24/09/2023 09:34 GMT+7

Nguyên nhân ho kéo dài

Người phụ nữ 35 tuổi, nội trợ, đã trải qua quá trình điều trị ho kéo dài đầy khó khăn hơn 1 năm. Trường hợp này đã được đăng trên trang web của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ, để lại nhiều bài học và kinh nghiệm cho cả bác sĩ và bệnh nhân.

Mùa thu đông là thời gian các chứng bệnh đường hô hấp xuất hiện nhiều hơn - Ảnh minh họa

Mùa thu đông là thời gian các chứng bệnh đường hô hấp xuất hiện nhiều hơn - Ảnh minh họa

Ho là một trong những triệu chứng phổ biến nhất khiến bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến chậm trễ, gây biến chứng của bệnh tiềm ẩn.

Người phụ nữ 35 tuổi này đến khám vì lý do chính là ho khan trong 3 tuần. Cô không có tiền sử bệnh lý rõ ràng và không hút thuốc.

Cô cũng không chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa hoặc hắt hơi gợi ý viêm mũi dị ứng, không thở khò khè hoặc khó thở từng cơn gợi ý hen suyễn, không ợ nóng gợi ý bệnh trào ngược dạ dày thực quản và không giảm cân hoặc đổ mồ hôi ban đêm gợi ý lao phổi.

Đây là 4 nguyên nhân phổ biến nhất gây ho kéo dài. Các bác sĩ đã thăm khám và làm các xét nghiệm, chẩn đoán viêm phổi mắc phải trong cộng đồng. Kê toa kháng sinh uống 1 tuần nhưng dường như cô vẫn ho. Tái khám và tiếp tục uống thêm kháng sinh khác.

Sau 5 tháng, bệnh nhân lại đến tái khám vì ho kéo dài không giảm. Lúc này bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có tiền sử làm việc tại nhà máy sản xuất điện tử, nhựa trong 1 năm (2006-2007), gia đình mắc bệnh hen phế quản và là người hút thuốc lá thụ động.

Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc giãn phế quản để điều trị nhưng không được đo chức năng hô hấp. Sau 1 tháng cô vẫn ho nên tái khám, vẫn không thấy bất thường gì ngoài vài hình ảnh tổn thương phổi trên phim X-quang.

Cô bắt đầu được điều trị thuốc kháng lao trong 6 tháng (do tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi 3 năm trước).

Đáng tiếc, cô vẫn ho và bắt đầu thấy khó thở, đau nhức các khớp. Lúc này bệnh nhân được chuyển qua thăm khám và điều trị bởi chuyên gia về thấp khớp (bệnh lý tự miễn), các triệu chứng mới bắt đầu thuyên giảm.

Ho kéo dài trên 3 tuần là bất thường

Ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể nhằm loại bỏ các chất dịch, đàm hoặc dị vật ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, khi ho kéo dài trên 3 tuần, đó là một triệu chứng bất thường và có thể cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm.

Ho kéo dài là tình trạng người bệnh ho liên tục trong thời gian trên 3 tuần mà không có dấu hiệu giảm bớt hay khỏi bệnh. Ho kéo dài có thể chia thành ho bán cấp (3-8 tuần) và ho mạn tính (trên 8 tuần). Ho kéo dài là một triệu chứng không đặc hiệu và có thể xuất hiện ở nhiều bệnh lý khác nhau.

Các nguyên nhân gây ra ho kéo dài có thể chia thành hai nhóm: nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.

  • Nguyên nhân sinh lý: Đây là các tác động từ bên ngoài gây kích thích đường hô hấp và gây ra ho. Ví dụ như: hút thuốc lá, tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm không khí, khí trời lạnh, khô hanh; sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây ho như thuốc hạ huyết áp (coversyl), thuốc chống viêm không steroid (aspirin); hay do stress, lo âu.
  • Nguyên nhân bệnh lý: Đây là các bệnh lý ở đường hô hấp hoặc các cơ quan liên quan gây ra ho. Ví dụ như: viêm mũi xoang, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, viêm phế quản mạn tính, lao phổi, ung thư phổi, xơ phổi, tràn dịch màng phổi...

Việc chẩn đoán ho kéo dài không đơn giản chỉ dựa vào triệu chứng khi đến khám, thực hiện các cận lâm sàng đầy đủ, mà còn phải dựa trên theo dõi tiến triển bệnh.

Đồng thời, bệnh nhân cũng cần lưu ý và nắm rõ về tiền sử bệnh của bản thân, tiền sử tiếp xúc cũng như những triệu chứng của mình thay đổi như thế nào, để báo cho bác sĩ mỗi lần thăm khám, tránh tình trạng chủ quan.

Điều trị ho kéo dài như thế nào?

Điều trị ho kéo dài phải căn cứ vào nguyên nhân gây ra. Ngoài ra, cần tuân theo các nguyên tắc sau:

  • Hạn chế các yếu tố kích thích đường hô hấp như hút thuốc lá, tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm không khí, khí trời lạnh, khô hanh.
  • Uống đủ nước, ăn uống cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất, tránh ăn quá nóng, quá cay, quá chua.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, giảm stress, lo âu.
  • Sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ như: thuốc giảm ho, thuốc long đàm, thuốc kháng viêm, kháng sinh, thuốc điều trị bệnh nền...
  • Áp dụng các phương pháp hỗ trợ như: vỗ lưng, dùng mật ong, chanh, gừng...
  • Đi khám bác sĩ định kỳ và làm các xét nghiệm cần thiết để theo dõi tình trạng bệnh và hiệu quả điều trị.

Ho kéo dài là một triệu chứng thường gặp nhưng có thể ẩn chứa các bệnh lý nguy hiểm. Người bệnh cần chú ý đến các nguyên nhân gây ra ho kéo dài và áp dụng các biện pháp điều trị hiệu quả.

Nếu ho không giảm sau 3 tuần hoặc có các triệu chứng bất thường khác như sốt cao, sụt cân, ho ra máu... cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

"Chiến đấu" với ho kéo dài, vượt nguy cơ đột quỵ sau COVID-19'Chiến đấu' với ho kéo dài, vượt nguy cơ đột quỵ sau COVID-19

TTO - Sau khi mắc COVID-19, nhiều người 'khủng hoảng' bởi những cơn ho kéo dài kèm các triệu chứng đau ngực, mệt mỏi, khó thở, thậm chí có di chứng rối loạn đông máu có thể dẫn đến đột quỵ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên