25/02/2018 17:28 GMT+7

Người lái đò trên dòng suối Yến

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Bất kể ngày đêm, hễ có khách gọi là lái đò chuẩn bị thuyền đưa du khách xuôi dòng suối Yến tham quan chùa Hương. Có người mới học chèo được đôi ba tháng, nhưng có người ngót nghét cả mấy chục năm kiếm sống bằng nghề lái đò.

Mưu sinh bằng nghề lái đò trên dòng suối Yến - Video: DƯƠNG LIỄU

Thuyền của lái đò Vũ Văn Vạn chở mấy cô cậu phóng viên trẻ từ bến Đục xuôi dòng suối Yến để tác nghiệp ngày khai hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). 

Đến đền Trình, ông Vạn giật mình: "Ối, quên mất phao cứu sinh và giỏ rác", thế là ông quay lại bến nhất quyết lấy cho bằng được.

Toàn dân đi lái đò

"Người ta nói chúng tôi làm ba tháng đủ ăn cả năm trời. Nghề này mệt mà vui, toàn dân xã Hương Sơn đều đi chèo đò", vừa thoăn thoắt mái chèo ông Vạn vừa kể chuyện.

Năm nay ngót nghét 50 tuổi nhưng ông Vạn đã có thâm niên 30 năm làm nghề lái đò. Ông nhớ từ ngày bắt đầu có cái nghề lái đò này dòng suối Yến chỉ rộng có 5m, nước cạn còn nhìn thấy cả đáy, đến nay lòng suối đã được mở rộng ra khoảng 15m. 

Người lái đò trên dòng suối Yến - Ảnh 2.

Ông Vũ Văn Vạn có kinh nghiệm 30 năm lái đò trên dòng suối Yến - Ảnh: HÀ THANH

"Chả ai biết chèo ngay từ đầu đâu, học chèo một hai chuyến đò thì quen thôi. Mới học thì chèo chậm, sau quen dần thì nhanh, chèo quen tay rồi thì thuyền to thuyền nhỏ chèo được hết"

Lái đò VŨ VĂN VẠN

Từ mùng 2 tết, hơn 1.200 lái đò có sức khỏe là người dân ở xã Hương Sơn sửa soạn thuyền cho sạch sẽ đón những lượt khách đầu tiên về tham quan di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương). 

Cứ đến mùa lễ hội kéo dài ba tháng, hàng vạn người lái đò lại tấp nập đưa thuyền về bến đò đợi khách. Những ngày cao điểm, mỗi lái đò chở được 6 - 10 chuyến đò tùy sức khỏe. 

Suối Yến dài 4km, lái đò phải mất 45 phút hoặc cả giờ mới đến nơi, nhiều nhất cũng kiếm được 2 triệu đồng/ngày.

"Có gia đình chèo thuyền nhờ ba tháng lễ hội mà sống được cả năm trời. Đi chèo đò ba tháng lễ hội chùa Hương xong về nhà làm ruộng thôi. Hiện nhiều người dân còn đi chèo đò thuê với tiền công 15 triệu đồng/mùa lễ hội, cứ có khách gọi là đi chèo", người lái đò suốt 30 năm nay cho biết.

Ở xã Hương Sơn, không chỉ đàn ông chèo thuyền mà phụ nữ có sức vóc cũng sắm sửa thuyền đi chèo đò. 

4h sáng nơi bến Đục, chị Ngô Thị Lệ (34 tuổi) đang sửa soạn mái chèo, lấy khăn lau từng ghế ngồi cho khách.

Hỏi về nghề lái đò, chị Lệ cười bẽn lẽn nói 20 tuổi thì lấy chồng ở xã này, từ đó theo chồng đi chèo đò luôn. 

"Ngày đó có biết chèo đâu chứ, bà chị dâu dạy cho, học một hôm là chèo được ngay. Tôi nhớ hôm đầu tiên đón khách, phải nhờ chồng chèo cùng vì lo lắng, nay thì chồng một thuyền, vợ một thuyền, có khách là đi đón" - chị Lệ trải lòng.

Đến nay nhờ công việc chèo thuyền mà mỗi vụ lễ hội đầu năm, hai vợ chồng kiếm được hơn 20 triệu đồng.

Người lái đò trên dòng suối Yến - Ảnh 4.

Không chỉ đàn ông mà phụ nữ Hương Sơn chỉ cần đủ sức khỏe cũng tham gia nghề lái đò - Ảnh: HÀ THANH

"Mình nghĩ chả nhẽ xã mình, thôn mình có nghề này mà mình không làm? Vậy mà chèo cũng 14 năm rồi. Không kể phụ nữ, đàn ông, ai có sức khỏe thì chèo",

Lái đò NGÔ THỊ LỆ

Buồn vui nghề lái đò

Thuyền đang xuôi dòng suối Yến, cạnh bên có đôi ba thuyền mở nhạc xập xình. Trên thuyền là những cô cậu trẻ măng vừa hát hò vừa "làm vài chai bia lai rai cho đỡ buồn". 

Ông Vạn nói nghề này buồn vui cũng do khách, gặp khách mải vui quá lôi bia ra uống hay chơi bài ngay trên thuyền lái đò cũng phải bấm bụng chiều. 

Năm nay, ban quản lý lễ hội siết chặt nên hầu như không còn chuyện đánh bài trên thuyền, chỉ có lác đác đôi ba bạn trẻ ham vui vẫn lôi bài ra đánh.

Người lái đò trên dòng suối Yến - Ảnh 6.

Lễ hội năm 2018 có khoảng 4.500 thuyền chở khách trẩy hội chùa Hương - Ảnh: HÀ THANH

Người lái đò trên dòng suối Yến - Ảnh 7.

Đầu xuân, du khách thập phương kéo nhau nô nức trẩy hội chùa Hương - Ảnh: HÀ THANH

Ông Vạn nói mấy chục năm về trước toàn các cụ ông, cụ bà đi trẩy hội chùa Hương nên người lái đò khá… vất vả. 

"Vất vả vì vừa lái đò, vừa giới thiệu núi Con Gà, núi Mâm Xôi, dãy Voi Phục… các cụ có nhu cầu biết về danh lam thắng cảnh ở đâu. Khách bên thuyền này nhìn thấy khách bên thuyền kia thì buông câu hát, đon đả chào nhau thân tình lắm. Nhưng bây giờ người ta bỏ luôn chào hỏi nhau trên thuyền rồi", người lái đò tiếc nuối nhìn về bến Thiên Trù đang hiện lên trước mắt.

Người lái đò trên dòng suối Yến - Ảnh 8.

Du khách từ khắp nơi về đây trẩy hội nhất định phải thưởng ngoạn thắng cảnh bằng những con đò này - Ảnh: HÀ THANH

Còn với chị Lệ, niềm vui của chị suốt 14 năm qua là điện thoại đổ chuông. "Đó là khách quen họ thấy mình tình cảm nên gọi nhờ chèo đó. Khách gọi là mình có mặt ngay" - chị Lệ chia sẻ.

Ông Vạn kể có nhiều gia đình suốt ba thế hệ: đời ông, đời cha, đời con đầu xuân đi khai hội chùa Hương đều tìm về những người lái đò xưa từ khi họ đi thuyền nan cho đến nay là đi thuyền sắt chỉ vì tin tưởng và quý mến người lái đò xưa. 

Đó là tình cảm mà lái đò - khách du lịch dành cho nhau trong dịp đầu xuân năm mới.

Người lái đò trên dòng suối Yến - Ảnh 9.

Thuyền xuôi dòng suối Yến dài khoảng 4km, du khách có thể vừa đi vừa thưởng ngoạn cảnh sắc - ẢNH: HÀ THANH

Vừa kể chuyện, ông Vạn cười khà khà vì thuyền vẫn lướt nhanh hơn thuyền của những người chèo đò khác. 

"Bí quyết riêng của tôi đó, nhìn tôi chèo chậm vậy thôi nhưng chẳng ai đuổi địp. Đò không có phanh, tốc độ đi nhanh hơn đi bộ nhưng mình phải căn được hướng đi, cách 30m có vật cản là chủ động tránh. Bí quyết là lúc nào cũng phải nhìn thấy mũi đò, lệch về hướng nào là chỉnh tay lái ngay. Biết chèo thì sẽ không mệt đâu", người lái đò có 30 năm kinh nghiệm bật mí.

Người lái đò trên dòng suối Yến - Ảnh 10.

Hình ảnh những người lái đò trên dòng suối Yến - Ảnh: HÀ THANH

Người lái đò trên dòng suối Yến - Ảnh 11.

Nhiều thanh niên ở xã Hương Sơn cũng học nghề lái đò từ ông cha - Ảnh: HÀ THANH

Theo ban tổ chức, tính đến nay ở chùa Hương có khoảng 4.500 - 4.800 thuyền chở khách được đánh số để quản lý. Số thuyền này do 100% người dân tự sắm sửa, mời khách trẩy hội chùa Hương, có gia đình chèo thuyền giỏi cũng thu về khoảng 30 - 40 triệu đồng/mùa lễ hội.

Hằng năm, ban tổ chức lễ hội mở các lớp tập huấn, phổ biến cho những người lái đò ở chùa Hương về luật giao thông đường thủy, luật di sản, công tác giao tiếp văn minh ứng xử cho du khách trước mùa lễ hội.

Từ rất lâu rồi, nét đẹp đầu xuân khi đặt chân đến chùa Hương là phải xuôi dòng suối Yến bằng đò, vừa vãn cảnh chùa vừa ngắm phong cảnh hữu tình ở đây.

Ước tính, năm nay lễ hội chùa Hương sẽ đón 1,5 triệu lượt khách về tham quan, trẩy hội.

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên