Chương trình Nhịp thở quê hương trao máy thở cho nhiều bệnh viện tại TP.HCM và sở y tế các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Phước - Ảnh: NTQH
Bắt đầu từ hoạt động viện trợ thiết bị y tế và nhu yếu phẩm cho người dân nằm trong tâm dịch của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, nhóm Chung tay vì Việt Nam được thành lập bởi những trí thức người Việt ở Mỹ đã dần mở rộng khi liên tục nhận được ủng hộ từ người dân trong cũng như ngoài nước.
"Đáng nhớ nhất với tôi là ở chiến dịch "10.000 liều vaccine". Ở đó nhóm có tổ chức một chương trình thi tài năng cho trẻ em trên khắp mọi nơi trên thế giới.
Có nhiều em tham gia dự thi gây quỹ, gửi tranh đấu giá và tiết kiệm những khoản tiền nhỏ để có thể đóng góp, chứng minh rằng tấm lòng thật sự không hề phân biệt tuổi tác và cả địa lý" - chị Hằng Vũ, thành viên nhóm, chia sẻ.
Chỉ sau một thời gian ngắn, chương trình gây quỹ của nhóm Chung tay vì Việt Nam đã gây quỹ khoảng 100.000 USD, và 80.000 khẩu trang.
Trước đó, nhóm cũng đã chuyển hơn 16.500 khẩu trang N95 loại 3M 8210 về TP.HCM, góp phần bảo vệ lực lượng y tế tuyến đầu tại thành phố trong cuộc chiến chống COVID-19.
Sau khi được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) chuyển về Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài vào ngày 25-8, số khẩu trang nói trên đã được vận chuyển khẩn cấp vào TP.HCM ngay trong tối cùng ngày.
Hợp sức với Chung tay vì Việt Nam trong chiến dịch này chính là nhóm Stay Strong Saigon. Chị Tiffany Quỳnh Trần - thành viên Stay Strong Saigon, hiện đang sống ở Canada - chia sẻ rằng trong hai tháng đầu từ lúc thành lập, nhóm chỉ tổ chức hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ và kêu gọi hỗ trợ ở trang cá nhân.
Nhưng sau đó nhóm đã nhận được nhiều sự cổ vũ cũng như chung tay góp sức từ bạn bè và bắt đầu mở rộng chiến dịch giúp đỡ y bác sĩ tuyến đầu và những người dân khó khăn trong vùng bị cách ly.
"Nhóm bắt đầu từ việc thu thập và kiểm chứng thông tin từ những bệnh viện dã chiến, khu cách ly để lên kế hoạch gây quỹ giúp giải quyết các yêu cầu hỗ trợ. Trong đợt dịch lần này, do số lượng ca bệnh nặng tăng cao, việc kết nối các y bác sĩ tuyến đầu đến các bệnh viện, bệnh nhân cần họ trở nên khó khăn do cơ sở y tế đang quá tải.
Có giai đoạn nhóm phải trực chiến bên điện thoại lúc 1-2h sáng trao đổi với các y bác sĩ vì chỉ có khi đó mới gặp được họ. Lúc này, mọi người làm việc gần như 24/7 để có thể xác minh thông tin và kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình đang thiếu lương thực, thực phẩm ở những vùng cách ly", chị Tiffany bộc bạch.
Để có thể kết nối về Việt Nam, hầu hết các bạn trẻ đều làm việc từ xa. Nhưng làm việc từ xa trong hoạt động tổ chức gây quỹ và cứu trợ là không hề dễ dàng. Công nghệ chính là thứ giúp các nhóm vượt qua trở ngại về địa lý.
Anh Vũ Duy Thức, thành viên Stay Strong Saigon, chia sẻ: "Với các thành viên ở nhiều đất nước và múi giờ khác nhau, chúng tôi chia nhiệm vụ gây quỹ cũng như hỗ trợ trực tiếp hợp lý.
Về tương lai, nhiều công ty startup ở Việt Nam cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm đang chung tay cùng chúng tôi tạo nên một dự án mới, hiện đã huy động được 100.000 USD. Chúng tôi mong là khi dự án được bắt đầu sẽ giúp thêm được những mảnh đời khó khăn".
Nhắc đến cụm từ "Pay it forward" - Đáp đền tiếp nối, chị Tiffany Quỳnh Trần cho biết đó là mục tiêu ngay từ ngày đầu của Stay Strong Saigon.
Bước vào cuộc chiến COVID-19 cùng người dân trong nước với tinh thần tự nguyện, các thành viên không đòi hỏi đền đáp, chỉ có mong muốn lan truyền lòng tốt và niềm hy vọng.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận