27/05/2025 14:59 GMT+7

Nguyên nhân Tập đoàn Sơn Hải rớt thầu dù bỏ giá thấp nhất dự án đường cao tốc ở Bình Phước

A LỘC
và 1 tác giả khác

Liên quan vụ Tập đoàn Sơn Hải phản đối vì bỏ giá thấp nhất nhưng rớt thầu, tổ chuyên gia đấu thầu nêu lý do gì trong báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu?

Nguyên nhân Tập đoàn Sơn Hải rớt thầu dù bỏ giá thấp nhất dự án đường cao tốc ở Bình Phước - Ảnh 1.

Tập đoàn Sơn Hải có đơn phản đối chủ đầu tư sau khi bỏ giá thấp nhất nhưng vẫn rớt gói thầu xây dựng cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước - Ảnh: AN BÌNH

Gói thầu xây lắp xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước (viết tắt gói thầu), Công ty cổ phần tư vấn Văn Phú (Hà Nội) là đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu.

Tập đoàn Sơn Hải không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật

Trước đó, ngày 6-5, tổ chuyên gia (do đơn vị tư vấn thành lập) đã lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (chủ đầu tư dự án).

Theo báo cáo, chủ đầu tư mở thầu với hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng. Ngoài Tập đoàn Sơn Hải còn có 4 đơn vị khác tham gia đấu thầu.

E-HSDT của 5 nhà thầu đều hợp lệ, đủ năng lực và kinh nghiệm, tuy nhiên kết quả đánh giá về kỹ thuật có 4 nhà thầu không đạt, trong đó có Tập đoàn Sơn Hải. Đơn vị duy nhất đạt là Liên danh cao tốc HCM-TDM-CT (gồm Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH thương mại dịch vụ và xây dựng NTV Thành Phát).

Giải thích lý do nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật nêu trong E-HSDT của Tập đoàn Sơn Hải, tổ chuyên gia đánh giá nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về vật tư thiết bị cung cấp cho gói thầu; 

Không đáp ứng yêu cầu về tổ chức thực hiện mô hình thông tin công trình (BIM) trong gói thầu; không đáp ứng yêu cầu về máy, thiết bị xây dựng phục vụ thi công gói thầu.

Tổ chuyên gia đấu thầu kết luận quá trình đánh giá E-HSDT của các nhà thầu được thực hiện dựa theo các quy định đối với hình thức đầu thầu qua mạng. Cụ thể, đánh giá năng lực các nhà thầu hoàn toàn dựa theo các tài liệu do nhà thầu tự kê khai và nộp qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng như các tài liệu làm rõ.

Trên cơ sở đánh giá E-HSDT, tổ chuyên gia thống nhất và kiến nghị chủ đầu tư xem xét lựa chọn Liên danh cao tốc HCM-TDM-CT.

Giải quyết kiến nghị trong đấu thầu ra sao?

Theo luật sư Nguyễn Trọng Dần (Đoàn luật sư TP.HCM), về giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu được quy định tại điều 89 Luật Đấu thầu 2023, khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức được kiến nghị người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu xem xét lại các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định.

Trong đó, việc giải quyết kiến nghị sau khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo một trong hai quy trình sau đây:

1. Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc.

Trường hợp nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư không có văn bản giải quyết thì nhà thầu có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 5 ngày làm việc.

Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.

Tập đoàn Sơn Hải - Ảnh 2.

Người dân Bình Phước chặt cây cối lấy mặt bằng chuẩn bị làm cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Ảnh: AN BÌNH

2. Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ đơn kiến nghị của nhà thầu đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng việc ký kết, thực hiện hợp đồng.

Văn bản giải quyết kiến nghị phải có kết luận về nội dung mà nhà thầu kiến nghị. Trường hợp kiến nghị được kết luận là đúng thì trong văn bản giải quyết kiến nghị phải nêu rõ biện pháp, cách thức và thời gian để khắc phục hậu quả (nếu có). 

Nếu kiến nghị của nhà thầu được kết luận là không đúng thì văn bản trả lời phải giải thích rõ lý do. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết kiến nghị của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, nhà thầu có quyền khởi kiện ra tòa án.

Lý do tổ chuyên gia đánh rớt Tập đoàn Sơn Hải dù bỏ giá thấp nhất? - Ảnh 2.Công ty Đại Quang Minh và Tập đoàn Sơn Hải làm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 có chiều dài 60,2km, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên