30/06/2019 20:32 GMT+7

EVFTA là thông điệp của Việt Nam và EU giữa chiến tranh thương mại

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Không chỉ mở ra cơ hội đa dạng hóa thị trường cho Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định thương mại EVFTA còn là thông điệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

EVFTA là thông điệp của Việt Nam và EU giữa chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Cao ủy về thương mại của EU Cecillia Malmström tại cuộc họp báo chiều 30-6, sau lễ ký kết EVFTA và IPA - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đó là nhận xét của bà Cecillia Malmström, cao ủy về thương mại của EU, trong cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Online bên lề lễ ký kết EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA ngày 30-6.

Tại lễ ký, bà Malmström ca ngợi Việt Nam và EU đã vượt qua chặng đường dài để đặt bút ký vào thỏa thuận EVFTA và IPA.

Bà Malmström khẳng định chính những nỗ lực cùng sự hợp tác dài lâu của Việt Nam và EU đã hiện thực hóa hiệp định này và nêu rõ mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đạt mục tiêu phát triển bền vững, lấy tương lai làm trọng tâm.

Lễ ký kết EVFTA và IPA giữa EU và Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thương mại thế giới căng thẳng, tâm điểm là tranh chấp Mỹ - Trung hiện vẫn chưa tìm thấy phương án tháo gỡ nút thắt.

Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này tạo không ít hệ lụy cho phần còn lại, trong đó dĩ nhiên có EU và Việt Nam.

"Tôi nghĩ đây là cột mốc rất quan trọng, vì trong thời điểm những căng thẳng và cuộc chiến thương mại tiếp diễn cũng như chủ nghĩa bảo hộ có chiều hướng gia tăng, các nước vẫn tin rằng thương mại là điều tốt đẹp cho lợi ích chung, rằng chúng ta có thể giao thương theo cách đem lại lợi ích cho người dân.

Đó là một tín hiệu mạnh mẽ chúng ta gửi đến thế giới hôm nay. Và EU cũng như Việt Nam đều tin rằng thương mại tự do đã và sẽ là điều tốt đẹp cho chúng ta", bà Malmström nói.

Với EVFTA, Việt Nam và EU có cơ hội mở cửa thị trường và thậm chí gần như chắc chắn tìm thấy sự cam kết và thị trường thay thế, nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều và chịu ảnh hưởng từ Mỹ - Trung.

Theo bà Malmström, đây cũng chính là điều EU cùng Việt Nam mong đợi và nhiệm vụ tiếp theo là cố gắng nắm bắt.

"Khi chúng ta bắt đầu, nó đã tạo ra nhiều cơ hội. Giờ mọi thứ sẽ tùy thuộc vào các doanh nghiệp ở EU và Việt Nam xem liệu chúng ta có tận dụng được không. Dĩ nhiên là vậy. Nhưng chúng ta đã gạt đi rất nhiều rào cản, chúng ta tạo điều kiện và mở cửa thị trường hơn rất nhiều cho cả hai. Vì vậy chúng ta có cơ hội và hãy xem nó có hiệu quả hay không", bà nói.

Thỏa thuận trong EVFTA được kỳ vọng sẽ xóa hơn 99% thuế nhập khẩu cho hàng hóa giao dịch, trong khi phần nhỏ còn lại sẽ nhận ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch.

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm.

Ngược lại, hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan, với thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại 7 năm.

Có thể thấy về lý thuyết, hàng Việt Nam vào EU bước đầu sẽ được cam kết tháo gỡ thuế quan nhiều hơn, trong khi thời gian để xóa thêm loại thuế này cũng ngắn hơn so với hàng EU vào Việt Nam.

Phía EU nhận định đây là cách tiếp cận bất đối xứng và thể hiện sự hỗ trợ đối với một thị trường đang phát triển như Việt Nam.

Sau khi ký, EVFTA sẽ chờ Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn và có hiệu lực ngay lập tức từ năm 2020. Trong khi đó, quá trình phê chuẩn IPA sẽ mất nhiều thời gian hơn do đợi tiến độ từ tất cả các quốc gia thành viên EU.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên