20/12/2015 12:58 GMT+7

Người phác họa chân dung sát thủ máu lạnh Trần Văn Điểm

HÀ MI
HÀ MI

TT - Với họa sĩ Thành, những người có thâm niên trong ngành công an đều biết đến ông. Chính ông trong nhiều năm qua đã góp phần cùng lực lượng công an phá hơn 50 vụ trọng án.

Chân dung phác họa và ảnh thật của Dũng “chim xanh” - Ảnh tư liệu
Chân dung phác họa và ảnh thật của Dũng “chim xanh” - Ảnh tư liệu

Sau vụ án “ma nhớt” Phó Văn Chính, họa sĩ Thành đã tham gia tích cực trong nhiều chuyên án đặc biệt, giúp công an chặn đứng được những băng cướp hung hãn. Đặc biệt là băng Dũng “chim xanh” từng gây ra không biết bao nhiêu tội ác với người dân lương thiện.

Đi tìm Dũng “chim xanh”

Hơn 15 năm trước, những người sống ở vùng đất Đông Nam bộ không thể nào quên những băng cướp hung hãn, cướp xe đường dài vào ban đêm hoành hành trên suốt các tuyến quốc lộ.

Băng cướp này thường chặn các chuyến xe đường dài, leo lên xe dùng súng khống chế nạn nhân rồi lột sạch nữ trang, tài sản.

Bọn chúng rất hung hãn và tàn ác, ai chống cự chúng sẵn sàng xả súng giết chết. Tất cả bọn chúng đều đeo khẩu trang hoặc bịt mặt nên rất khó nhận dạng.

Họa sĩ Thành nhớ lại: “Lúc đó anh Nguyễn Việt Thành - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - đã liên lạc và mời tôi phác họa chân dung để nhận dạng đặc điểm của băng cướp”.

Nhận lời, khoảng đầu năm 2001, họa sĩ Thành đã cùng với các điều tra viên của Bộ Công an, Công an Đồng Nai lặn lội đến nhiều tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Phú Yên... từng xảy ra án để gặp nạn nhân, nghe mô tả lại hình dáng.

Sau một thời gian trở về, ông dần dần phác thảo ra chân dung được cho là người cầm đầu băng cướp. Bức ảnh được chuyển đến các nạn nhân để nhận diện rồi chỉnh sửa.

Cuối cùng nhân chứng, bị hại đều có chung nhận định rằng bức ảnh do ông phác họa “na ná” tên cướp từng chặn xe gây ra nhiều vụ án trên các quốc lộ.

Từ bức ảnh và bằng biện pháp nghiệp vụ của công an, tháng 10-2001 người cầm đầu băng cướp táo tợn đã bị bắt.

Đó chính là Nguyễn Chí Dũng, còn gọi là Dũng “chim xanh”. Suốt quá trình khai thác các manh mối, lực lượng công an đã bắt thêm 13 đàn em của Dũng “chim xanh”. Trước khi bị tử hình, Dũng khai nhận đã cùng đàn em gây ra hơn 80 vụ án, trong đó có 25 vụ cướp.

Chân dung nghi phạm Trần Văn Điểm được sử dụng vào việc truy tìm - Ảnh tư liệu
Chân dung nghi phạm Trần Văn Điểm được sử dụng vào việc truy tìm - Ảnh tư liệu

Thận trọng để không gây oan sai

Mở hồ sơ lưu trữ, họa sĩ Thành cho chúng tôi xem chân dung tội phạm do ông phác họa đã được công an phá án thành công.

Đó không chỉ là “yêu râu xanh” Phó Văn Chính, Dũng “chim xanh” mà nhiều hung thủ cướp tiệm vàng, gây trọng án ở Kiên Giang, An Giang cũng bị sa lưới...

Nhưng ít ai biết để có những phác họa hoàn chỉnh, ông phải đi thu thập thông tin, nghe mô tả từng chi tiết nhỏ, rồi tỉ mỉ vẽ đi vẽ lại với nhiều “lát cắt” từ lời khai của nạn nhân trước khi chính thức công bố một gương mặt tội phạm hoàn chỉnh.

Nhớ cuối năm 2014, sau một cuộc hẹn, chúng tôi đến nhà ông. Vừa vào nhà, bà Nguyễn Thị Năm - vợ ông - cười cười nói: “Xe công an vừa đến chở ổng đi rồi!”.

Chúng tôi thầm nghĩ: “Vậy lại có án khó rồi!”. Thật không sai, bởi không lâu sau, khi gặp lại ông xác nhận: “Bữa đó có án mạng ở Quảng Ngãi. Hung thủ giấu mặt nên tôi đi cùng công an ra hiện trường, rồi thu thập thông tin để phác họa chân dung nó”.

Mãi gần đây chúng tôi mới biết lần đó ông đi phác họa chân dung của Trần Văn Điểm (28 tuổi, quê Hải Dương), nghi phạm gây ra hàng loạt vụ giết người, cướp tài sản chấn động từ TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi đến Hải Phòng.

Ông đã vẽ chân dung Trần Văn Điểm sau khi anh Lê Văn Hiệp bị giết ở một đồi cát ven sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Điểm bỏ trốn, sau đó Điểm được cho là đã giết thêm một chủ tiệm cơm chay gây chấn động ở Bà Rịa - Vũng Tàu và bị bắt.

Phiên tòa xét xử Trần Văn Điểm vừa diễn ra tại Vũng Tàu. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 8-2014 đến tháng 12-2014, Trần Văn Điểm đã giết chết bốn người tại TP.HCM, Quảng Ngãi, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chỉ riêng vụ án tại TP.HCM, Điểm giết người vì mâu thuẫn nhỏ, ba vụ còn lại đều giết người để cướp tài sản.

Ông Thành nói cái khó nhất của mình là khi công an đưa ông đến hiện trường chỉ còn dấu vết trong đêm cùng một ít lời kể hoang mang của bị hại, nhân chứng...

Mỗi lần như vậy ông vẫn ghi chép, làm việc độc lập và thầm lặng để loại ra những chi tiết không hợp lý trước khi phác họa hung thủ.

Ông tâm sự: “Phác họa chân dung tội phạm đã khó rồi, nhưng cái khó hơn là tránh để xảy ra chuyện ngộ nhận gây oan sai cho người vô tội. Đây là điều tôi luôn dặn lòng với từng nét vẽ”.

Thực tế cũng đã có vụ án ông phác họa một hung thủ hiếp dâm giống đến 80% nhưng phút cuối người bị hại nhận diện khác đi, tả thêm chi tiết để đánh lạc hướng công an.

“Những trường hợp này qua phân tích tôi biết nạn nhân từng có tình cảm với hung thủ, nhưng sau khi tố cáo thì lại sợ công an bắt người mình từng quen biết nên kể khác đi. Nếu không có kinh nghiệm, chắt lọc thông tin và theo dõi tâm lý thì khó vẽ ra hung thủ để công an phá án sớm” - ông nói.

Nhiều lần gặp ông, chúng tôi hay hỏi về những vụ án mới, những chân dung tội phạm vừa được phác thảo, chưa đặt tên. Nhờ vậy, chúng tôi biết gần đây ông đang tập trung vẽ chân dung hung thủ giết một thanh niên sau va quẹt xe ở TP.HCM.

Cứ thế, sau các vụ trọng án có hung thủ giấu mặt, công an ở nhiều tỉnh thành lại tìm đến họa sĩ Thành. Ông là một người rất nguyên tắc và tuyệt đối giữ bí mật: “Bởi tôi muốn khách quan, tránh oan sai cho đến khi những hung thủ giấu mặt được đưa ra ánh sáng”.

Những người quen biết ông nói rằng bao năm qua họa sĩ Thành luôn là người thầm lặng như vậy. Mỗi ngày ông vẫn vung nét bút chì trên giá, vẽ gương mặt người bằng con tim chất chứa nỗi căm phẫn kẻ ác.

Nói như đại tá Phạm Văn Dớ: “Cái biệt tài của họa sĩ Thành chính là tái hiện được thần thái của tội phạm qua nét vẽ. Có lẽ ông lấy sự căm ghét cái ác để mà vẽ ra nên mới sinh động như vậy”.

Một lần chúng tôi hỏi ông có sợ trả thù hay không, ông cười hiền: “Người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa mà. Tôi tự hào những điều mình làm đúng nên đã và đang truyền nghề cho con trai để nối nghiệp của mình...”.

Họa sĩ Thành tự vẽ chân dung mình bằng phương pháp vẽ ngược trong chai thủy tinh - Ảnh: H.M.
Họa sĩ Thành tự vẽ chân dung mình bằng phương pháp vẽ ngược trong chai thủy tinh - Ảnh: H.M.

Họa sĩ Thành cũng đã được nhiều bằng khen và kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc của Bộ Công an. Với công trình nghiên cứu “Giải pháp căn bản họa hình mô tả chân dung”, họa sĩ Võ Tấn Thành đã đoạt giải ba tại Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật toàn quốc lần 9 năm 2008.

Công trình này cũng được Viện Khoa học - hình sự (Bộ Công an) đánh giá là sáng kiến, tìm được mẫu hình cơ dạng người Việt Nam, áp dụng tốt cho nhiệm vụ truy lùng tội phạm.

Trước khi vẽ chân dung qua lời kể, họa sĩ Thành là người đã thể hiện hàng ngàn bức chân dung nhân vật bằng phương pháp vẽ ngược từ mặt sau gương để hình hiện ra mặt trước.

Gần đây ông sáng tạo thêm thủ pháp vẽ ngược trong những chiếc vỏ chai và tự thiết kế ra cọ vẽ dài ngắn để có thể vẽ ngược đến hai ảnh trong chai (nếu quay mặt trước thì thấy người này, quay mặt sau thì thấy người khác).

___________

Kỳ tới: Tái hiện hình ảnh liệt sĩ tuổi hai mươi

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên