Hòa Minzy bị chê trách vì chia sẻ thông tin giả mạo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhưng nhanh chóng sửa sai và xin lỗi - Ảnh: NVCC
Việc người nổi tiếng đăng tin giả về COVID-19 thường được gọi bằng một từ nhẹ hơn, "chia sẻ". Họ thường không phải nguồn phát tán đầu tiên, nhưng thực hiện một động thái nguy hiểm không kém: chia sẻ thông tin đó đến hàng triệu người theo dõi.
Và qua nhiều bài học, người ta cần hiểu rằng khi đã bấm nút chia sẻ nghĩa là bản thân cũng phải chịu trách nhiệm, đôi khi nặng nề không kém kẻ phát tán.
"Tỏ ra thạo tin": thói xấu nguy hiểm thời COVID-19
Trong vụ đăng tin về phát ngôn mạo danh Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ca sĩ Hòa Minzy - người chỉ chia sẻ - cũng nhận án phạt 7,5 triệu đồng tương tự người chủ tài khoản Facebook đã phát tán tin này. Điều tích cực là Hòa Minzy đã chủ động nhận lỗi, xin lỗi và liên hệ để nộp phạt.
Hồi tháng 6, khi nghệ sĩ Trấn Thành cảnh cáo ba cô gái tung tin bay lắc, một trong số đó chỉ thực hiện thao tác chia sẻ nhưng cũng bị chỉ trích nặng nề và dọa kiện như hai người còn lại.
Tương tự, hồi tháng 1, Đàm Vĩnh Hưng và Ngô Thanh Vân tự đăng thông tin "nghe nói" không rõ nguồn, còn Cát Phượng dẫn một đường link thiếu tin cậy.
Tin giả về COVID-19 không chỉ là tai nạn phát ngôn mà còn gây nguy hại - Ảnh: NVCC
Thông thường, đăng tin giả có thể coi là "tai nạn phát ngôn" của người nổi tiếng. Nhưng ở thời COVID-19, hành động này trở nên nghiêm trọng hơn nhiều vì liên quan đến sức khỏe và sinh mạng.
Với hàng nghìn lượt tương tác từ bài đăng của họ, số lượt tiếp cận tin giả có thể lên đến hàng chục, hàng trăm nghìn và gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Trong những ngày qua, các nhà báo và chuyên gia truyền thông ở Việt Nam liên tục cảnh báo công chúng về thói "tỏ ra thạo tin" rất nguy hại thời COVID-19. Điều này xảy ra ở hàng nghìn người dùng khác trên mạng xã hội, không chỉ riêng người nổi tiếng.
Đó là những người ít hiểu biết về dịch bệnh, không chăm chỉ bám sát luồng thông tin thời sự trên báo chính thống nhưng lại hay đọc tin giật gân trên các trang mạng thiếu uy tín, rồi vội vã chia sẻ lên trang cá nhân để chứng tỏ bản thân "thạo tin".
Thói xấu này không chỉ đến từ "sự lo lắng cho cộng đồng" (như lời họ biện minh), mà thiên về mong muốn sống ảo, thể hiện bản thân.
Trong khi đó, những người thạo tin thực sự không có thời gian đọc tin thất thiệt và sống ảo. Đó là những lãnh đạo đang suy tính biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định xã hội.
Đó là những y bác sĩ đang trực tiếp chữa trị, chăm sóc cho người bệnh.
Đó là lực lượng vũ trang đang ngăn chặn người vượt biên trái phép.
Đó là các nhà báo đang làm tất cả để đưa thông tin xác thực đến người đọc.
Nếu không giúp được gì cho họ, tốt nhất đừng gây hoang mang thêm.
Nữ hoàng nhạc pop, con trai Trump cũng bị phạt vì tin giả
Tại Mỹ, hôm 29-7, Madonna - người được mệnh danh nữ hoàng nhạc pop - cũng chia sẻ tin giả nguy hiểm về COVID-19.
Trên Instagram, ca sĩ đăng video phát biểu của một phụ nữ tự xưng là bác sĩ Stella Immanuel ở Houston (Mỹ). Immanuel khẳng định chữa khỏi cho hơn 350 bệnh nhân COVID-19 nhờ thuốc sốt rét hydroxychloroquine.
Madonna gây phẫn nộ vì liên tục chia sẻ nhiều tin giả về COVID-19 - Ảnh: GETTY IMAGES
Chưa hết, trong phần chú thích bài đăng của mình, Madonna lan truyền một tin giả khác: "Đã có vaccine từ hàng tháng trước nhưng họ cố tình giấu để mọi người sợ hãi, khiến kẻ giàu ngày càng giàu thêm".
Đây là tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận nhưng ca sĩ thẳng tay đăng mà không hề kiểm chứng.
Hành động của Madonna nhận hậu quả nặng nề. Cô cũng nhận chỉ trích dữ dội từ các nghệ sĩ và công chúng, cũng như bên thứ ba kiểm chứng tin giả của Instagram.
Bài đăng của cô bị Instagram làm mờ vời dòng chữ cảnh báo "Thông tin sai lệch" (False Information). Sau khi cảnh báo, Instagram xóa bài đăng này vào sáng 29-7.
Đây là nỗ lực của mạng xã hội này nhằm đấu tranh với tin giả. Raki Wane, giám đốc truyền thông chính sách của Instagram, nói với USA Today: "Chúng tôi xóa video này vì nó đưa ra tuyên bố sai về phương pháp chữa trị và phòng ngừa COVID-19. Những người đã tương tác với video này sẽ nhận được tin nhắn dẫn họ đến với các thông tin có thẩm quyền về virus".
Vi phạm tương tự là Donald Trump Jr. Hôm 28-7, con trai tổng thống Mỹ, bị Twitter treo tài khoản 12 tiếng vì đăng một video tin giả khác về COVID-19. Bản thân Tổng thống Trump cũng chia sẻ video này, bài đăng của ông bị Twitter, Facebook và YouTube xóa nhưng không treo tài khoản.
Donald Trump Jr. (phải) bị Twitter treo tài khoản vì chia sẻ tin giả - Ảnh: AFP
Nếu bạn muốn tránh tin giả về COVID-19, hoặc cao hơn là đấu tranh với tin giả, bạn buộc phải có kiến thức. Và kiến thức chỉ có khi ta dành thời gian tìm hiểu.
Chẳng hạn, có nguyên một trang Wikipedia bằng tiếng Anh với chủ đề "Thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch COVID-19" (Misinformation related to the COVID-19 pandemic) với mục tiêu thống kê toàn bộ tin giả, tạo bộ lọc cho cộng đồng.
Nếu cuộc chiến với COVID-19 còn kéo dài, chúng ta càng phải chuẩn bị "vũ khí" kiến thức cho mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận