22/08/2019 15:05 GMT+7

Nguyễn Du cười khóc văn chương lạnh, Thúy Kiều chìm nổi một dòng sông

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Thi phẩm của Nguyễn Bắc Sơn vừa trở lại với bạn đọc nhân kỷ niệm 4 năm ngày ông giã biệt văn đàn: 'Nguyễn Bắc Sơn - tác phẩm và dư luận' được gia đình và bạn bè thực hiện.

Nguyễn Du cười khóc văn chương lạnh, Thúy Kiều chìm nổi một dòng sông - Ảnh 1.

Ảnh: L.Điền

Đây cũng là dịp tập thơ nổi tiếng của Nguyễn Bắc Sơn - Chiến tranh Việt Nam và tôi - được in lại toàn bộ, bên cạnh đó là loạt thơ rời ông làm từ sau 1972 đến cuối đời.

Phần còn lại như một phụ lục, là bài viết của bạn bè, người hâm mộ và các chuyên gia nhận định về tác giả Nguyễn Bắc Sơn và tác phẩm của ông.

Nguyễn Bắc Sơn có thể xem là một "trường hợp thơ" phát lộ từ cuộc chiến tranh. Đây là một loại "hệ quả nhân văn" kỳ lạ của chiến tranh, bởi nếu Nguyễn Bắc Sơn trưởng thành trong bối cảnh xã hội khác và không mất nhiều năm tháng tuổi xanh cho khói lửa đạn bom, hẳn chúng ta không có một nhà thơ viết về chiến tranh độc đáo như vậy.

Điều độc đáo khi được cộng hưởng sẽ trở thành đáng quý. Tròn bốn năm ngày ông mất, một tập sách đầy đặn mang lại cho khách yêu thơ hôm nay cơ hội được một lần nữa cùng thưởng thức những câu chữ ý tứ và tinh thần nhập thế của một người con vùng đất Bình Thuận nắng cát khô cằn.

Nguyễn Bắc Sơn chính là người sớm đưa những địa danh vốn lạ lẫm nơi vùng phía bắc Bình Thuận vào thơ. Những tên gọi Ma Lâm, Sông Lũy, Sông Mao, động Thái An, khu Lê Hồng Phong... gắn với chiến tranh khốc liệt một thời. Và bằng một cách tự nhiên, những nơi này hiện lên trong thơ Nguyễn Bắc Sơn với cách thế lãng mạn nhiều hơn là... cách mạng.

Và có lẽ cũng chính chiến tranh Việt Nam đã dồn đẩy Nguyễn Bắc Sơn vào chỗ phải chiêm nghiệm sâu hơn với cuộc đời. Điều này có khác những thân phận người dân chung cuộc chiến ở chỗ: Chiến tranh dồn đẩy một nhà thơ sẽ làm bật ra những cấu tứ lạ. 

Với Nguyễn Bắc Sơn, cái lạ ấy chính là lắm khi tâm hồn ông thoát hẳn ra ngoài không khí chiến tranh để nói một cách dung dị về cuộc đời, về tình người. 

Thêm một lần nữa, sự dung dị của Nguyễn Bắc Sơn tưởng đùa chơi bỗng dưng trở thành triết lý cho nhiều thế hệ: "Vì đàn bà người nào cũng như người nấy/ Nên ta bảo mình thôi hãy quên em/ Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy/ Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên".

Và về ý niệm thời gian, có lẽ đây chính là đề tài quen thuộc của các dòng văn thơ viết về chiến tranh. Nguyễn Duy từng khắc họa thời gian qua mái tóc người lính thật tài tình: "Có người ngủ thế thành quen/ Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình". 

Thì ở đây, Nguyễn Bắc Sơn cũng thực sự đóng góp cho gia tài thơ Việt hai câu độc đáo: "Dù mỗi ngày ta xé đi năm mười tờ lịch/ Nhưng thời gian đâu có chịu trôi nhanh", một lối nói tự nhiên mà thành riêng một giọng điệu giữa muôn trùng chữ nghĩa.

Và quãng đời nhà thơ sau cuộc chiến cũng hiện diện trong tập sách lần này. Không còn thấy bóng dáng chiến tranh, những vần thơ Nguyễn Bắc Sơn chiêm nghiệm cuộc đời thời hậu chiến vừa chính là nỗi lòng chia sẻ với tiền nhân: "Nguyễn Du cười khóc văn chương lạnh/ Thúy Kiều chìm nổi một dòng sông/ Đã biết phận người là khổ lụy/ Sao còn đứt ruột giữa mênh mông", vừa là nỗi ưu tư của một kẻ làm thơ đặt mình vào trong chỗ vô cùng của nhân loại: "Tiếc loài người bày ra xích xiềng huyễn mộng/ Đến nỗi quên mình là hạt giống vô biên/ Câu chuyện tình như ngọn gió miên miên/ Thổi ấm Kinh Thi thổi lạnh hồn Kinh Dịch".

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từ trần Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từ trần

TTO - Nhà thơ từng đi qua cuộc “Chiến tranh Việt nam và tôi” Nguyễn Bắc Sơn vừa giã từ bạn bè và người yêu thơ để ra đi ở tuổi 72 sau một thời gian nằm bệnh.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên