21/12/2017 16:16 GMT+7

Người Mỹ đang chao đảo vì 'tin giả'

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Nhà báo người Mỹ Pat Garofalo nhận xét ngày càng có nhiều người, đặc biệt những người có chức quyền, dùng cụm từ "tin tức giả" như một tấm khiên để thoát chỉ trích và trách nhiệm.

Người Mỹ đang chao đảo vì tin giả - Ảnh 1.

Có thể xem Tổng thống Donald Trump là người phổ biến cách dùng mới của cụm từ "tin tức giả" - Ảnh biếm họa: US News

Nhiều người Mỹ cảm thấy rất khó chịu với "tin tức giả" (fake news). Nhưng không phải chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay gì gì đó, mà người ta khó chịu với chính bản thân cụm từ.

Theo một thăm dò vừa công bố của Đại học Marist, gần 1/4 công chúng Mỹ cho rằng "tin giả" là cụm từ gây phản cảm nhất xuất hiện trong các cuộc nói chuyện, chỉ đứng sau cụm từ "sao cũng được".

Ai cũng biết "tin giả" là hai từ yêu thích của người-nào-đó. Vào thẳng vấn đề: Nhờ Tổng thống Donald Trump và những người bắt chước ông dùng "tin giả" như món vũ khí chống lại chỉ trích/phê phán, cụm từ này đã rời xa nghĩa gốc của nó.

Ngày xửa ngày xưa, "tin giả" dùng để chỉ mớ nội dung hổ lốn nghĩ ra bởi những kẻ xấu nhằm lừa gạt; hoặc những kẻ chơi khăm muốn dụ dỗ người đọc bấm vào xem những trang web tào lao. Thế là chúng dệt ra "tin tức" để giăng những người cả tin.

Còn bây giờ, ông Trump dùng "tin giả" để mô tả bất cứ tin tức gì ông không thích, mặc cho chúng là những nỗ lực nghiêm túc của các tổ chức đưa tin.

Sự nguy hiểm có thể được giải thích như sau: Tin tức giả có thể gây ra những hậu quả rất thật. Chẳng hạn như năm ngoái, người ta phải đi điều tra tin đồn một cửa hàng pizza ở Washington có liên hệ với cố vấn bà Hillary Clinton đang điều hành một dường dây xâm hại tình dục trẻ em.

Nhưng ngược lại, nếu biến tin thật thành tin giả sẽ khiến cho tác động của nó mất đi, tạo điều kiện cho các bên liên quan chối bỏ bất cứ điều gì nào gây bất lợi cho họ, dù trên thực tế hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy người Mỹ có một khuynh hướng kỳ lạ, đó là họ hay nghe theo tin đồn. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người cho rằng những tin tức chính thống họ đọc hàng ngày là trò lừa bịp.

Phải công nhận rằng báo chí có mắc sai lầm, nhưng nhà báo/phóng viên có lương tâm sẽ không ngồi đẻ ra tin tức từ trí tưởng tượng của họ. Tại Mỹ, những trường hợp dị thường khá hiếm, hiếm đến mức nếu xảy ra chúng thậm chí được dựng thành phim.

Một ví dụ tiêu biểu đáng lo là cuộc tranh cử chức thượng nghị sĩ ở bang Alabama mới đây. Một bài báo chất lượng, đầy tính trách nhiệm, đã chứng minh rằng ứng viên bên đảng Cộng hòa Roy Moore từng tấn công tình dục các bé gái vị thành niên nhiều năm trước nhưng bài báo bị nhóm ông này gắn mác "tin giả".

Theo thăm dò sau bỏ phiếu, hơn 40% cử tri đã tin rằng những cáo buộc chống lại ông Moore là không đúng và họ đã bỏ phiếu cho ứng viên này.

Một vụ việc như vậy có thể xảy ra ở cấp độ quốc gia. Tất nhiên, không ai biết được những người bác bỏ cáo buộc chống lại ông Moore thật sự nghĩ vậy hay họ "không muốn tin" vì sự ủng hộ dành cho đảng Cộng hòa.

Nước Mỹ không thể có một nền dân chủ tự do và công bằng nếu mọi người không chia sẻ niềm tin vào sự thật. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nền dân chủ bị tấn công trong khi thủ phạm thoát tội vì chẳng ai tin vào điều đó?

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên