18/07/2021 10:10 GMT+7

Người trẻ 'kéo' lịch sử lại gần

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Một tình yêu lan tỏa tự nhiên từ những câu chuyện được kể theo lối giản dị, hóm hỉnh với nhiều chi tiết đời thường, những dòng trạng thái được bình luận là "đỉnh", "chất", "mặn" trên fanpage Di tích lịch sử Hỏa Lò (Hà Nội)...

Người trẻ kéo lịch sử lại gần - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ đã ghé thăm di tích nhà tù Hỏa Lò bắt đầu từ sự yêu thích những câu chuyện lịch sử được lan tỏa - Ảnh: Nhóm Admin Di tích nhà tù Hỏa Lò cung cấp

Một tình yêu lan tỏa tự nhiên từ những câu chuyện được kể theo lối giản dị, hóm hỉnh với nhiều chi tiết đời thường, những dòng trạng thái được bình luận là "đỉnh", "chất", "mặn" trên fanpage Di tích lịch sử Hỏa Lò (Hà Nội) này có thể sẽ là gợi ý về cách những người trẻ tìm đến và yêu lịch sử.

Di tích này trước đây vốn chỉ thu hút người nước ngoài hoặc những thế hệ người Việt lớn tuổi đến tham quan. Nhưng khoảng hơn nửa năm trở lại đây, khá nhiều bạn trẻ ở độ tuổi cuối 8X, 9X, 10X đã đến đây nhiều lần.

Những content (nội dung) mang đậm chất trẻ

Di tích nhà tù Hỏa Lò trở nên thu hút khoảng nửa năm nay, có lẽ bắt đầu từ nhiều dòng trạng thái "gây sốt" trên fanpage của khu di tích này từ đầu năm 2021. Khó hiểu, phải động não một tí, rồi òa lên cảm xúc, bật cười thích thú là những trạng thái cảm xúc của nhiều bạn trẻ biểu lộ ở hàng ngàn bình luận.

Ví dụ, một trạng thái có nội dung "A B C D E F G [ thứ tôi yêu ] P Q R S T U V W X Y Z". Nhiều người bình luận "không hiểu gì luôn", nhưng rồi có những gợi mở, có những người khám phá ra và nhiều người khác vỡ lẽ.

Trong bảng chữ cái tiếng Anh, sau chữ cái G là chữ cái H và trước chữ cái P là chữ cái O, viết gọn lại là "H đến O" (H to O), cùng âm đọc với "H two O", trong hóa học H2O là ký hiệu của nước. Chính vì thế, chữ cái trong ngoặc thể hiện "thứ tôi yêu" chính là "nước" - dòng trạng thái thể hiện lòng yêu nước.

Một dòng trạng thái khác có nội dung ngắn gọn "Đó là nhịp tim của tôi" kèm theo hình ảnh dao động của nhịp tim bình thường được chú thích trước khi đến tham quan di tích và nhịp tim có hình lá cờ đỏ sao vàng được chú thích sau khi bước vào di tích lịch sử. Không thể không thiện cảm, tò mò về nơi này.

Hay một dòng trạng thái kiểu "chơi chữ" rất hóm hỉnh "Nếu fade là phai (mờ, nhạt) đi/ Thì tôi nhất định fảde (phải đi) Hỏa Lò khi hết dịch" đã nhận về lượt tương tác kinh khủng, hàng nghìn bình luận và lượt chia sẻ. Nhiều bình luận cho rằng đội ngũ admin đang sở hữu "vựa muối" và kết luận "phải đến Hỏa Lò".

Cách chọn hướng truyền thông mới mẻ này như gửi đi thông điệp từ chủ nhân của những dòng trạng thái: yêu nước, trân trọng giá trị truyền thống.

Điều đó được kết nối với người trẻ bằng cách vận dụng nhiều hình thái thể hiện gần gũi với đời sống giới trẻ. Vậy là chỉ riêng di tích Hỏa Lò, hơn nửa năm qua đã có rất nhiều bạn trẻ Hà Nội tìm đến để tham quan, tham gia tour trải nghiệm, thậm chí là để... check-in.

Nghĩ ra nhiều cách để lan tỏa lịch sử

Theo tìm hiểu, những cách kéo giới trẻ đến tìm hiểu lịch sử kể trên đến từ HistoTEA - tên gọi của chuyên mục kể chuyện lịch sử do nhóm admin Di tích nhà tù Hỏa Lò sáng tạo ra, dần dần phát triển thành group thu hút nhiều người cùng chia sẻ những câu chuyện lịch sử.

Từ đó, nhiều câu chuyện lịch sử được các admin lựa chọn, sưu tầm, kiểm tra tính xác thực của thông tin và viết lại theo cách dễ hiểu nhất, thu hút nhất hướng chủ yếu đến người đọc trẻ.

HistoTEA là chuyên mục kể các chuyện lịch sử thú vị từ những chuyện truyền miệng cho tới những chuyện được ghi chép qua nhiều nguồn sách, báo, tài liệu, sự kiện đa dạng và nhân vật lịch sử khác nhau.

Gần gũi, lan tỏa được cảm hứng cho người khác nhưng nhóm admin cũng đứng trước một thách thức là các câu chuyện lịch sử phải chuẩn xác về thông tin và được dẫn nguồn cụ thể.

Có những câu chuyện chọn điểm nhấn ở các chi tiết rất đời thường, cần xác minh rõ ràng từ các nhân chứng, từ thân nhân của các nhân vật lịch sử hoặc chính họ, dẫn nguồn từ các nghiên cứu khoa học đã được công nhận...

Vì vậy, nhiều câu chuyện lịch sử của HistoTEA chọn điểm nhấn là những chi tiết độc đáo, gợi tò mò cho người đọc, thậm chí gắn với thời sự đang diễn ra trong đời sống giới trẻ. Ví dụ như chuyện nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã lưu giữ những sợi tóc của người tù để kết làm dây đàn vĩ cầm trong hoàn cảnh lao tù.

Hay chuyện về ly cà phê của "quân ta" chuẩn bị khi đón tiếp viên phi công Mỹ bị bắn rơi máy bay làm cho phi công này ngỡ ngàng, xúc động vì sự lịch thiệp và nhân đạo, bao dung của người Việt Nam.

Mới đây, HistoTEA không chỉ giới hạn ở những bài viết của nhóm admin Hỏa Lò mà phát triển thành một group, mời gọi nhiều người cùng tham gia chia sẻ các câu chuyện lịch sử.

Đề tài của HistoTEA cũng không chỉ là các câu chuyện về danh nhân lịch sử, sự kiện lịch sử gắn với các cuộc đấu tranh gìn giữ hòa bình mà còn là lịch sử của những đồ vật, của một thành phố, lịch sử trong các lĩnh vực như mỹ thuật, thời trang, âm nhạc, ẩm thực.

Yêu cầu của group này là "tôn trọng lịch sử, có tinh thần xây dựng, tôn trọng chính mình và cộng đồng, không đả kích tôn giáo, giới tính, chủng tộc. Các tranh luận phải văn minh, có dẫn chứng xác thực".

Và tiêu chí này được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, thể hiện qua con số group đã có hơn 4.000 thành viên với những nội dung thu hút hàng ngàn lượt like và chia sẻ, thu hút rất nhiều bạn trẻ cùng tham gia viết.

Nhưng nhóm admin không dừng lại ở đó. Các bạn chia sẻ đang xây dựng các kênh phát thanh, kênh hình trên nền tảng Internet để chia sẻ các câu chuyện lịch sử sắp ra mắt. Kênh phát thanh này sẽ thu âm các câu chuyện lịch sử.

Các bạn trẻ cho biết họ cũng đang lên kế hoạch mở rộng tổ chức các tọa đàm mà khách mời là các nhân chứng lịch sử, các nhà sử học và người yêu lịch sử ở nhiều thế hệ.

Bạn trẻ bước đi, có người dìu dắt

Nhóm admin của fanpage Di tích nhà tù Hỏa Lò có ít thành viên, đều ở lứa tuổi giữa và cuối 9X. Các bạn không muốn nêu tên thật trên báo vì cho rằng họ là một nhóm thống nhất. Những ý tưởng, sản phẩm làm ra đều là thành quả của một đội nhóm có chung khát vọng lan tỏa những giá trị tích cực đến với người trẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, cho rằng các bạn trẻ tham gia biên soạn nội dung có tư duy hiện đại, có thế mạnh về công nghệ thông tin. "Nhưng điểm khiến chúng tôi lo lắng là có thể các bạn ấy "sung" quá, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên cần có sự cẩn trọng hơn.

Vì thế để dung hòa, chúng tôi đã phân công những cán bộ làm nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm thẩm định các bài viết để tư vấn, góp ý, giải đáp kiến thức lịch sử, hỗ trợ cho nhóm trẻ. Ngoài ra, các nhân chứng, các nhà khoa học cũng rất quan tâm đến Hỏa Lò, khi chúng tôi cần sự góp ý đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học" - bà Thủy nói.

Lịch sử được đến gần cuộc sống hơn

truy cam vao histotea 5(read-only)

Nhiều bạn trẻ xem HistoTEA là trang yêu thích và truy cập mỗi ngày - Ảnh: V.H.

"Mỗi con đường, một cuộc đời" là một dạng bài khá thú vị trên trang fanpage của di tích nhà tù Hỏa Lò. Ví dụ với mục con đường trừu tượng chính là con đường chúng ta gặp thường ngày trên bất kỳ một đường phố nào gắn với tên các danh nhân lịch sử. Họ là ai? Họ có một cuộc đời như thế nào?

Câu hỏi có thể tìm thấy ở đây. Điểm đặc biệt khiến những câu chuyện lịch sử trong HistoTEA là luôn tìm cách nào đó để kết nối với cuộc sống đương đại. Kết nối qua một tên phố, một địa chỉ, nhưng có khi kết nối qua sự kiện kỷ niệm như Ngày du lịch VN, Ngày báo chí VN, Ngày phụ nữ VN hay nhân một mùa thi đến với nhiều bạn trẻ.

Ví dụ chuyện "Vitamin lạc quan từ cuộc đời Nguyễn Trật" là cái tít bài rất hiện đại kể về vị quan của thời Hậu Lê. Tên là Trật nhưng đi thi thì "trúng không trượt phát nào", trở thành trường hợp khoa bảng hi hữu nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Đây là một bài viết lôi cuốn nhiều bạn trẻ đọc và bình luận vì quá liên quan tới mùa thi. Cứ thế, các câu chuyện trong HistoTEA thường được kết bằng một thông điệp, nhắn nhủ những người trẻ đừng quên quá khứ, hãy tự hào vì những gì cha ông đã làm được, đã đi qua. Một dạng "bài học lịch sử" nhưng không giáo điều, khô cứng mà giản dị, gần gũi.

Một thành viên của nhóm tâm sự rằng họ viết về những người đã làm nên lịch sử nhưng cũng muốn viết về những người sẽ làm nên lịch sử - chính là những người của ngày hôm nay. Và lịch sử không phải là điều nằm im trong quá khứ mà cần có sự tiếp nối.

'Việt Nam cố lên' qua những thông điệp từ người trẻ

TTO - Hoạt động vẽ tranh cổ vũ Việt Nam chiến đấu đại dịch được tổ chức trực tuyến, thu hút nhiều sinh viên tại Đại học Sài Gòn tham dự với các bức vẽ dễ thương, mang nhiều thông điệp ý nghĩa.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên