Nên xóa bao cấp nhà công vụNợ tiền điện, khu nhà công vụ tỉnh bị ngừng cấp điệnXóa bỏ bao cấp - quan liêu
Theo đó, Nhà nước đầu tư nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại bố trí cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác. Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến xung quanh vấn đề gây tranh cãi này.
Ảnh: Việt Dũng* Ông Ngô Văn Minh (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Xóa bao cấp nhà công vụ
Tiến tới xu hướng cải cách tiền lương, nên đưa tiền nhà ở vào tiền lương để đỡ gánh nặng cho Nhà nước, qua đó xóa bao cấp nhà công vụ.
Việc gì chúng ta phải lấy đất, phải giải tỏa đền bù, rồi cấp đất không thu tiền cho các dự án nhà công vụ.
Nói là cho thuê nhà công vụ nhưng giá cho thuê rất tượng trưng, một mặt Nhà nước phải mất một khoản ngân sách đáng kể, mặt khác không công bằng cho tất cả các đối tượng cán bộ, công chức.
Ví dụ từ thứ trưởng, tổng cục trưởng loại 1 thì được ở nhà công vụ, còn cấp dưới cỡ vụ trưởng và tương đương trở xuống và tất cả các cán bộ, công chức bình thường đều không có tiêu chuẩn đó.
Bây giờ Nhà nước nên tập trung phát triển nhà cho thuê, nhà cho thuê mua, qua đó các đối tượng cán bộ, công chức khi đến địa bàn làm việc mới mà có nhu cầu thì thuê ở tùy theo nhu cầu.
Tôi là cán bộ từ địa phương ra Hà Nội nhận công tác mới, tôi nghe câu chuyện anh em nói đùa nhưng kiểm nghiệm trong thực tế lại rất thật, đó là gần như không có khái niệm trả lại nhà công vụ.
Tất nhiên chúng ta ghi nhận nhiều trường hợp các đồng chí lãnh đạo gương mẫu trả lại nhà công vụ khi nghỉ công tác. Nhưng sự lạm dụng nhà công vụ không phải là không có, dù bao nhiêu công văn giấy tờ cũng không trả.
Ảnh: Việt Dũng* Ông Trần Ngọc Vinh (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng):
Không nên xây nhà công vụ
Nhà công vụ chủ yếu để phục vụ những cán bộ thuộc diện được điều động, luân chuyển. Theo tôi, đa số các tỉnh, thành hiện nay nhu cầu về nhà công vụ phục vụ cho các đối tượng trên không nhiều.
Chỉ có một số cán bộ từ huyện lên tỉnh, hoặc một số cán bộ từ trung ương về tỉnh, mà thường chỉ là một hai người ở các vị trí chủ chốt. Như vậy thì có cần thiết xây dựng nhà công vụ ở các tỉnh, thành đó hay không?
Hay là dùng ngay nhà khách của tỉnh ủy, của ủy ban để bố trí làm nhà ở trong thời gian công tác cho những cán bộ này.
Phần lớn nhu cầu nhà công vụ cho cán bộ điều động, luân chuyển chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, nơi có đông cơ quan trung ương và văn phòng đại diện của các cơ quan trung ương.
Trong thực tế dự kiến số lượng cán bộ điều động, luân chuyển mỗi nhiệm kỳ là có thể dự trù trước được, vì đây là vấn đề nằm trong công tác cán bộ. Vậy thì chúng ta chỉ cần xây dựng một khu nhà công vụ để đáp ứng nhu cầu này, chứ không thể nào xây dựng tràn lan.
Việc điều động, luân chuyển là có thời gian nhất định, thường khoảng ba năm, do vậy mẫu hợp đồng cho thuê nhà công vụ cũng phải ghi rõ thời hạn cho thuê nhà công vụ phù hợp với thời hạn luân chuyển. Làm như vậy để tránh sự biến tướng để trục lợi. Trước đây nhiều cơ quan cũng có nhà công vụ cho thuê, nhưng nay đều được hóa giá từ “nhà công” chuyển thành “nhà ông”.
Ảnh: Tuấn Phùng* Ông Phạm Sĩ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN):
Đừng để về hưu rồi vẫn ở biệt thự công
Nhà công vụ ở đây không nên hiểu là loại nhà như trước đây dùng để phân phối cho tất cả công chức vào ở. Và nếu hiểu như thế, chúng ta thấy rằng trong một số trường hợp thì nhà công vụ là cần thiết.
Vấn đề dư luận băn khoăn là mặc dù Luật nhà ở hiện hành có quy định về nhà công vụ, nhưng các quy định dưới luật chưa rõ ràng, chưa cụ thể, mà quy định chung chung thì dễ dẫn đến “đánh trống bỏ dùi”.
Cái sự không rành mạch đó dẫn đến phát sinh vấn đề là lẽ ra khi anh không còn đảm đương chức vụ nữa thì anh phải trả lại nhà công vụ ngay, hoặc ít nhất là trả lại trong vòng một tháng, nhưng nhiều ông lại không trả nhà cho Nhà nước.
Lâu nay các ông ấy nể nhau, khi đang công tác thì được phân phối một cái biệt thự, đến khi nghỉ hưu rồi một số ông vẫn ở đó.
Cho nên lần này khi Quốc hội sửa đổi Luật nhà ở, theo tôi nên yêu cầu Chính phủ thống kê và báo cáo rõ ràng về thực trạng sử dụng nhà công vụ hiện nay, còn bao nhiêu vị đã về hưu mà vẫn ở biệt thự công, nhất là tại các thành phố lớn?
Qua thống kê, tổng kết rõ ràng để rút kinh nghiệm xây dựng chính sách nhà công vụ mới sao cho thật chặt chẽ, tiết kiệm.
Ảnh: L.H.* Ông Nguyễn Mạnh Hà (cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng):
Hết hạn là trả, không phân biệt cấp cao hay thấp
Luật nhà ở và nghị định 34 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã quy định các đối tượng thuê nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước.
Quy định này áp dụng cho tất cả các đối tượng thuê nhà công vụ, không hề có sự phân biệt cán bộ cấp cao hay cấp thấp.
Quy định trả lại không phân biệt trước - sau, cũ - mới, mọi trường hợp đang thuê nhà ở công vụ đều phải thực hiện như thông tư 01 đã nêu rõ.
Cả nước có 49 biệt thự công vụ Hiện nay, nhà ở công vụ được hình thành từ hai nguồn khác nhau là nhà ở được tiếp quản từ chế độ cũ do thực hiện các chính sách về cải tạo nhà đất trước đây (quỹ nhà ở thuộc diện này có khoảng 44.420m2, chiếm tỉ lệ 14,1% tổng số nhà công vụ). Số còn lại là nhà ở do Nhà nước đầu tư xây dựng sau năm 1975 (có khoảng 270.860m2, chiếm tỉ lệ 85,9% tổng số nhà ở công vụ). Theo báo cáo của 32 cơ quan trung ương và 57 địa phương thì có 46 đơn vị đang duy trì, quản lý quỹ nhà ở công vụ, bao gồm 11 bộ ngành và 35 địa phương. Có 43 đơn vị không có quỹ nhà này, bao gồm 21 bộ ngành (trong đó có Bộ Y tế) và 22 địa phương. Tổng quỹ nhà công vụ hiện nay là 315.280m2 sàn, bao gồm 49 biệt thự và 6.377 căn hộ chung cư và nhà ở một tầng. Trong đó, quỹ nhà của các cơ quan trung ương quản lý là 198.091m2, nhà ở công vụ của các địa phương là 117.189m2. Đối với quỹ nhà ở của các cơ quan trung ương, trong tổng số 198.091m2 thì bao gồm 42 biệt thự và 4.890 căn hộ chung cư và nhà ở một tầng, trong đó có 100 căn được mua mới từ quỹ nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ. Số lượng nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương tập trung nhiều nhất vào Bộ Quốc phòng (khoảng 83.000m2) và Bộ Công an (khoảng 67.000m2). (Nguồn: Bộ Xây dựng) |
Không thể xóa tất cả nhà ở công vụ Đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết quan điểm là phải có nhà công vụ để cho cán bộ ở trong thời gian họ đảm nhận chức vụ công tác. Do đó, không thể xóa tất cả nhà công vụ vì nhà công vụ phục vụ cho nhiều đối tượng ở nhiều địa bàn. Đơn cử như nhà công vụ cho giáo viên ở các vùng sâu vùng xa. Với điều kiện lương thấp và giáo viên đi công tác vài ba năm mà Nhà nước không có nhà cho họ ở là không ổn. Nếu chúng ta cho rằng tính tiền nhà vào lương để họ có thể đi thuê nhà thì chắc chắn là khó vì vùng sâu vùng xa tìm nhà để thuê không có. Do đó, điều quan trọng là cần đánh giá một cách tổng thể để có chính sách quản lý nhà hiệu quả mà vẫn đảm bảo quyền lợi của những người thuộc đối tượng sử dụng nhà công vụ, cũng như không gây mất công bằng với các đối tượng khác. Thực tế hiện nay, theo Cục Quản lý công sản, tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ được chia làm hai loại là đối tượng sử dụng và đối tượng thuê và được quy định rất chặt chẽ tại quyết định 09 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Còn việc tính tiền nhà vào tiền lương thì quy định này đã có từ năm 1992 và thực tế nhiều đối tượng được sử dụng nhà công vụ đã tính tiền nhà vào tiền lương. Riêng những đối tượng thuê nhà công vụ thì nguyên tắc giá cho thuê phải đảm bảo bù đắp các chi phí như chi phí xây dựng, bảo dưỡng... căn nhà đó. Giá nhà công vụ cho thuê chỉ không tính tiền sử dụng đất thôi. Không có chuyện bao cấp nhà công vụ hay cho thuê với giá rẻ. Bản thân Luật nhà ở hiện hành và dự thảo Luật nhà ở sửa đổi cũng quy định điều này. L.THANH ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận