 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 5%.

Theo đó, ngoài 2 dự án với 370 căn hộ tại khu nội thành hiện hữu, có 5 dự án nhà ở xã hội đang kêu gọi đầu tư với gần 4.000 căn hộ ở khu vực nội thành phát triển. TP Thủ Đức có 5 dự án với 4.352 căn hộ và 5 huyện ngoại thành có 8 dự án nhà ở xã hội với khoảng 9.600 căn hộ đang kêu gọi đầu tư.

Trong năm 2021, TP cần 200 tỉ đồng để xây dựng ít nhất 15.000m2 nhà ở xã hội và gần 700 tỉ đồng để xây dựng 46.000 m2 nhà ở xã hội trong năm 2022.

Mô hình nhà giá rẻ Bình Dương

2a

Nhà ở xã hội Định Hòa tại thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) với giá rẻ chỉ trên 100 triệu đồng/căn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bình Dương đã có trên 47.000 căn hộ nhà ở xã hội giá rẻ liền kề các khu công nghiệp tại Thủ Dầu Một, Thuận An, Bến Cát, Bàu Bàng... được đưa vào sử dụng, tạo chỗ ở "an cư lạc nghiệp" cho hàng trăm ngàn người lao động.

Sở Xây dựng Bình Dương cho biết địa phương đang có kế hoạch xây dựng thêm hàng chục ngàn căn nhà ở xã hội, trong đó sẽ có những cải tiến nhất định trong thiết kế, bổ sung cả thang máy (các chung cư xã hội trước đây thường có 5 tầng và chưa có thang máy)... nhưng sẽ vẫn giữ giá rẻ để bất cứ người lao động nào cũng có thể "gom tiền thuê trọ thành nhà".

Tiền góp mua nhà bằng tiền thuê trọ

Làm việc trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP II) thuộc TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhưng anh Vũ Tuấn Anh đã mua cho mình được một căn nhà ở xã hội tại khu đô thị Hòa Lợi, phường Hòa Phú. Với diện tích 30m2, trong đó có 10m2 là gác, căn hộ nhỏ xinh liền kề khu công nghiệp nên giúp Tuấn Anh rất thuận lợi đi lại mỗi ngày.

Anh cho biết đã mua căn hộ này khoảng 5 năm trước thông qua trả góp. Với giá chỉ hơn 100 triệu đồng/căn nhưng anh Tuấn chỉ phải trả trước 20 triệu đồng, còn lại trả góp khoảng 1 triệu đồng/tháng. Số tiền góp chỉ tương đương tiền phải trả nếu đi thuê nhà hằng tháng, nhưng sau khoảng 4 - 5 năm thì người lao động đã có nhà.

Theo chị Nguyễn Thị Trang (quê Bình Thuận), người mua nhà ở xã hội tại khu nhà ở Việt - Sing (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), dù muốn mua đất xây nhà riêng nhưng thời gian đầu đi làm chưa đủ tích lũy nên việc mua nhà ở xã hội giá rẻ đã giúp gia đình chị có chỗ ở. Sau 5 năm căn hộ được phép bán, cộng thêm khoản tiền tích lũy được trong thời gian đó, việc chuyển sang mua đất xây nhà riêng sẽ thuận lợi hơn.

"Căn hộ nhỏ xinh nhưng cũng đầy đủ tiện ích cơ bản như nhà vệ sinh, chỗ phơi đồ, bếp... Nếu so với việc phải bỏ ra số tiền tương đương đi thuê trong những phòng trọ lụp xụp, nhà ở xã hội "ăn đứt" về sự khang trang. Góp tiền mua căn hộ như bỏ ống heo vậy. Cảm giác ở nhà của mình, có sổ hồng sở hữu làm tôi thấy rất an tâm" - chị Trang nói.

Cần có cơ chế hỗ trợ hạ tầng

"Bí quyết" nào giúp Bình Dương xây dựng thành công mô hình nhà ở xã hội giá rẻ cho người lao động? Ông Nguyễn Văn Hùng - chủ tịch Tổng công ty Becamex IDC, đơn vị xây dựng nhà ở xã hội nhiều nhất tỉnh Bình Dương - cho biết ngay từ khi phát triển những khu công nghiệp đầu tiên, bài toán về chỗ ở, đào tạo... cho người lao động đã được đặt ra. Khi quy hoạch các khu công nghiệp cùng hạ tầng đường, điện, trường học, bệnh viện... là phải quy hoạch các khu đất liền kề để xây dựng nhà ở xã hội.

Bình Dương có lợi thế quỹ đất còn khá dồi dào nhưng nếu không lựa chọn được mô hình phù hợp thì giá nhà quá cao và người lao động không mua được. Tuy nhiên nếu tiết kiệm mà nhà chất lượng quá thấp thì người lao động cũng không vào ở... Do đó, doanh nghiệp đã xây căn hộ diện tích nhỏ (dưới 30m2), nằm trong tổng thể quy hoạch của khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ nên thừa hưởng hạ tầng, tiện ích xung quanh. Do đó, người dân vẫn được tiếp cận các tiện ích cơ bản để phục vụ đời sống.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, ngoài mô hình "nhà ở 100 triệu" của Tổng công ty Becamex IDC, một số chủ đầu tư khác như công ty Biconsi, Biwase... cũng xây dựng được một số chung cư xã hội. Tuy nhiên, tại các đô thị giáp với TP.HCM như TP Dĩ An, TP Thuận An..., do quỹ đất ít và giá cao nên dự án nhà ở xã hội lại không nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu.

"Để khuyến khích nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hạ tầng, thậm chí hỗ trợ toàn bộ chi phí hạ tầng xã hội với dự án nhà ở xã hội để cho thuê..." - một lãnh đạo Bình Dương đề xuất.

BÁ SƠN

* Ông Võ Hoàng Ngân (giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương):

Đề xuất xây 1 triệu căn là sát thực tế

3

Để tạo quỹ nhà ở giá rẻ nhiều hơn nữa cho người lao động, Bình Dương đã kiến nghị trung ương cho tỉnh vay khoảng 10.000 tỉ đồng để xây thêm 1 triệu căn nhà ở cho công nhân trong thời gian tới.

Theo tôi, ý kiến cho rằng Bình Dương mới chỉ có dân số khoảng 2,6 triệu người thì việc xây thêm 1 triệu căn nhà sẽ dẫn đến dư thừa là cách hiểu chưa sát với thực tế. Bởi 1 triệu căn nhà mà Bình Dương dự kiến xây dựng sẽ bao gồm cả xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo phòng trọ cũ.

Hơn nữa, việc này là cả quá trình chứ không phải ngay một lúc. Mỗi năm Bình Dương tăng trên 100.000 dân nên nhu cầu bổ sung về chỗ ở rất lớn...

* Ông VÕ VĂN MINH (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương):

3b

Cần tạo điều kiện về vốn

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đợt thứ 4 vừa qua xảy ra khá nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó các nơi tập trung đông công nhân tại các nhà trọ là nguyên nhân lây lan dịch bệnh rất mạnh và khó kiểm soát.

Vì vậy, Bình Dương nhận thấy cần phải khắc phục hạn chế này. Phải đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở an sinh xã hội nhiều hơn nữa. Để có thêm 1 triệu căn nhà cho công nhân, nhà ở an sinh xã hội, Bình Dương rất cần Chính phủ và các cơ quan trung ương tạo điều kiện về nguồn vốn, cơ chế để tỉnh thực hiện thành công kế hoạch trên.

Nhiều chương trình xây dựng nhà ở xã hội

3a

Người dân sống ở căn hộ nhỏ quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Xây dựng đề xuất với cơ quan có thẩm quyền gói tín dụng 65.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Kèm theo đó là cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo Bộ Xây dựng, giai đoạn 2021 - 2025 cả nước cần gần 295.000 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỉ đồng. Trong đó, người thu nhập thấp ở đô thị cần khoảng 131.100 căn, công nhân khu công nghiệp cần khoảng 163.500 căn.

Gói tín dụng 65.000 tỉ đồng sẽ được sử dụng để cho người mua nhà và các doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, khoảng 15.000 tỉ đồng nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 sẽ dùng để cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội (14.000 tỉ đồng) nhằm cho cá nhân (theo quy định của Luật nhà ở) vay mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở. Cấp bù lãi suất 1.000 tỉ đồng cho các ngân hàng thương mại đã cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và các cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay.

Còn gói tín dụng 50.000 tỉ đồng sẽ theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng vay như: công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất nhiều giải pháp để phát triển nhà ở xã hội. Trong quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở. Tại các khu công nghiệp hiện hữu, có thể sử dụng quỹ đất dịch vụ - thương mại (nếu còn) để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Hoặc điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp để dành quỹ đất cho đầu tư, phát triển nhà lưu trú công nhân.

Các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê phải có chất lượng như nhà ở thương mại. Chủ đầu tư phải đảm bảo đầu tư cơ sở hạ tầng như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao....

Với dự án nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp thuê, giao doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp làm chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi đất kinh doanh - dịch vụ của khu công nghiệp đó. Chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp...

Kế hoạch Kế hoạch '1 triệu căn nhà giá rẻ': Bao giờ thỏa ước mơ an cư?

TTO - 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp - một trong những mục tiêu sau đại dịch của TP.HCM. Tức là có thêm mấy triệu người ổn định việc làm và có cơ hội an cư.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (1)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
  • Minh Phúc
    Người thu nhập thấp như công nhân, cán bộ công chức rất khó khăn về nhà ở trong khi giá bất động sản thì bị cò lái thao túng đẩy lên quá cao, vượt quá khả năng của họ. Rất mong nhà nước hỗ trợ để...+
    • Chia sẻ
      3 năm trước
    • 1
      1
      1