Đà Nẵng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạtNhà máy nước chạy cầm chừng, dân thiếu nước Hàng ngàn hộ dân tiếp tục thiếu nước
Phóng to |
Sông Thu Bồn (đoạn qua huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng khiến đất sản xuất của người dân bị thu hẹp dần do nguồn nước trên sông Thu Bồn thay đổi thất thường, lòng sông chuyển đổi dòng chảy - Ảnh: Lê Trung |
Sáng 10-4, ông Nguyễn Thái Lai, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), đã khẳng định như vậy tại cuộc họp với các bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng về quy trình vận hành liên hồ chứa đối với các hồ A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 trong mùa cạn.
Ngoài khẳng định quy trình vận hành liên hồ sẽ đặt ưu tiên cấp nước cho hạ du cao hơn cấp nước phát điện, ông Lai cũng quả quyết Bộ TN-MT kiên quyết không bao giờ làm hại các tỉnh, gây thiệt hại cho người dân khi xây dựng quy trình vận hành liên hồ.
Bộ Công thương và chủ đầu tư... muốn xả ít nước
Chủ thủy điện than thiệt hại hàng trăm tỉ đồng Đề cập tới dự thảo vận hành liên hồ, ông Đào Minh Tiến, phó tổng giám đốc IDICO - chủ hồ Đắk Mi 4, cho rằng với quy trình này sẽ làm thiệt hại cho chủ đầu tư từ 131,7 triệu kWh/năm đến 187 triệu kWh/năm, tương đương 160-205 tỉ đồng/năm, dẫn đến dự án không có khả năng trả nợ cũng như không hoàn được vốn đầu tư. Ông Tiến đề nghị Bộ TN-MT báo cáo Thủ tướng về thiệt hại của thủy điện Đắk Mi 4 để làm cơ sở cho việc xem xét tính toán lại giá bán điện của Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 khi quy trình vận hành được duyệt. Tương tự, nếu nhà máy phải vận hành theo quy trình này, IDICO cũng đề nghị Chính phủ, các bộ và Tập đoàn Điện lực xem xét tính toán lại giá điện của Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4, đồng thời cho phép Đắk Mi 4 không tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. |
Trình bày dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa với hồ A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, ông Hoàng Văn Bảy, cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết trong quá trình tính toán, xây dựng quy trình, tổ soạn thảo đã thống nhất chọn mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa và Giao Thủy làm cơ sở vận hành các hồ.
Với hồ Đắk Mi 4, ông Bảy cho biết khi dự thảo quy trình dự kiến mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa nhỏ hơn 2,53m sẽ vận hành xả nước liên tục về hạ lưu sông Vu Gia với lưu lượng bằng 25m3/giây, tuy nhiên khi đưa ra lấy ý kiến đã có ba nhóm ý kiến khác nhau.
“Nhóm ý kiến thứ nhất của Bộ Công thương, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN (IDICO - chủ hồ Đắk Mi 4) đều đề nghị xem xét giảm lưu lượng xả nước về hạ du để đảm bảo hiệu quả phát điện cao hơn, vì cho rằng xả nước liên tục 12,5-25m3/giây trong cả mùa cạn là thiệt hại rất lớn về điện, gây lãng phí về tài nguyên và đề nghị xả từ 3-8,5m3/giây. Riêng UBND TP Đà Nẵng đề nghị hồ Đắk Mi 4 xả liên tục 25m3/giây suốt mùa cạn” - ông Bảy nêu.
Trước các ý kiến của Bộ Công thương và chủ đầu tư hồ Đắk Mi 4, ông Bảy cho rằng hạ du sông Vu Gia là nơi tập trung đông dân cư có nhu cầu sử dụng nước cho các ngành rất cao. Dòng chảy trên sông Vu Gia và sông Thu Bồn còn có nhiều chức năng, giá trị sử dụng nước như duy trì sự sống của dòng sông. Theo ông Bảy, việc vận hành thủy điện Đắk Mi 4 vừa qua đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Chính quyền địa phương và nhân dân ở hạ du vẫn cho rằng xả nước như hiện nay là chưa đảm bảo nhu cầu nước, làm suy kiệt dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, nhất là phía Đà Nẵng.
“Dự thảo quy trình hiện nay đưa ra mực nước tại trạm Ái Nghĩa làm cơ sở vận hành là 2,53m. Tuy nhiên, trong dự thảo quy trình vận hành liên hồ trong mùa cạn đã quy định đảm bảo nhu cầu sử dụng nước của hạ du là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến hiệu quả phát điện. Dự thảo cũng đã xác định trong những tháng mùa cạn hồ Đắk Mi phải xả 12,5-25m3/giây theo từng thời kỳ sử dụng nước nhằm đảm bảo hài hòa nhu cầu sử dụng nước và phát điện” - ông Bảy khẳng định.
Phóng to |
Các phương tiện cơ giới dễ dàng ra giữa lòng sông Vu Gia khai thác cát do thủy điện Đắk Mi 4 đổ nước sang sông Thu Bồn làm hạ lưu sông Vu Gia khô cạn vào mùa khô - Ảnh: Đăng Nam |
Đà Nẵng đề nghị mức cao hơn
Trong khi đó, ông Phùng Tấn Viết, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đề nghị Bộ TN-MT tính toán lại. “Việc lựa chọn mốc cơ sở để xả nước là vấn đề chúng tôi rất băn khoăn. Thực tế những năm gần đây cho thấy biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan ảnh hưởng nhiều đến Đà Nẵng. Vấn đề nước mặn xâm nhập cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt là trong mùa cạn, vấn đề cấp nước cho hạ du rất quan trọng. Vì vậy, Đà Nẵng đề nghị điều chỉnh mốc cơ sở tại trạm Ái Nghĩa từ 2,53m lên 2,8m, tức là khi mực nước ở trạm Ái Nghĩa ở mốc 2,8m thì phải vận hành hồ Đắk Mi 4 để xả nước cho hạ du. Trong trường hợp không điều chỉnh được lên mốc 2,8m, đề nghị Bộ TN-MT kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngân sách cho Đà Nẵng để điều tiết thêm nguồn nước, đảm bảo phục vụ cấp nước cho nhân dân” - ông Viết kiến nghị.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai cho biết khi phê duyệt cho xây dựng thủy điện Đắk Mi 4 thì thiết kế xả nước về hạ du chỉ có 3m3/giây. “Bộ TN-MT đã kiến nghị Chính phủ, sau đó mới yêu cầu thiết kế cống xả tối đa lên 25m3/giây, như vậy chúng tôi rất quan tâm đến việc cấp nước cho hạ du, đặc biệt với Đà Nẵng. Vừa qua có thông tin nói Đà Nẵng kiện bộ nên chúng tôi hết sức buồn. Chúng tôi khẳng định Bộ TN-MT không có lợi ích gì trong ưu tiên thủy điện. Trong tính toán có thể chưa được chính xác, chưa đúng thì tiếp tục điều chỉnh, chứ không có lợi ích gì trong việc làm thiệt hại cho các tỉnh, không có lý do gì để bênh vực cho các thủy điện. Làm thiệt hại cho các tỉnh, làm tổn hại đến nhân dân, nông dân là điều kiên quyết không bao giờ bộ làm” - ông Lai khẳng định.
Đề cập đến đề nghị của Đà Nẵng, ông Lai cam kết các bộ, ngành và hội đồng thẩm định sẽ tính toán, rà soát lại, nếu kịp sẽ trình Chính phủ ngay trong năm 2014. “Có sáu bộ, ngành tham gia hội đồng xây dựng dự thảo quy trình vận hành liên hồ, nếu Đà Nẵng chưa đồng ý thì hội đồng cũng chưa trình Chính phủ” - ông Lai nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận