Sạt lở, đá lăn nguy hiểm sau động đất
Do ảnh hưởng bởi các đợt mưa lớn kéo dài và các trận động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vào các ngày 30-11 và 1-12 (nhất là trận có độ lớn 4.0 chiều 30-11), tại xã Trà Don, huyện Nam Trà My (nơi giáp Kon Tum) xuất hiện một số vị trí sạt lở đất, đá nghiêm trọng.
Tổ công tác của huyện này mới đây đã đến hiện trường khảo sát.
Qua kiểm tra, phía trên đỉnh núi Ngọc Mong, cách khu dân cư Tu Hon, thôn 3 khoảng 500m, trên độ cao khoảng 250m so với mặt đường quốc lộ 40B. Do ảnh hưởng bởi các trận động đất, một số tảng đá lớn đã lăn xuống nhưng bị dây leo, cây rừng cản lại.
Sườn núi gần đỉnh có rất nhiều đá tảng, độ dốc lớn, nên theo nhận định sơ bộ thì khi mưa lớn kéo dài hoặc có động đất kích thích sẽ tiếp tục có đá lăn xuống gây nguy hiểm cho các hộ gia đình sinh sống ở phía dưới.
Nhiều tảng đá rất to lăn xuống, xô gãy cả cây, mắc lại trên sườn núi nhờ các cây rừng giữ lại, nếu không thì hàng chục tảng đá trên sẽ lăn xuống khu dân cư Tu Hon. Có 21 hộ gia đình và một điểm trường thôn bị ảnh hưởng.
Theo ông Đinh Văn Vượng - phó chủ tịch UBND xã Trà Don, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, tài sản nhưng gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.
Sau khi xảy ra sạt lở đất, đá lăn do ảnh hưởng của động đất, xã đã chỉ đạo các thôn rà soát, kiểm tra các khu dân cư cạnh sườn núi cao, ven sông, suối, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để chủ động phòng tránh.
Bên cạnh đó tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.
Theo báo cáo của huyện Nam Trà My, ngoài làng Tu Hon, tại khu dân cư làng Tắc Pát và Làng Lê (xã Trà Don), phía ta luy dương có mạch nước ngầm, tạo ra cung trượt với khối lượng đất đá rất lớn.
Hiện mảng đồi ta luy dương cách mép đường khoảng 25m đã bị sụt lún, đứt gãy, không liên kết với đoạn phía trên.
Xung quanh nhà đã xuất hiện các vết nứt nên nguy cơ sụt lún, hư hỏng nhà cửa là rất lớn. Từ tháng 9 đến nay, mỗi khi mưa lớn xảy ra, các hộ gia đình ở khu vực này phải sơ tán sang nhà khác để đảm bảo an toàn.
Một số hộ chủ động sơ tán sang ở tại làng khác, không dám đưa con em đến học tại điểm trường tiểu học và mẫu giáo Tu Hon.
Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo xã Trà Don họp dân trấn an tinh thần của bà con, thực hiện sơ tán xen ghép 21 hộ/91 khẩu.
Chỉ đạo các trường học từ nay đến hết mùa mưa năm nay có phương án sơ tán học sinh tiểu học đến nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, sơ tán trẻ mẫu giáo đến nhà dân thuộc khu dân cư Tắc Tố để dạy học, đảm bảo an toàn.
Đề nghị tỉnh công bố tình huống khẩn cấp
Hiện khối lượng đá tảng lớn đang bị mắc trên các dây leo, thân cây rừng có khả năng lăn xuống làng Tu Hon bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi có ảnh hưởng bởi động đất kích thích.
Vì vậy yêu cầu xã bố trí lực lượng chức năng căng dây, cắm các biển cảnh báo cấm người dân qua lại nơi có nguy cơ sạt lở.
Về lâu dài, huyện đề xuất xây dựng khu tái định cư mới tại vị trí đất cách làng Tu Hon cũ 2km đảm bảo an toàn, có đủ quỹ đất, nhiều thuận lợi để sớm ổn định cuộc sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo ông Trần Văn Mẫn - phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, với thực trạng sạt lở đất đá và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng tại các khu vực trên, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và tài sản của các hộ dân khu dân cư, người tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 40B.
Huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành sớm có kế hoạch kiểm tra, có hướng chỉ đạo xử lý trước mắt, lâu dài để đảm bảo an toàn cho dân.
Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về nguy cơ sạt lở đất đá điểm dân cư làng Tu Hon, để huyện có cơ sở đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ nguồn vốn xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận