Có 62% người Mỹ cho rằng sắc tộc tuyệt đối không nên ảnh hưởng tới quyết định xét tuyển của các trường đại học.
Đại học không nên nhận sinh viên chỉ vì sắc tộc
Trong mùa xuân này, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ có phán quyết về một số vụ phân biệt chủng tộc khi xét tuyển được dư luận quan tâm.
Hôm 16-2, Hãng tin Reuters công bố kết quả khảo sát Reuters/Ipsos mới về vấn đề trên. Khảo sát này thực hiện trên 4.408 người từ ngày 6 đến 13-2.
Kết quả cho thấy 62% người được hỏi phản đối đưa yếu tố sắc tộc vào quyết định tuyển sinh. Tỉ lệ phản đối trong những người theo đường lối Cộng hòa là 73%, trong khi tỉ lệ này bên Dân chủ là 46%.
Các đại học ở Mỹ thường muốn đa dạng hóa sắc tộc. Đây là cách làm nhằm chống phân biệt đối xử với nhóm sắc tộc yếu thế.
Tuy nhiên, theo khảo sát trên, đa số không ủng hộ chính sách ưu tiên sắc tộc này. Đây là khảo sát phản ánh mối lo "phân biệt ngược" trong phong trào chống phân biệt chủng tộc. Theo đó, một số ý kiến cho rằng việc ưu ái một nhóm sắc tộc yếu thế vô tình trở thành nạn phân biệt ngược với những người không thuộc nhóm yếu thế ấy.
Theo khảo sát của Reuters, có 67% người da trắng nói họ chống chính sách ưu ái sắc tộc. Trong khi đó, chỉ 52% người trả lời thuộc nhóm sắc tộc thiểu số phản đối ưu ái.
Harvard và UNC gặp sức ép vì vấn đề sắc tộc
Dư luận Mỹ đang quan tâm tới các vụ của Đại học Harvard và Đại học North Carolina (UNC). Tòa án Tối cao Mỹ, bị Reuters nhận xét là thiên về nhóm bảo thủ, sẽ có phán quyết liên quan tới Harvard và UNC.
Năm ngoái, hầu hết thẩm phán tại Tòa án Tối cao đã tỏ ra thông cảm đối với những lập luận chống lại chính sách ưu ái cho nhóm sắc tộc yếu thế.
Các đại học tại Mỹ thường ưu ái nhằm tăng số sinh viên da màu và nói tiếng Tây Ban Nha. Quyết định của Tòa án Tối cao mùa xuân này có thể gây nguy hiểm cho thực tiễn này.
Students for Fair Admissions, nhóm "Sinh viên đấu tranh cho tuyển sinh công bằng", đã kiện UNC. Họ cho rằng UNC đã phân biệt đối xử chống lại người da trắng và người Mỹ gốc Á. Họ cũng khẳng định Đại học Harvard phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á. Các trường này đến nay đều bác bỏ cáo buộc.
Harvard và UNC từng nói rằng chủng tộc chỉ là một trong số nhiều nhân tố khi tuyển sinh. Việc hạn chế cân nhắc sắc tộc sẽ khiến tỉ lệ được nhận học ở các nhóm đại diện bị giảm đáng kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận