Đây là nội dung ông Kim từng đề xuất từ năm 2020.
Trước đó, vấn đề người dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn cũng được đặt ra từ khá lâu khi bàn đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Song do một số nguyên nhân, yếu tố nên đến nay việc này chưa thực hiện được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng với trình độ dân trí hiện nay và để tiến thêm một bước thực hiện dân chủ ở cơ sở thì việc người dân trực tiếp bầu chủ tịch là đáng nghiên cứu, xem xét.
Đại biểu VŨ TRỌNG KIM (Nam Định):
Đảm bảo chặt chẽ lựa chọn nhân sự
Việc tôi đề xuất thí điểm người dân bầu trực tiếp chủ tịch TP Đà Nẵng bằng lá phiếu phổ thông từ năm 2020 và tiếp tục tại kỳ họp thứ 7 là mong muốn thể hiện bước tiến về phát huy dân chủ.
Đồng thời, quyền làm chủ của nhân dân được thực thi khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại đây. Đây là bước tiến bộ rõ rệt cho thấy Đảng tin dân và dân rất tin Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Đảng đã nhấn mạnh đến thí điểm việc nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã, chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp quyết định phê chuẩn.
Trên cơ sở tổng kết thí điểm sẽ xem xét thực hiện chính thức chủ trương này. Với ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương đã có và hiện nay tiến trình dân chủ ở nước ta đang ngày càng phát triển nên bước thí điểm ở cơ sở là phù hợp.
Gần đây, quy chế dân chủ cơ sở đã tiếp tục nhấn mạnh việc đảm bảo quyền của nhân dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát thực hiện dân chủ ở cấp xã. Nhất là việc giám sát những người đại diện cho mình.
Trong yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị hiện nay, các cơ quan dân cử như Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và HĐND sẽ có cơ chế phối hợp chặt chẽ để có thể lựa chọn, giới thiệu, đề xuất những cán bộ, nhân sự ưu tú để nhân dân lựa chọn. Việc này thực hiện trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.
Ông NGUYỄN TÚC (ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam):
Nên thí điểm để tổng kết, rút kinh nghiệm
Trước đây, ở quy chế dân chủ ở cơ sở và hiện nay đã nâng lên thành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đều nhấn mạnh đến quan điểm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ.
Thêm vào đó, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã từng đặt ra vấn đề về nghiên cứu thí điểm để người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND cấp xã.
Về phía Mặt trận Tổ quốc, từ nhiều năm trước chúng tôi cũng đã bàn về vấn đề thí điểm để người dân bầu chủ tịch xã. Tuy nhiên, một số nguyên nhân khác nhau nên chưa thực hiện được.
Với thực tế phát triển hiện nay, để tăng cường quyền dân chủ của người dân, các cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu, xem xét để thí điểm người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND cấp xã/phường/thị trấn.
Còn với đề xuất của đại biểu Vũ Trọng Kim về để người dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tôi cho rằng cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ. Trong đó, nên cho thí điểm ở cấp cơ sở thực hiện, sau đó sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để có bước đi thích hợp, thực hiện ở các cấp trên.
Để có thể thực hiện việc thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch ở cấp xã, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, tiêu chuẩn cụ thể của các ứng cử viên; quy định về trình tự, thủ tục ứng cử, đề cử, hiệp thương lựa chọn danh sách bầu cử; nguyên tắc trúng cử...
Tiếp đó, lựa chọn một vài địa phương cụ thể để làm thí điểm. Về nguồn giới thiệu người ứng cử, ngoài nguồn từ cấp ủy giới thiệu nên có nguồn do thường trực HĐND, UBND cấp xã giới thiệu, do người dân giới thiệu và người tự ứng cử.
Quá trình hiệp thương ở đây sẽ đóng vai trò quan trọng, trong đó Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên trên cơ sở xem xét các tiêu chuẩn cụ thể lựa chọn các ứng viên. Nên có số dư ứng cử viên để người dân lựa chọn bầu, việc bầu sẽ thực hiện như bầu đại biểu HĐND đang thực hiện...
Tất cả công việc này đều phải được làm chặt chẽ, có sự giám sát của các cơ quan chức năng, người dân và nhất là phải lựa chọn ứng viên kỹ càng, đảm bảo tiêu chuẩn.
TS NGUYỄN TIẾN DĨNH (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ):
Quan trọng nhất là lựa chọn nhân sự đúng
Trước đây chúng ta cũng đã nêu ra vấn đề nên xem xét để người dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã nên hiện nay, có thể thực hiện thí điểm ở một số địa phương đáp ứng, đảm bảo được đầy đủ các điều kiện liên quan.
Việc thí điểm để người dân bầu trực tiếp chủ tịch cấp xã sẽ thể hiện dân chủ cơ sở tốt hơn. Thực tế, với cấp xã, việc thí điểm này sẽ có tính khả thi cao hơn bởi nhân dân trong xã có thể dễ dàng tìm hiểu về những người cán bộ, đảng viên ở đây khi được đưa ra ứng cử, đề cử để bầu chức danh này.
Để thực hiện được điều này, theo tôi quan trọng nhất phải xây dựng được đề án cụ thể của thí điểm việc bầu này. Trong đó, quy định cụ thể các vấn đề liên quan, quy trình, tiêu chuẩn ứng cử viên... để thực hiện.
Đồng thời, phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình về công tác cán bộ của Đảng, trong đó quan trọng nhất phải xem xét, lựa chọn ra các ứng cử viên có đầy đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, trình độ.
Ngoài các ứng cử viên do các cơ quan chức năng giới thiệu có thể có thêm ứng cử viên tự ứng cử, đơn vị khác giới thiệu. Nhưng ứng cử viên này vẫn phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, phải có các bước hiệp thương, lấy ý kiến như đối với đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội để xác định ứng cử viên nào đủ điều kiện, ứng cử viên nào không đủ. Từ đó lập danh sách cụ thể chứ không phải ai được giới thiệu, ứng cử đều đưa vào danh sách.
Các ứng cử viên đủ điều kiện sau đó cần cho tổ chức để họ tiếp xúc cử tri, nhân dân nhằm trình bày cụ thể chương trình hành động của mình nếu trúng cử chức vụ.
Ở đây, vấn đề nhân sự vẫn là quan trọng nhất và phải được kiểm tra, giám sát, lựa chọn rất kỹ càng, thận trọng bởi nhân sự bầu lên mà không đảm bảo có thể ảnh hưởng đến cả một xã chứ không đơn giản.
Đại biểu PHẠM VĂN THỊNH (trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang):
Cần xem xét, đánh giá rất kỹ càng
Với đề xuất của đại biểu Vũ Trọng Kim, cá nhân tôi cho rằng chức vụ chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là chức vụ rất quan trọng nên việc dựa vào nhân dân để lựa chọn, đánh giá, bày tỏ ý kiến về hiệu quả công tác, chỉ đạo, điều hành là cần thiết.
Tuy nhiên, việc thí điểm bầu trực tiếp cần xem xét rất kỹ càng, đánh giá nhiều yếu tố, thời điểm, bối cảnh cũng như các yêu cầu khác. Đồng thời, phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cụ thể.
Còn với việc đề xuất người dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã, trước đây cũng đã được đưa ra. Song do nhiều vấn đề khác nhau nên chưa thể thực hiện được. Do vậy, tôi cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá cụ thể và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nếu thực hiện thí điểm cần lựa chọn thời điểm phù hợp, đảm bảo sự ổn định, phát triển của địa phương.
PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC):
Thí điểm bầu chủ tịch ở Đà Nẵng: vừa quy mô
Tôi ủng hộ tiến tới việc người đứng đầu chính quyền địa phương do dân bầu trực tiếp, điều này thể hiện sự dân chủ, thứ hai là thực quyền, thứ ba là tính trách nhiệm.
Ở nhiều TP khác trên thế giới, ngoài thị trưởng ra, cảnh sát trưởng cũng được bầu trực tiếp. Người đứng đầu chính quyền phải gắn với chính quyền TP đó, phải chịu trách nhiệm trước dân về ùn tắc giao thông, an ninh trật tự, y tế, giáo dục... của TP.
Khác với TP.HCM có quy mô diện tích, dân số lớn, Đà Nẵng là mô hình trung bình nhỏ sẽ dễ để trung ương giám sát người đứng đầu chính quyền do dân trực tiếp bầu và từ đó đánh giá những ưu, nhược của mô hình thí điểm này.
Khi bàn về cơ chế cho Đà Nẵng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) có nêu dự thảo chỉ giao thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức làm việc ở phường, xã tại Đà Nẵng cho HĐND TP quyết định, chưa thể hiện triệt để chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
Theo tôi ý kiến này xác đáng, nên mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp về quản lý nguồn lực, theo đó chính quyền Đà Nẵng được phép trong phạm vi chỉ số ngân sách/ dân cư/ số lượng hồ sơ giải quyết hằng năm tự chủ trong việc phối kết hợp giữa nguồn lực công nghệ bao gồm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, nhân lực, tối ưu hóa thủ tục hành chính đạt được cam kết chi phí và chất lượng dịch vụ công hàng đầu đất nước, không bị bó buộc vào hệ thống dân cư/ biên chế theo tư duy cũ.
Thực tế hiện nay chúng ta chưa ghi nhận quyền tự quản của chính quyền địa phương và quy định sơ sài về thẩm quyền lập quy; thẩm quyền về ngân sách của chính quyền địa phương.
Việc này dẫn đến các quyền, nguồn thu mà chính quyền địa phương có được là do chính quyền trung ương "phân bổ" thông qua các đạo luật, nghị định, thông tư... Ngoài ra nó cũng dẫn đến việc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương luôn nằm trong trạng thái nhập nhằng bất định.
Do vậy, ngoài việc để người dân trực tiếp bầu người đứng đầu chính quyền, cần phải xây dựng mỗi cấp chính quyền là một pháp nhân công quyền. Việc này nhằm tách bạch giữa quyền và nghĩa vụ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương sẽ tính toán được nguồn lực tài chính và con người phù hợp để thực hiện hiệu quả các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương.
Ngoài ra, kinh nghiệm của các nền hành chính tiên tiến cho thấy việc phân cấp nói trên còn có thể mang lại cho nền hành chính sự đơn giản hóa cho công dân trong khiếu kiện hành chính, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cần thiết giữa các địa phương và tạo cơ sở cho việc ủy thác hành chính giữa các cấp chính quyền.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):
Mô hình cần thảo luận
Việc lựa chọn mô hình dân bầu hay đề cử, bổ nhiệm còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, trong đó có mô hình thể chế.
Đề xuất của đại biểu Vũ Trọng Kim về thí điểm để người dân Đà Nẵng trực tiếp bầu chủ tịch UBND TP bằng lá phiếu của người dân là một cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận, tranh luận.
Mô hình để người dân bầu người đứng đầu chính quyền địa phương có thể tạo sự dân chủ hơn, nhưng mô hình đó có thực sự tốt hơn và có chọn được người tài thật sự vào bộ máy hay không lại chưa thể khẳng định chắc chắn được.
Thực tế, mô hình người dân bầu người đứng đầu chính quyền địa phương được nhiều quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, mô hình này chỉ thực sự có ý nghĩa khi đáp ứng một số điều kiện, trong đó đầu tiên phải chọn được ứng cử viên chuẩn.
Mặt khác, phải có quy trình tuyển chọn, tranh cử (giữa các ứng viên) để cử tri nhận biết được ứng viên nào sáng giá hơn. Ngoài ra, việc này còn phụ thuộc vào trình độ của cử tri để nhận biết ứng viên thật sự có tài, bởi người giỏi làm chưa chắc giỏi nói và ngược lại.
Các nghiên cứu mô hình người dân trực tiếp bầu cử như trên có tỉ lệ chọn được người tài chưa phải cao lắm nên xem đây là một trong những mô hình cần thiết để thảo luận, lựa chọn.
Thực tế, còn có nhiều mô hình có thể chọn được người tài vào bộ máy. Trong đó có thể tham khảo mô hình chọn nhân sự của Trung Quốc là mô hình lựa chọn theo thành tích thực tế. Người nào làm giỏi nhất ở xã được lên huyện, người nào làm giỏi nhất ở huyện được lên tỉnh, người nào giỏi ở các tỉnh được đưa lên trung ương...
Chúng ta có thể tham khảo, xem xét mình nghiệm mô hình của Trung Quốc để người dân bầu người đứng đầu chính quyền từ cấp xã thế nào để rút kinh nghiệm.
Điều quan trọng phải tách bạch việc bầu cử có thể lựa chọn được cán bộ tài năng ở cấp độ chính trị, còn để tạo ra được nền hành chính chuyên nghiệp (phục vụ tốt cho doanh nghiệp, người dân) phải thông qua thi tuyển để lựa chọn người tài vào nền hành chính.
Tiếp theo đó, vận hành nền hành chính theo đúng chuẩn mực của các cơ quan hành chính, rõ trách nhiệm, rõ thành tích theo chỉ số hiệu quả (KPI). Mô hình này sẽ giúp đưa những người tài giỏi, có thành tựu lớn nhất lên.
Ngoài chế độ lương bổng, đãi ngộ còn hình thành nền công vụ có đạo đức, bộ máy hành chính chịu trách nhiệm trước thủ trưởng. Còn ông thủ trưởng (người đứng đầu chính quyền địa phương) đó chịu trách nhiệm trước dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận