Cộng đồng người Việt ở Úc trình diễn văn nghệ mừng Tết Nguyên đán - Ảnh cắt từ clip
Người Việt ở Úc khá may mắn so với nhiều nước khác đang không có cơ hội đón Tết do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tết năm ngoái khi dịch bệnh mới bùng phát thì chưa kịp gây ảnh hưởng đến Úc nên mọi người vẫn đón Tết vui vẻ.
Năm nay, trong khi nhiều nước đang phải đối phó với dịch bệnh bùng phát trở lại thì tình hình dịch bệnh ở Úc tương đối tạm ổn. Do múi giờ đi sớm nên lúc này người châu Á ở Úc nói chung và người Việt nói riêng đã bắt đầu bước vào thời khắc giao thừa của Tết Nguyên đán.
Nhắc lại, thời gian vào khoảng giữa năm ngoái, chính phủ tiểu bang Victoria phải ra lệnh giới nghiêm và lockdown nhiều tháng liền với những mức phạt khá nghiêm khắc, nên cũng nhờ vậy hiện tại ở Melbourne chỉ có 2 ca dương tính mới được phát hiện gần đây sau hơn một tháng không có ca nào.
Tuy tình hình dịch bệnh có vẻ đã được kiểm soát khá tốt và các luật lệ phòng tránh dịch đã được nới lỏng, người dân cũng nhộn nhịp mua sắm chuẩn bị đón Tết, nhưng không khí Tết năm nay cũng giảm hẳn đi sự "xôm tụ" so với mọi năm.
Những năm trước đây, mỗi cuối tuần từ trước Tết Nguyên đán, cộng đồng người Việt ở Melbourne đều tổ chức hội chợ Tết kéo dài luân phiên từng vùng từ Đông sang Tây. Năm nay, việc tổ chức hội chợ Tết cho cộng đồng cũng có nhiều khác biệt, tùy theo luật lệ của mỗi vùng miền và tiểu bang.
Như ở Sydney (thuộc tiểu bang New South Wales), là thành phố có đông người Việt nhất ở Úc, tuy không tổ chức hội chợ Tết với quy mô lớn như mọi năm nhưng vẫn tổ chức đón Tết cho cộng đồng với hình thức thu nhỏ. Mọi người đến tham dự cũng được yêu cầu phải tuân thủ luật lệ phòng tránh dịch.
Khu chợ người Việt ở Melbourne. Tết đến cũng thấy giỏ quà, trái cây dành cho mâm cúng - Ảnh: ANH ĐÀI
Tại Melbourne, nơi có đông người Việt thứ hai ở Úc, hội đồng một số thành phố cũng tổ chức Tết âm lịch cho cộng đồng nhưng là tổ chức… online, cảnh được quay sẵn và đưa lên YouTube để mọi người có thể cảm nhận chút "mùi Tết".
"Đón Tết online" cũng có những lời chúc Tết, cũng có múa lân - sư - rồng, cũng ca hát múa nhộn nhịp, cảnh cũng được quay tại những khu vực thường được tổ chức hội chợ Tết trước đây nhưng thiếu hẳn những gian hàng ẩm thực vốn dĩ là "linh hồn" của các hội chợ Tết.
Chợ năm nay cũng vẫn có lắm bánh mứt và đầy sắc hoa nhưng không được nhiều như mọi năm. Ra chợ ngày giáp Tết thấy hoa layơn đỏ bán khá chạy, buổi sáng còn bán 20 đô Úc/ bó 10 bông thì cuối ngày giảm xuống chỉ còn 10 đô.
Gặp chị Xuân Đào, chủ một salon tóc, dù đang khá bận rộn với công việc vào những ngày giáp Tết, chị cũng tất bật đi mua trái cây bánh mứt biếu tặng người này người nọ, chị cười vừa bước đi vừa trả lời vội "Kệ, cho có chút không khí Tết cho vui, chớ năm nay chắc cũng không làm gì nhiều đâu!".
Nói "không có gì nhiều" chớ với các loại trái cây chị tặng cho một người cũng đủ làm một mâm ngũ quả với đủ các loại dưa hấu, thơm, bưởi, xoài...
Múa lân của người Úc gốc Việt - Ảnh cắt từ clip
Cũng như chị Đào, tôi cũng nghĩ Tết sẽ không làm gì, nhưng rồi cũng ra chợ khuân bao nếp bao đậu cùng thịt thà về gói bánh chưng cho có chút hương vị Tết cho "giống với người ta".
Chợ năm nay không có lá dong nên tôi mua lá tre thay thế. Lá tre người ta phơi khô đóng gói bán với giá chỉ 5 đô Úc một gói nửa ký. Một gói lá tre như thế có thể gói được 5-7 ký nếp, trong khi lá chuối bán gần 15 đô mỗi ký lá tươi mà lá lại hay bị gãy, còn lá tre đem về ngâm chút nước lạnh cho mềm là có thể gói dễ dàng tuy rằng bản lá hơi nhỏ khó gói hơn lá dong.
Tôi không có khung gỗ mà người ta thường dùng để gói bánh chưng nên tận dụng luôn bất cứ vật dụng gì hình vuông có sẵn trong nhà, từ hộp nhựa đựng thức ăn đến cả kệ nhỏ đựng bút viết, cứ cái nào vuông vuông thì cứ lấy ra mà dùng, gói bánh chưng đủ kích đủ cỡ.
Gói chán bánh chưng, dư chút nếp chút đậu thì gói luôn bánh ú, gói xong có khi không ra hình bánh ú mà ra hình giống cái lu, kể cũng thú vị.
Bánh chưng gói bằng lá tre - Ảnh: ANH ĐÀI
Người ta nói nấu nồi bánh chưng là để tập tính kiên nhẫn vì phải ngồi canh nồi bánh cả đêm. Không phải là tôi không đủ sự kiên nhẫn mà vì công việc vẫn phải đi làm đều nên nấu theo kiểu nhanh gọn lẹ, bỏ bánh vào nồi "Instant Pot" - một loại nồi áp suất đa chức năng, nấu chỉ khoảng một tiếng đồng hồ là được chừng 4 cái bánh loại nhỏ, nấu nhanh nhưng hạt nếp vẫn dẻo và ngon. Vậy thôi, mà vui!
Mặc dù chính phủ tiểu bang Victoria vẫn cho phép tụ họp với một số hạn chế như họp mặt trong gia đình không quá 15 người/ngày và tụ họp ngoài trời không được quá 100 người, nhưng đa số vẫn còn chút dè dặt và thận trọng khi thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn chưa yên và vẫn có khả năng bùng phát.
Một số người thì dường như cũng đã quá quen và thích ứng với việc ở trong nhà trong thời gian lockdown nên không còn "ham muốn" việc hội họp hay ra ngoài vui chơi nhiều nữa. Sau một năm đối phó với dịch bệnh, Tết năm nay tuy bớt nhộn nhịp và có vẻ "trầm lắng" hơn nhưng dường như có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Ngẫm ra, nhu cầu con người thực ra cũng rất đơn giản. Sau một năm không du lịch, bớt ăn ngon mặc đẹp, bớt tụ tập ăn chơi nên cũng bớt bon chen, bớt sân si, tập tiết kiệm, biết chia sẻ và đồng cảm nhiều hơn với tình hình chung, cũng như biết quý sức khỏe và trân quý những gì đang có…
Nên, về mặt nào đó, nếu không tính tới việc lo ngại vì dịch bệnh thì cái Tết Tân Sửu ở Úc tuy không nhộn nhịp như mọi năm nhưng "hiền lành" hơn, như con trâu cần cù làm việc quanh năm mà không đòi hỏi gì cho riêng mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận