Kỳ 1: Bãi sò dậy sóngKỳ 2: Chủ bầu và “sò tặc”Kỳ 3: Trở lại “xóm nghêu tặc”
Phóng to |
Dòng người đổ xô đi cào nghêu giống ở Đất Mũi (Cà Mau) hồi giữa năm 2011. Liệu hình ảnh này có lặp lại trong mùa nghêu sắp tới?- Ảnh: Đông Triều |
Bãi cát ven biển xã Đất Mũi trải dài từ ấp Khai Long qua Rạch Thọ rồi Rạch Tàu Đông đến Kinh Đào Tây với tổng diện tích 431ha. Trước năm 2009, người dân địa phương lẫn chính quyền đều chưa phát hiện nguồn lợi nghêu giống ở đây. Khi có một số hộ dân ở Bến Tre, Bạc Liêu khám phá nghêu giống vào năm 2009 cũng là lúc chính quyền lập ra phương án bảo vệ nguồn lợi này và thành lập ba hợp tác xã (HTX), mỗi HTX được giao vài chục hecta đất mặt nước bãi bồi để khoanh vùng khai thác. Thế nhưng cách quản lý bất cập đã khiến xung đột lợi ích giữa những người dân với nhau ngày càng lớn và hệ quả là xảy ra vụ cướp nghêu chưa từng thấy trong mùa nghêu năm 2011.
Thay đổi cách làm
Hài hòa lợi ích cho dân “Quản lý hiệu quả vùng nuôi nghêu Khai Long cũng là trăn trở nhiều năm qua của lãnh đạo địa phương. Người cào nghêu, xã viên HTX đều là người dân địa phương cả, làm sao hài hòa lợi ích giữa hai bên là tối ưu nhất. Tỉnh ủy sẽ họp các thành viên thường trực trên cơ sở đề xuất từ chính quyền huyện Ngọc Hiển, nhằm đưa ra mô hình quản lý khoa học nhất trên tinh thần lợi ích cho dân nghèo hưởng lợi” - ông Dương Tiến Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định. |
Theo đó, người dân ở xã Đất Mũi đều có thể tham gia góp vốn nuôi nghêu giống và chia lợi nhuận dựa trên số vốn đã góp. Chính do cách góp “tùy hỉ” này đã khiến nhiều người có tiền nhiều trở thành “nhân vật chính” của HTX, còn người nghèo thì góp vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Họ sinh nản vì lợi nhuận chia ra không bao nhiêu. Những người không có tiền tham gia HTX đành “đứng ngoài cuộc”.
Theo ông Trần Văn Sệ - phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi, toàn xã có khoảng 1.000/3.900 hộ dân có đất nuôi trồng thủy sản, những hộ còn lại sống dựa vào nghề biển. Ngay những hộ dân tham gia HTX cũng nản lòng vì cách hùn vốn. Ông Nguyễn Văn Tạo - hộ dân xã Đất Mũi, cho biết: “Vô HTX thì cần có tiền để hùn vốn nhưng nghèo như chúng tôi lấy tiền đâu, thà tới mùa cào được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, cũng đỡ lo nghĩ nhiều”.
Dân nghèo ở Đất Mũi có quá ít vốn để hùn vào các HTX nên chỉ sau một vụ nuôi không thành công, bà con coi như cụt vốn. Đã có khá nhiều trường hợp xã viên không có tiền tham gia nên đành rút chân khỏi HTX. Đây cũng là cơ hội cho những xã viên nhiều tiền góp vốn, chiếm phần lớn lợi lộc từ bãi nghêu. Như trường hợp của HTX Kinh Đào Tây, tổng số vốn đầu tư trong năm 2010 gần 1,3 tỉ đồng nhưng chỉ với ba cá nhân số vốn góp đã chiếm hơn phân nửa.
Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo có vốn tham gia vùng nghêu ở Đất Mũi, thời gian qua chính quyền địa phương, đoàn thể bảo lãnh hộ nghèo vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên số lượng người được vay chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Anh Phan Vũ Phương - xã viên HTX Kinh Đào Tây - nói: “Tôi được vay 3 triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo hùn vào HTX. Vụ vừa rồi nuôi lỗ, thu được khoảng 0,3% vốn bỏ ra, còn lãnh 100.000 đồng, coi như trắng tay”.
Phóng to |
Người dân nghèo khai thác sò giống ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh - Ảnh: Tấn Thái |
Hi vọng và... chờ đợi
Ông Tiêu Thanh Hiền - trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển - thừa nhận xung đột giữa người cào nghêu và các HTX có nguyên nhân từ cách phân chia, quản lý không hợp lý thời gian qua. Rút kinh nghiệm từ vụ cướp nghêu năm 2011, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn khảo sát, làm đề án quản lý vùng nghêu. Theo dự thảo đề án mới, dự kiến sẽ quy hoạch vùng nuôi nghêu ở xã Đất Mũi diện tích 2.800ha kéo dài 14km từ rạch Ô Rô đến rạch Hai Thiện thay vì chỉ 431ha như trước đây.
Cũng theo phương án mới, 16 HTX nuôi nghêu hiện tại sẽ gộp lại thành một HTX duy nhất và tất cả người dân ở xã Đất Mũi đều có thể đăng ký tham gia. Trong HTX này sẽ có các đội sản xuất, khai thác, quản lý vùng nghêu. Người khai thác nghêu sẽ được cấp thẻ để vào khu vực khai thác, ai không có thẻ coi như khai thác bất hợp pháp. Hiện tại đã có 3.000/4.000 hộ dân của xã Đất Mũi đăng ký chờ được cấp thẻ.
Ông Lê Văn Sử - bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển - cho rằng cách làm này vừa quản lý tốt việc nuôi nghêu thương phẩm, vừa tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên vào mùa nghêu giống, lại phát huy tối đa lợi thế vốn có, giá xuất bán nghêu giống cao hơn mà vừa giúp Nhà nước có nguồn thu thuế, đỡ công quản lý cực nhọc như trước. Mùa nuôi nghêu sắp bắt đầu nhưng vẫn chưa có phương án cuối cùng trong việc tổ chức khai thác hiệu quả.
Theo ông Hiền, để có thể kịp thời tổ chức theo phương án trên, hiện phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lên kế hoạch thực hiện đề án, nhưng kế hoạch này có thể triển khai trên thực tế hay không còn chờ quyết định của UBND tỉnh Cà Mau.
Trong khi đó, ở địa phương lân cận, tỉnh Kiên Giang, ông Lê Quang Đà - phó Phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh - cho biết sắp tới cần thành lập tổ hợp tác hay HTX tập hợp người dân tại địa phương để nuôi trồng... Khi có tổ chức thì việc gìn giữ cũng thuận tiện hơn vì số lượng người đông nên việc ngăn chặn người dân khai thác trái phép cũng dễ. Còn các hộ đơn lẻ khi bị hàng trăm người xâm nhập khai thác trái phép thì khó ngăn cản.
Mặt khác, các tổ hợp tác hay HTX có thể góp vốn bằng tiền hoặc bằng công vì vậy những người nghèo góp sức bằng cách trông giữ khu vực nuôi trồng. Khi người nghèo có công ăn việc làm thì áp lực xâm phạm trái phép những nơi mặt nước biển đã cho thuê cũng giảm.
“Tháng 5 tới đây sẽ thành lập đoàn kiểm tra tình hình cho thuê mặt nước biển để đánh giá hiệu quả cũng như xem xét những vướng mắc nảy sinh trong việc giao cấp cho thuê mặt biển. Sau đó chúng tôi sẽ có những đánh giá, đề xuất giải quyết vướng mắc và đưa ra giải pháp. Mục tiêu là vừa khai thác hiệu quả mặt nước biển, vừa góp công cải thiện cuộc sống người dân” - ông Trần Chí Viễn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận