Quán cà phê vỉa hè cạnh Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (TP.HCM) một chiều tháng 3, chúng tôi gặp anh Huy Hoàng (34 tuổi) mồ hôi lã chã, khuôn mặt phờ phạc. Đôi giày jogger dưới chân anh còn nguyên những vết bụi xi măng đã khô lại đúng kiểu của dân xây dựng.
Nghỉ thẳng hoặc chờ việc
Qua bắt chuyện, anh Hoàng cho biết là kỹ sư xây dựng tại một tập đoàn xây dựng có tiếng trong nước đã hơn 10 năm nay. Nhưng từ cuối 2022, anh gặp khó khi các dự án luôn trong tình trạng ì ạch, lượng công việc cũng mỗi ngày một ít lại. Nản chí, nhiều kỹ sư như anh đã bỏ việc.
"Một số anh em ít vướng bận đã xin nghỉ, mà không nghỉ nhưng tình trạng cứ luẩn quẩn vậy cũng nản rồi tự nghỉ hoặc công ty đuổi thôi. Tôi "cố đấm ăn xôi" vì sau mình còn có gia đình phải lo nhưng cũng không chịu nổi nữa rồi" - anh Hoàng chia sẻ.
Theo anh Hoàng, cố gắng bám trụ với công ty để hưởng khoản tiền thưởng cũng được gần 8 triệu đồng, rồi hy vọng khó khăn sẽ qua đi, các dự án sẽ tái khởi động. Nhưng hồi trước kỳ nghỉ Tết (đầu tháng 1-2023), công ty đột ngột gửi đi một thông báo cho toàn thể nhóm kỹ sư.
Công ty gặp khó, các dự án sẽ khó để chạy lại và các kỹ sư buộc lòng phải đặt bút ký vào thỏa thuận, hoặc thôi việc nghỉ thẳng, hoặc chờ cho đến khi nào có việc công ty sẽ gọi.
Một lần nữa, anh Hoàng quyết sẽ bám trụ. Dù không đi làm nhưng nhóm chấp nhận ở lại chờ việc vẫn nhận được phần lương cơ bản trong ba tháng, khoảng 6 - 12 triệu đồng/người tùy vị trí.
Tuy nhiên, đã bước sang tháng cuối trong kỳ chờ việc nhưng tình hình nghe ngóng chỉ càng xấu đi, không có bất kỳ dự báo nào về ngày đi làm trở lại, cả lời hẹn nếu có cũng phải sau kỳ nghỉ lễ 30-4. Khoản phụ cấp lương thời gian nghỉ chờ việc dè sẻn lắm vẫn không đủ chi tiêu cho cả nhà.
"Đang đợi công ty trả lời, nếu thông báo là vẫn phải đợi thêm thì tôi sẽ nghỉ", anh Hoàng cho biết.
Tình thế bắt buộc, anh tạm xin vào một công xưởng trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc làm lao động thời vụ. Từ kỹ sư giám sát công trình xây dựng có những dự án tính bằng ngàn tỉ đồng bỗng quay qua chân bốc vác, anh Hoàng ngậm ngùi giấu nhẹm tấm bằng kỹ sư vì "phải xoay xở, cả nhà phải có cái ăn trước đã, tự hào gì mà khoe".
"Rải thảm" đơn tìm việc
Không có dự án, rồi có dự án nhưng phải "đắp chiếu" vì đối tác thiếu kinh phí... những câu chuyện không dễ nuốt mà ngành xây dựng đang phải đối diện. Ở một công ty xây dựng khác, kỹ sư trẻ Lê Văn Nhân (TP Thủ Đức) cũng đau đầu buộc phải lựa chọn giữa việc đi hay "nằm vùng"... chờ việc.
Vốn là người không thích ngồi một chỗ, lại mới 28 tuổi, còn đang tràn đầy nhiệt huyết với nghề, Nhân chọn nghỉ việc. Nhưng đắng cay chỉ mới thực sự bắt đầu vì tình cảnh khó khăn chung của ngành, đi đâu cũng vậy.
Chưa kể với công việc đòi hỏi nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm như xây dựng, Nhân chỉ được xem như "lính mới vào nghề" dù đã có gần 5 năm kinh nghiệm đứng công trình. Thế nên hành trình tìm bến đỗ mới của anh bạn trẻ gặp vô vàn sóng gió.
Thôi thì tự tạo cơ hội cho mình, Nhân buộc lòng phải "rải thảm" đơn tìm việc khắp nơi, hễ cứ thấy đâu dính dáng đến ngành xây dựng dù biết cũng không dễ xơi. "Kể chỉ thêm buồn vì ăn học 5 năm trời, kinh nghiệm làm 5 năm nhưng gặp thế khó cũng thất nghiệp như thường", Nhân cười buồn.
Sau 19 bộ hồ sơ xin việc được gửi đi, cả online lẫn trực tiếp tìm đến các công ty xây dựng có thông tin về tuyển dụng, Nhân nhận lại bốn email nhưng cũng chỉ là hứa hẹn "sẽ lưu hồ sơ và liên hệ ngay khi công ty có dự án mới". Số còn lại không phản hồi hoặc kiểu phản hồi cho có "đã nhận được hồ sơ".
Thất nghiệp, có những kỹ sư, quản lý công trình xây dựng cũng phải chạy vạy đủ đường kiếm sống. Có người thậm chí đã ngậm ngùi giấu nhẹm bằng cấp, trình độ vì công việc mới không yêu cầu.
Khó khăn đủ điều
Ngay câu đầu tiên khi chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Lĩnh - giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật xây dựng An Phú Thịnh - nói liền hiện ngành xây dựng đang khó khăn đủ điều.
Theo ông, ngọn nguồn vấn đề gây nên "làn sóng" với ngành xây dựng bắt đầu từ việc ngân hàng tăng lãi suất vay vốn. Mức lãi suất hiện tại khiến các doanh nghiệp xây dựng khó mà gồng gánh, ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh.
Mặt khác, tính thanh khoản của thị trường quá thấp trong khi lãi suất vay quá cao khiến các chủ đầu tư... đói vốn. "Bây giờ vay lãi từ 15 - 17% trong khi lợi nhuận chỉ đạt từ 5 - 6%, bài toán kinh tế không thỏa đáng nên bắt buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, ngưng dự án", ông Lĩnh nói.
Hiện có không ít đơn vị xây dựng buộc phải cắt giảm tới 90% nhân sự. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang trạng thái "ngủ đông" từ trước Tết Nguyên đán và dự kiến kéo dài tới sau 30-4 năm nay nhưng vẫn chưa biết "có thể đi làm hay tiếp tục ngủ đông".
Nhưng dù dự án có "đắp chiếu", doanh nghiệp có "ngủ đông", theo giám đốc của An Phú Thịnh, các đơn vị vẫn phải duy trì bộ máy, các bộ phận liên quan từ bảo vệ công trình đến bảo trì hệ thống (phòng cháy chữa cháy, điện, nước, máy móc, vận thăng)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận