Một xưởng sản xuất giày tại Hà Nội - Ảnh: REUTERS
Đối với nhiều nhà sản xuất cho các nhãn hiệu lớn như Nike, Adidas, Uniqlo và H&M, Việt Nam vốn là xưởng gia công lớn nhất của họ.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà cung cấp cho những "ông lớn" công nghệ như Apple, Dell, Google và Amazon đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, nhằm tránh thuế nhập khẩu của Mỹ đánh vào Trung Quốc. Đây là điều đẩy cuộc cạnh tranh nhân lực và đất công nghiệp tại Việt Nam lên cao.
Thời điểm vàng đã qua
Hãng may mặc Makalot Industria cho biết họ sẽ giảm tốc kế hoạch mở rộng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
"Ngày càng nhiều doanh nghiệp đến với Việt Nam... Trong tương lai gần, chúng tôi dự đoán sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân công và cạnh tranh tuyển dụng sẽ trở nên gắt gao hơn", chủ tịch kiêm CEO của Makalot, Frank Chou, nói với Nikkei Asian Review.
Ông Chou cũng cho rằng riêng với ngành may mặc, thời điểm vàng để đầu tư vào Việt Nam có thể đã trôi qua, các doanh nghiệp sẽ phải học cách thích nghi với môi trường khó khăn hơn.
Makalot Industrial là đối tác của những nhãn hiệu thời trang như GAP, Walmart, Zara, và H&M. Việt Nam là xưởng sản xuất lớn nhất của hãng này, chiếm tới 37% sản lượng của hãng.
Tuy nhiên, ông Chou cho biết sắp tới Makalot sẽ tập trung mở rộng nhiều hơn tại Indonesia, nơi được cho là sẽ trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất của hãng trong vòng 3-5 năm tới.
Một cửa hàng đồ thể thao tại thành phố Marseille, Pháp - Ảnh: REUTERS
Không chỉ có Makalot, phó chủ tịch Roger Lo của công ty sản xuất đồ thể thao Eclat Textile nói họ cũng sẽ ngừng mở rộng tại Việt Nam.
Eclat Textile được nhận diện là nhà cung lớn nhất trong lĩnh vực đồ thể thao, cũng như đang là đối tác của Nike, Under Armour và Lululemon. Việt Nam cùng Đài Loan đang chiếm hầu hết hoạt động sản xuất của hãng này.
"Từ năm nay, chúng tôi sẽ không tăng thêm năng suất cho các cơ sở tại Việt Nam. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm các quốc gia khác để mở rộng đầu tư", ông Lo tuyên bố.
Cạnh tranh lao động và mặt bằng
Nikkei Asian Review nhận định nhờ dân số 95 triệu người và vị trí địa lý thuận lớn, Việt Nam từ lâu trở thành điểm đến ưa thích của các hãng dệt may và giày dép trên thế giới. Điểm thu hút của Việt Nam nằm ở nhân công giá rẻ và nguồn nhân lực trẻ dồi dào.
Thế nhưng, lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng từ 1 triệu đồng/tháng lên 4,18 triệu đồng/tháng trong vòng 1 thập kỷ qua. Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu tất cả các nhà sản xuất phải tăng lương thêm 10% mỗi năm.
Đa số các doanh nghiệp ngoại vốn đưa ra mức lương cao hơn nhiều so với mức tối thiểu. Trong khi đó, toàn bộ gói lương còn bao gồm cả bảo hiểm cùng nhiều khoản thưởng và phụ cấp.
Ngoài ra, người phát ngôn của Pou Chen, "ông hoàng" giày thể thao đứng sau những thương hiệu nổi tiếng như Nike và Adidas, cho biết chi phí mặt bằng tại Việt Nam cũng tăng đều mỗi năm và chưa hề có dấu hiệu quay đầu.
"Về đường dài, chúng tôi không nghĩ tại Việt Nam còn quá nhiều đất để tăng sản lượng cùng nhân viên", người đại diện Pou Chen cho biết.
Tính cả năm 2018, 46% trong tổng số 326 triệu đôi giày của Pou Chen được sản xuất tại Việt Nam.
Con số này giảm xuống 43% trong quý 1-2019. Trong khi đó tại Indonesia, sản xuất của Pou Chen tăng từ 37% lên 41% trong cùng kỳ.
Tuy nhiên, Pou Chen cho rằng việc di dời sản xuất không phải đáp án cho bài toán cạnh tranh tại Việt Nam.
"Điều đó không có nghĩa chúng tôi nhất thiết phải chuyển đi nơi khác ngoài Việt Nam, đó là điều phi thực tế. Tuy nhiên, nó hàm ý rằng chúng tôi phải tự cải tiến bản thân bằng tự động hóa để giảm bớt nhu cầu nhân lực trong đường dài, giữ vững thế mạnh cạnh tranh. Chúng tôi sẽ điều chỉnh năng lực sản xuất của mình thật uyển chuyển", người phát ngôn của hãng cho biết.
Bức tranh chung về cơ sở hạ tầng, chất lượng và hiệu suất lao động của Việt Nam được đánh giá là vẫn giữ lợi thế cạnh tranh trong ngành giày dép, dù chi phí nhân công có tăng, theo Pou Chen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận