24/05/2020 11:37 GMT+7

Người máy có mơ về cừu điện không?

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Cốt truyện diễn ra trong vòng 24 giờ, từ khi Rick phát hiện bọn người máy, tiêu diệt chúng cho đến lúc gã lạc lõng trong chính thế giới quan của mình.

Người máy có mơ về cừu điện không? - Ảnh 1.

Ngôn ngữ của hội họa với màu vẽ vốn là ngôn ngữ im lặng, nhưng lại có những tác phẩm ngồn ngộn âm thanh, bức tranh The Scream (tạm dịch: Tiếng thét) của Edvard Munch là một ví dụ. 

Ngôn ngữ của văn chương nằm ở câu chuyện bên trong tác phẩm, nhưng có những sáng tác mà chỉ nhan đề của chúng đã đẩy người xem đến cuộc phiêu lưu suy tưởng, Người máy có mơ về cừu điện không? - tiểu thuyết của Philip K. Dick nắm giữ sự khiêu khích như vậy.

Tác phẩm của Philip K. Dick đặt bối cảnh trong một tương lai gần: sau khi cuộc thế chiến bom hạt nhân kết thúc, con người phải di cư lên sao Hỏa để tránh những cơn mưa axit, trong khi một số ít ở lại Trái đất, còn động vật gần như bị tuyệt chủng. 

Rick Deckard - gã thợ săn tiền thưởng đang muốn có đủ tiền để mua một con cừu thật thay cho cừu điện ở nhà - đã vướng vào vụ truy quét những con robot trốn từ sao Hỏa đến Trái đất. Cốt truyện diễn ra trong vòng 24 giờ, từ khi Rick phát hiện bọn người máy, tiêu diệt chúng cho đến lúc gã lạc lõng trong chính thế giới quan của mình.

Tạo ra mớ bòng bong về nhân tính, Philip K. Dick để Rick Deckard chao đảo liên tục trước câu hỏi liệu người máy có được quyền sống hay không, một con cừu thật sẽ cứu vớt cuộc đời gã ra sao và liệu con người có thấu cảm được lũ robot dây nhợ chằng chịt?

Nhịp điệu trong cuốn sách là sự đan xen kỳ lạ giữa tiết tấu chậm rãi khi nói về thú vui của con người, hay trong cách miêu tả thế giới ảm đạm, nhưng lại chuyển nhịp gấp gáp với cái chết của sáu người máy đào thoát. Điều đó tạo nên không khí kỳ ảo, siêu nhiên trong tác phẩm, nửa kéo người xem vào thế giới hư cấu, nửa khác lại quăng độc giả rất nhanh vào những chất vấn về mối quan hệ người - máy.

Thế nhưng tại sao cuốn sách này lại liên quan mật thiết đến bức tranh của Edvard Munch? Tác giả đã có một trong những trang viết hay nhất về bức Tiếng thét: "...sinh vật ấy gào thét trong cô độc. Bị cách ly bởi tiếng la hét của nó". 

Những bình phẩm về bức tranh của Edvard Munch cũng chính là lời ta thán của chính Philip K. Dick dành cho sự đơn độc của người máy. Trong thế giới văn chương của ông, dẫu sao con người vẫn có sự lựa chọn, có con cừu điện hoặc mua một con vật thật, tiêu diệt người máy hoặc thấu cảm với chúng. Còn người máy, chúng nằm hoàn toàn ở phía của sự bế tắc.

Bức tranh của Edvard Munch và tiểu thuyết của Philip K. Dick đã tạo nên một giao điểm trong nghệ thuật, nơi sự cô độc được đẩy lên mức cao nhất bằng cả tranh vẽ lẫn câu chữ. Đó cũng chính là câu trả lời đanh thép (dù gián tiếp) của Philip K. Dick khi hỏi người máy có mơ về cừu điện không? Không. Họ mơ về những con cừu thật.

Người máy có mơ về cừu điện không? (Triều Dương dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) là tác phẩm quan trọng bậc nhất của nền văn học viễn tưởng. 

Tiểu thuyết đã gợi cảm hứng cho bộ phim Blade Runner (1982) của đạo diễn Ridley Scott ra đời. Bản thân bộ phim cũng đã thay đổi hoàn toàn nền điện ảnh giả tưởng. Bất kỳ một phiên bản nào của Blade Runner hay chính cuốn sách cũng đều tạo nên một sức hút đặc biệt cho công chúng và tạo ra những tranh luận gay gắt về đạo đức trí tuệ nhân tạo.

Trưởng thành khi biết khoan dung: quyển sách chữa lành Trưởng thành khi biết khoan dung: quyển sách chữa lành

TTO - Bác sĩ trị liệu cho Boris - nhân vật mở đầu câu chuyện - khuyến khích anh viết thư tay về cho cha mẹ và cho những đứa em, sau 7 năm anh cắt đứt liên lạc với cả gia đình.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên