25/04/2012 10:30 GMT+7

Trở lại "xóm nghêu tặc"

ĐÔNG TRIỀU - CHÍ QUỐC
ĐÔNG TRIỀU - CHÍ QUỐC

TT - Mùa nghêu năm 2011, hàng trăm hộ dân thuộc ấp Kinh Đào Tây, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã tham gia cướp nghêu ở các hợp tác xã (HTX) ven biển và chính quyền đã huy động các lực lượng ngăn chặn.

Kỳ 1: Bãi sò dậy sóng Kỳ 2: Chủ bầu và “sò tặc”

xKSzbDlB.jpgPhóng to

Ông Phan Văn Cấm (bìa trái) và những người con kể chuyện “xóm nghêu tặc” - Ảnh: Đông Triều

Xung đột không chỉ từ lợi ích giữa những người khai thác nghêu với nhau mà còn với chính quyền do cách quản lý, phân chia nguồn lợi chưa hợp lý. Và cũng từ đó cư dân ở đó được gọi là “nghêu tặc”, xóm Kinh Đào Tây cũng được ghép cho cái tên là “xóm nghêu tặc”.

Không cục đất chọi chim

Xóm nghèo Kinh Đào Tây tựa lưng vạt rừng phòng hộ thuộc vườn quốc gia Mũi Cà Mau, mặt trước là con sông Rạch Tàu ăn thông ra biển. Năm 2011 nông dân nghèo ở đây được gắn cho cái tên “nghêu tặc”. Chỉ tay về khu nhà xập xệ của xóm mình, phó ấp Kinh Đào Tây Phan Văn Dũng cho biết toàn ấp có 195 hộ nhưng không ai có đất canh tác (chỉ có đất ở), chủ yếu làm thuê làm mướn mưu sinh. Phần lớn người ở đây là dân địa phương. Hiện ấp còn 54 hộ nghèo và cận nghèo.

Thấy người lạ chụp hình mấy căn nhà lá rách bươm, vài chỗ được chắp vá tạm bằng những tấm bạt cao su sọc xanh... trẻ con trong xóm túm tụm ra xem, thanh niên trai tráng trong xóm cũng tò mò tới đông, nét mặt ai cũng hiền lành...

Nghe tiếng ho sù sụ, chúng tôi quay người lại thấy một cụ ông ngoắc tay, giọng nhỏ nhẹ: “Chụp hình xong chưa, vô đây làm tí nước cho mát...”. Cụ tên là Phan Văn Cấm, năm nay 73 tuổi, là một trong số những người gắn bó lâu năm ở xóm chài Kinh Đào Tây. Ông đang sống nương nhờ người con trai út tên Phan Vũ Phương-chuyên hành nghề đăng, bắt con giống thủy sản ven biển trong căn nhà thuộc diện 167 trị giá 20 triệu đồng mà trong đó gia đình ông phải đi vay để góp 7,8 triệu đồng đến nay còn mang nợ. Từ đời cha tới đời con, cha con ông Cấm đều sống ở làng chài này và gắn đời mình với rừng và biển.

"Họ gọi xóm tôi là “xóm nghêu tặc” cũng chẳng có gì sai bởi dân xóm tôi có “làm tặc” thiệt, nhưng chỉ trộm cắp tài nguyên của biển ban tặng chứ chẳng rớ tới tài sản của riêng người nào"

Phó ấp Kinh Đào Tây Phan Văn Dũng

Mùa nghêu năm ngoái, anh Phương vay Hội phụ nữ xã được 5 triệu đồng và đã đem 3 triệu đồng trong số này hùn vốn vào HTX Kinh Đào Tây và cụt vốn do nghêu mùa rồi bị chết. Tiền vay chưa trả được, còn phải trả tiền lãi hằng tháng 32.000 đồng.

Đây là số tiền khá lớn đối với những hộ chỉ biết sống bằng nghề hái lượm như anh Phương. Anh ngao ngán: “5 triệu đồng vay coi như mất trắng rồi, năm nay có kêu góp vốn nữa cũng không có tiền đâu mà góp”. Trước đó bốn năm anh Phương làm bạn tàu (đi làm thuê trên ghe biển). Làm nghề này bấp bênh, anh chuyển sang bắt ốc, ba khía, giăng lưới kiếm sống hằng ngày.

Vì sao người dân ở đây phải đi cướp nghêu như vậy? Ông Nguyễn Văn Khởi (42 tuổi) - người dân thuộc “xóm nghêu tặc” Kinh Đào Tây - thật tình: “Họ rào lại 3 - 4 cây số từ mép rừng ra, rào tới lạch (vùng nước sâu) chúng tui còn gì mà cào nữa”.

Khi được hỏi năm nay nếu tình trạng cũ tái diễn, ông có dám đi cướp nghêu nữa không, ông thẳng thắn: “Cướp thì không dám nữa đâu nhưng nếu vậy thì dân ở đây sẽ đói lắm đấy và sẽ bỏ xứ đi nhiều cho mà coi”.

Theo ông Phan Văn Dũng, cuối năm ngoái tới nay đã có khoảng 20 hộ bỏ xứ đi Sài Gòn, Bình Dương... làm thuê, cũng gần trở về vì sắp tới mùa nghêu giống.

Mịt mù tương lai

Khi đất nước hòa bình, ông Đỗ Văn Thảo (71 tuổi) dắt díu vợ con từ xã Trí Phải (huyện Thới Bình, Cà Mau) xuống miền biển Đất Mũi sinh sống, che chòi cặp mé sông Cái Tàu để trú nắng che mưa. Những ngày đầu tới định cư vùng đất mới, tuy không có đất canh tác nhưng nhờ rừng nhiều sản vật, biển nhiều cá tôm... nên việc kiếm cái ăn qua ngày vô cùng dễ dàng.

Ông Thảo kể: “Ngày trước chỉ cần ra cặp mé biển giăng vài tay lưới là đầy giỏ cá. Còn trong mé rừng phòng hộ thì sản vật nhiều vô số kể: ốc len, sò huyết, vọp... chịu khó đi lượm chừng một tiếng là đầy thùng, mang về đổi gạo ăn không hết. Dễ sống như vậy nên dòng người di cư đến ngày một đông, rồi sanh con đàn cháu đống ngày một nhiều, gây áp lực lên tài nguyên rừng biển khiến nó ngày càng cạn kiệt”.

Không đất canh tác, con đông nhà nghèo, năm người con của ông Thảo, duy nhất có chị Đỗ Thị Mao là học hết lớp 2 (đã bỏ nhà đi làm thuê ở Sài Gòn), còn lại không người nào biết chữ. Cuộc sống gia đình ông Thảo càng khó khăn nhiều hơn khi những năm gần đây, nghề khai thác cạn bị cấm, số lần ghe của ông neo đậu ở nhà diễn ra thường xuyên hơn.

Bà Võ Thị Lùn - vợ ông Thảo - than vãn: “Có những hôm tụi nhỏ đi làm thuê không đủ ăn, ổng liều mạng chạy ghe ra biển khai thác. Cũng may không gặp cán bộ kiểm ngư, nếu không hổng biết lấy tiền đâu mà đóng phạt”.

Trừ hai người con gái đã có gia đình riêng, người đi làm thuê ở Sài Gòn, hai con trai ông Thảo là Đỗ Út Lớn (21 tuổi) và Đỗ Út Nhỏ (19 tuổi) lại nối gót việc làm của ông như ngày đầu ông mới qua vùng đất Kinh Đào Tây lập nghiệp. May mắn thay khi những năm gần đây, bãi cát Khai Long xuất hiện nhiều nghêu giống, Út Lớn và Út Nhỏ có thêm nguồn thu ổn định trong vài tháng từ việc cào nghêu giống ngoài thời gian đi làm mướn thời vụ. Vận may không được lâu thì tai họa ập đến, cả hai sắp đối mặt với cảnh tù tội...

Gần cuối mùa nghêu giống 2011 (đầu tháng 9-2011), Út Lớn và Út Nhỏ hòa cùng dòng người đi cào nghêu giống ở bãi Khai Long (xã Đất Mũi). Gần tới cửa biển Vàm Xoáy, một trong số những xuồng cào nghêu trong đoàn do anh Nguyễn Chí Linh điều khiển chạy mất an ninh trật tự nên bị tổ tuần tra của Công an huyện Ngọc Hiển ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ. Phương tiện này không dừng mà còn chống đối lực lượng chức năng.

Thấy đồng đội bị “ăn hiếp”, dòng người cào nghêu giống khoảng 30 phương tiện (trong đó có xuồng của Út Lớn và Út Nhỏ) quay ngược xuồng chạy tông thẳng về hướng những người đang làm nhiệm vụ trên canô. Út Lớn, Út Nhỏ dùng vợt cào nghêu, gậy gỗ tấn công tổ tuần tra nên bị bắt, sau đó bị truy tố về cùng tội danh “chống người thi hành công vụ”.

Hai người con trai trụ cột gia đình sắp đi tù, coi như gánh nặng gia đình cùng với con dâu Lê Cẩm Tiên (vợ Út Lớn) đang mang bầu đè nặng lên đôi vai người đàn ông 71 tuổi. Chị Tiên cũng bùi ngùi: “Mai mốt ảnh đi tù, mẹ con em không biết xoay xở thế nào, cái tên cho thằng nhỏ cũng không biết đặt vì em mù chữ”. Còn ông Lê Văn Bon (anh rể Út Lớn và Út Nhỏ) cho biết đang kháng cáo tòa phúc thẩm mong giảm nhẹ tội cho Út Lớn và Út Nhỏ vì hai đứa em vợ không biết chữ, không hiểu luật pháp và việc cướp nghêu, chống người thi hành công vụ cũng chỉ là “làm đại vì cuộc sống quá bức bách”.

Cơn mưa chiều trút xuống xóm nghèo Kinh Đào Tây nhưng ướt xém nhà ông Thảo. Chị Tiên ngồi co ro phía sau buồng, nhìn cái bụng ngày một to mà nước mắt lưng tròng bởi sắp xa chồng...

________________

Cơ quan chức năng đang có những động thái gì để ngư dân nghèo ven biển Tây phát triển nghề nuôi nghêu, sò?

Kỳ tới: Nguồn lợi từ biển: cho ai?

ĐÔNG TRIỀU - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên