Hành trình tìm anh
Ảnh thờ "liệt sĩ" Phạm Tuấn Hanh suốt 36 năm
"Mẹ tôi mất sớm. Bố đi bước nữa. Cô em út về ở với bố. Nhà chỉ còn tôi và Hanh, hai anh em rau cháo nuôi nhau.
Tôi đi thanh niên xung phong từ tháng 7-1965. Hanh thì học trung cấp cơ điện Thái Nguyên, ra trường làm trợ giáo. Đến năm 1972, cậu ấy viết thư bằng máu xin vào bộ đội để đi trả thù cho hai chú đã hi sinh.
Em tôi nhập ngũ tháng 9-1972, huấn luyện ở Bắc Thái (Thái Nguyên bây giờ), là lính của sư đoàn 304B rồi đi Nam, vô Tây Nguyên.
Khi nhận giấy báo tử của em trai tôi, nhà tôi thành ra ba liệt sĩ vì đã có hai chú ruột là liệt sĩ thời chống Mỹ.
Tôi ở thanh niên xung phong ba năm rồi vào bộ đội, đi chiến trường Quảng Trị từ tháng 11-1971. Năm 1982 ra quân.
Các cụ lại cho một giấc mơ nữa, bảo đi ra Chợ Lớn ở Trà Vinh mà tìm
Bà Phạm Thị Bình
Tôi về để hương khói cho mẹ và cho Hanh" - ông Phạm Văn Xíu (71 tuổi) kể.Chẳng ai ngờ đằng đẵng 36 năm sau ngày nhận giấy báo tử, cuối tháng 4-2011, em trai ông Xíu đã được chính em gái ông tìm thấy và đưa về quê hương đoàn tụ.
Đó là một hành trình vô cùng gian truân của người em gái út, bà Phạm Thị Bình, hiện sống ở Lâm Hà (Lâm Đồng). Bà chuyển vào đây ở cũng để tiện việc tìm kiếm anh trai.
Dựa vào thông tin là Bộ liên lạc 4B trong lá thư duy nhất ông Hanh gửi về từ khi nhập ngũ và những nơi đơn vị từng đóng quân do một đồng đội cũ của ông cung cấp, trong 20 năm cô em út đã nhiều lần lặn lội đến Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu... để tìm vết tích anh mình.
Những giấc mơ
"Đầu tháng 2-2011, sau lần đi Vũng Tàu, tôi nằm mơ thấy các cụ bảo anh Hanh còn sống ở chỗ gì có chữ Cú ấy. Tôi nhờ con lên mạng tra xem có nơi nào có tên Cú không thì nó bảo chỉ có huyện Trà Cú ở Trà Vinh.
Bà Bình liền dò hỏi manh mối rồi đến xã Tập Sơn (Trà Cú, Trà Vinh) tìm kiếm. Khi đưa ảnh ông Hanh, một cụ già 80 tuổi bảo người này ở đây mấy chục năm nay không thấy ai tìm mà bây giờ lại đi tìm.
Nghe vậy, bà dò la hỏi được số điện thoại nhưng khi điện đến thì nghe giọng miền Nam. "Tôi thất vọng quá nên quay về Lâm Đồng" - bà Bình nói.
Một tháng sau, bà Bình quyết định quay lại Trà Vinh. Bà kể: "Các cụ lại cho một giấc mơ nữa, bảo đi ra Chợ Lớn ở Trà Vinh mà tìm nhưng tôi tìm khắp chợ không thấy nên thuê xe ôm về lại xã Tập Sơn.
Ông xe ôm nhìn ảnh anh Hanh nói đã chở anh nhiều lần, rồi tìm được số điện thoại nơi ông Hanh ở. Nơi đây bảo ông Hanh đã lên Đà Lạt làm thuê. Bà Bình lập tức đón xe lên Đà Lạt.
Sau khi mất nhiều công sức dò tìm, một người bỏ mối hoa bảo: "Cứ đến xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, hỏi ông Tứ Quý.
Tới nơi, tôi nhìn thấy một ông cụ lụ khụ, già, lưng còng, răng rụng. Tôi không nhận ra đó là anh mình vì trong trí nhớ của tôi anh cao to đẹp trai, khỏe mạnh. Tôi hỏi thì ông ấy nói không có anh em nào. Tôi nản quá nói với người bạn đi cùng: "Không phải anh tao rồi mày ạ, đi về thôi".
Bạn tôi nói: "Chị nhìn lại gót chân xem". Tôi nhìn thì thấy giống gót chân mình. Chúng tôi liền dụ ông ấy đi uống cà phê rồi đưa vô Bệnh viện Đa khoa Đà Lạt xét nghiệm máu.
Kết quả ông ấy máu O, cùng nhóm máu gia đình tôi. Về đến nhà ở Lâm Hà, con tôi chụp ảnh ông ấy rồi bắn điện thoại về Bắc. Họ hàng tập trung ở nhà anh cả, bảo đúng thằng Hanh rồi.
"Ngoài Bắc gọi vào bảo nếu có sẹo ở sau gáy và ở mé má sau vành tai là đúng, đưa về ngay. Con tôi vạch ra thấy đúng vậy.
Một hôm ở nhà tôi, trong khi cuốc cỏ ông ấy reo ầm lên nói với con tôi: "Tao nhớ ra rồi! Mẹ mày là em gái tao. Anh trai tao là Xíu". Tôi mừng quá, ra chợ mua hai bộ quần áo mới cho anh rồi đưa anh về Hải Dương".
Giấy báo tử của ông Phạm Tuấn Hanh
Liệt sĩ 36 năm... sống lại
Đó là một ngày đặc biệt, ngày 4-5-2011. Vừa về đến nhà, họ hàng đã tập trung ở nhà ông Xíu chờ.
Bà Phạm Thị Bình nhớ lại: "Lúc thấy anh ấy, họ hàng khóc như ri. Anh ấy vẫn còn tỉnh táo, xin phép ông bà, các bác thắp hương ông bà, bố mẹ. Anh ấy không nhận ra ai, trừ mỗi con em họ tên Tí Gầy. Mọi người sướng vỗ tay".
"Tìm được anh ấy cứ như giấc mơ - bà Bình tâm sự - Nếu không kiên trì thì chắc không bao giờ tìm được anh ấy. Hành trình đó nhiều gian nan, tủi cực lắm. Đêm thức trắng.
Nhiều lúc đi xuyên trưa, không ăn uống, ngủ nghỉ. Cứ dành được ít tiền lại đi. Việc đi tìm anh mênh mang, mơ hồ lắm. Gần 20 năm tôi ôm ảnh anh đi tìm. Mà là tìm hài cốt.
Năm 2006, bố tôi mất. Trước khi nhắm mắt, ông trăng trối tìm anh tôi về cho bằng được". Và cô con gái út đã làm được điều mà họ hàng cho là viển vông.
Sau 36 năm là liệt sĩ, ông Phạm Tuấn Hanh trở về, chỉ có hai bộ quần áo em gái mua cho, không tiền bạc và đau lòng nhất là thần trí không được bình thường. Ký ức về tuổi thơ, gia đình, họ hàng và những năm tháng đi chiến đấu đã bị xóa sạch.
Bà Bình kể: "Có lần nhớ ra, anh ấy kể anh và ba đồng đội đến một nơi giấu giấy tờ, tài liệu để quân mình đến lấy thì bị phục kích, địch bắn chết ba người kia. Anh bị thương, được một người dân tộc thiểu số mang về rẫy chữa thương, chăm sóc.
Bốn năm sau người ấy chết. Anh tôi không ở rẫy nữa, đi lang bạt, gặp ai làm thuê cho người đó. Anh ấy không biết mình tên gì nên người ta gọi là ông Ba "Bắc Kỳ".
Ông Xíu và khung ảnh của em trai - Ảnh: My Lăng
Ác mộng hành hạ
Một thời gian sau khi về Hải Dương, ông Hanh phát bệnh nặng hơn, hay đập phá và những giấc ngủ không bao giờ trọn vẹn bởi những cơn ác mộng về bom đạn, chết chóc.
Tháng 7-2011, ông Hanh trở nên mất kiểm soát. Ông Xíu đành lòng đưa em trai đến bệnh viện tâm thần tỉnh rồi chuyển sang Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công.
Năm nay 68 tuổi, không vợ con, không tài sản. Giám định, ông Hanh mất sức lao động 81%, được hưởng mức trợ cấp chất độc da cam loại 1.
>> Kỳ tới: Đêm về nói tiếng Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận