29/09/2018 11:32 GMT+7

Nguy cơ đình trệ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Đến nay, sau hơn ba năm rưỡi khởi công, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài 51,1km mới thi công đạt 12% khối lượng.

Nguy cơ đình trệ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chiều 23-9 - Ảnh: NGỌC ẨN

Tiến độ thi công công trình vẫn tiếp tục ì ạch vì gặp nhiều vướng mắc.

Chưa xong đền bù giải tỏa

Ngày 23-9-2018, trở lại công trình xây dựng nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (đoạn đầu của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì quang cảnh thi công ở đây không khác gì cách đây 4 tháng. Nền đường cao tốc vẫn là lớp cát. 

Chỉ có khác là số trụ cầu được xây dựng nhiều hơn so với trước. Một cán bộ công trường cho biết dự án vẫn chưa giải ngân được nên không dám thi công đại trà vì sợ không đủ tiền trả cho nhà thầu thi công.

Theo lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp thực hiện dự án), tuy đang gặp khó khăn về vốn nhưng đơn vị vẫn bảo đảm cung cấp đủ tiền theo yêu cầu của UBND tỉnh Tiền Giang để đền bù giải tỏa khoảng 3.000 hộ dân với tổng kinh phí khoảng 1.689 tỉ đồng. 

Đến nay địa phương đã bàn giao được 96% diện tích mặt bằng giải tỏa. Thế nhưng, hiện vẫn còn 22 vị trí chưa bàn giao mặt bằng với tổng chiều dài 3,7km. Phần lớn các vị trí chưa bàn giao mặt bằng đều đang bị vướng khiếu nại giải tỏa, đền bù cũng như tranh chấp của người dân, thậm chí nhiều hộ dân cản trở, không cho nhà thầu thi công.

Tuyến đường cao tốc dài 51,1km, nhưng có đến 37km là nền đất yếu. Vì vậy các nhà thầu tập trung thi công dọn mặt bằng, rải vải địa kỹ thuật, xử lý nền đất yếu, đắp nền đường... Do đó với những đoạn bị vướng giải tỏa, nhà thầu thi công không thể thi công liên tục, đồng loạt theo yêu cầu tiến độ dự án. Trong khi đó, theo kế hoạch đến tháng 11-2018 phải kết thúc gia tải nền đường.

Nguy cơ đình trệ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh 2.

Đồ họa: T.ĐẠT

Làm chậm vì sợ lỗ hơn 3.000 tỉ đồng

Theo ông Lê Quốc Bình - tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP - CII (là một trong sáu nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), hiện nay công trình gặp khó khăn nhất là lãi suất vay vốn áp dụng cho dự án thấp hơn lãi suất vay thực tế của các ngân hàng thương mại khoảng 4%. 

"Lãi suất áp dụng cho dự án này tính theo thông tư 75/2017 của Bộ Tài chính là khoảng 6,77%, trong khi nhà đầu tư vay lãi suất thực tế là 10,83%. Vì vậy khi thẩm định để cấp khoản vay cho dự án, các ngân hàng cho rằng mức lãi suất vay vốn như vậy là không phù hợp và dự án không có khả năng hoàn vốn" - ông Bình nói.

Còn lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết theo kết quả tính toán phương án tài chính như trên thì nhà đầu tư sẽ mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu và lỗ khoảng 3.369 tỉ đồng. Vì vậy, đến nay nguồn vốn tín dụng vẫn chưa giải ngân được. 

Do đó, chủ đầu tư dự án kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo cho phép dự án được áp dụng lãi suất vốn vay theo mức lãi suất vay thực tế trung bình của các ngân hàng thương mại. Có như vậy mới giúp nhà đầu tư sớm giải ngân nguồn vốn tín dụng đưa vào dự án, đảm bảo hoàn thành dự án vào tháng 9-2020.

Một cán bộ của doanh nghiệp thực hiện dự án cho biết do lãi suất vay không sát thực tế nên nhà đầu tư đang chậm thực hiện dự án.

Có mặt tại công trình chiều 23-9, sau khi nghe nhà đầu tư trình bày các khó khăn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận xét tiến độ thi công như hiện nay khó có thể hoàn thành đường cao tốc vào tháng 9-2020. Ông Thể đề nghị chủ đầu tư cần đề xuất ngay những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cũng chiều 23-9, sau khi nghe báo cáo về tiến độ dự án ngay trên công trình thi công nút giao thông Thân Cửu Nghĩa, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ quan tâm chỉ đạo xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. 

Trong đó, yêu cầu đến năm 2020 hoàn thành toàn tuyến cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách nhằm phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ GTVT và nhà đầu tư đã làm việc ở dự án này trong điều kiện khó khăn, vướng mắc về pháp lý cũng như trong thực tế thực hiện dự án. Ông Dũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo nhà đầu tư và nhà thầu thực hiện dự án đúng như cam kết. 

Đồng thời, ông Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ sẽ tháo gỡ những vướng mắc của nhà đầu tư và các nhà thầu trên cơ sở pháp luật để đảm bảo công trình thực hiện đúng chất lượng, hiệu quả. 

Về lãi suất vay vốn ở dự án này, ông Dũng cho biết Thủ tướng sẽ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GTVT tính toán lãi suất vay phù hợp với thực tế thị trường để điều chỉnh lãi suất vay ở dự án này. Từ đó, sẽ báo cáo Chính phủ ra một nghị quyết riêng để tháo gỡ những khó khăn nhằm thực hiện dự án.

2 lần khởi công và 3 lần dời hạn hoàn thành

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công lần thứ nhất vào tháng 11-2009 do 8 đơn vị (gồm Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN cùng 7 tập đoàn kinh tế và các công ty) góp vốn với tổng mức đầu tư 19.000 tỉ đồng.

Dự án xây dựng đường cao tốc với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe dừng khẩn cấp với tốc độ lưu thông 120 km/h. Dự kiến hoàn thành vào quý 3-2013. Tuy nhiên ngay sau khi khởi công, dự án tạm dừng vì phải điều chỉnh thiết kế nút giao thông Thân Cửu Nghĩa. Đến năm 2012, dự án tạm dừng do không huy động được vốn đầu tư.

Đến tháng 2-2015, dự án khởi công lần thứ hai. Lần này dự án do 6 doanh nghiệp góp vốn đầu tư, có tổng mức đầu tư 14.678 tỉ đồng. Dự án xây đường cao tốc 2 làn xe với vận tốc 80 km/h và 2 làn xe có vận tốc 40 km/h.

Dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2018. Đến tháng 6-2017, dự án được điều chỉnh vốn đầu tư còn 9.668 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý 2-2020. Mới đây, Bộ GTVT cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến tháng 9-2020.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên