23/10/2024 11:00 GMT+7

Nhà có người mất, chôn cất trên đất trồng lúa của gia đình được không?

Đất nhà tôi là đất trồng lúa. Nay nhà có người mất, tôi có được chôn cất, xây dựng mồ mả người thân trên đất này không?


- Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:

Nhà có người mất, chôn cất trên đất trồng lúa của gia đình được không? - Ảnh 1.

Luật sư Tào Văn Dũng

Quy định pháp luật về nơi chôn cất người mất:

Khi thực hiện thủ tục mai táng, hỏa táng, chôn cất thi thể người mất cần tuân thủ các quy định pháp luật, cụ thể như sau:

- Khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy hoạch; có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh. Việc quàn, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.

- Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng, hỏa táng phải chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Nếu an táng được thực hiện trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của UBND các cấp theo phân cấp của UBND cấp tỉnh.

- Việc an táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa, nếp sống văn minh hiện đại và vệ sinh trong mai táng, hỏa táng được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Loại đất phi nông nghiệp được xác định là dùng để xây dựng nghĩa trang, đất dùng cho việc mai táng, hỏa táng, chôn cất thi thể.

Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng, mai táng hợp vệ sinh, trong khu nghĩa trang theo quy hoạch; xóa bỏ hủ tục trong mai táng, hỏa táng gây ô nhiễm môi trường (theo quy định tại điều 63 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khoản 4 điều 3 nghị định 23/2016/NĐ-CP và khoản 3 điều 9 Luật Đất đai năm 2024).

Đối chiếu với trường hợp bạn đã nêu thì đất trồng lúa thông thường là vùng đất trũng, ngập nước quanh năm nên không phù hợp để chôn cất thi thể. Việc bạn cho chôn cất thi thể, xây dựng mồ mả người thân trên đất trồng lúa là trái quy định pháp luật vì gây ô nhiễm nguồn nước, không đáp ứng được vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và nếp sống văn minh hiện đại.

Xử phạt vi phạm hành chính:

Hành vi vi phạm quy định về môi trường trong trường hợp chôn cất thi thể không đúng nơi quy định thì pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về mức xử phạt vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu (theo quy định tại điều 4 nghị định 45/2022/NĐ-CP).

Ngoài ra, khi chôn cất thi thể, xây dựng mồ mả trên đất trồng lúa đã vi phạm pháp luật là sử dụng đất không đúng mục đích. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tiền lên đến 3.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Hành vi này còn có thể bị khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (theo quy định tại điều 31 Luật Đất đai năm 2024, điều 8 nghị định 123/2024/NĐ-CP và điều 163 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

Hỗ trợ chi phí mai táng cho những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn:

Trong trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn và thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng, nếu cần hỗ trợ chi phí mai táng thì có thể làm đơn đề nghị hỗ trợ. Hồ sơ bao gồm:

- Tờ khai đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân đứng ra tổ chức mai táng cho người mất theo mẫu số 04 ban hành kèm theo nghị định này.

- Bản sao giấy chứng tử của người mất.

- Các giấy tờ liên quan như: Giấy chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo; Bản sao quyết định hoặc danh sách thôi hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp khác của cơ quan có thẩm quyền…

Thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng:

- Cá nhân, cơ quan, đơn vị tổ chức mai táng cho người mất làm hồ sơ gửi chủ tịch UBND cấp xã nơi người mất nhận trợ cấp xã hội hằng tháng.

- Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ của người mất gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản của chủ tịch UBND cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, trình chủ tịch UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ chi phí mai táng (theo quy định tại điều 11 nghị định 20/2021/NĐ-CP)

Các địa phương trên khắp cả nước đang ra sức ngăn chặn không cho phát sinh chôn cất trên những khu đất không hợp pháp, sai quy hoạch sử dụng đất. Tất cả chung tay vì một xã hội văn minh hiện đại.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Chia tay bạn trai, muốn để con chung cho bạn trai nuôi, phải làm thế nào? - Ảnh 2.

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.

Nhà có người mất, chôn cất trên đất trồng lúa của gia đình được không? - Ảnh 3.Quảng cáo dự án trên đất trồng lúa để bán, hai người lãnh án tù

Quảng cáo sai sự thật, một nhóm người đã “phù phép” đất trồng lúa trở thành dự án khu dân cư. Qua đó, nhóm này ký 29 hợp đồng với nhiều khách hàng, thu hơn 27 tỉ đồng.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên