Một ngôi nhà dài truyền thống của người Churu ở làng Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương - Ảnh: THÁI LỘC |
Chúng tôi cũng bàn nhau chủ trương lấy theo họ cha nhưng chưa được thống nhất, bởi vì áp lực của đồng bào dân tộc Churu chúng tôi còn lớn, do truyền thống từ trước đến giờ họ đã theo họ mẹ rồi! |
Già làng Ya Ga |
Con của Quân cũng không theo họ mẹ mà lấy theo họ Kajon của cha như kiểu phụ hệ.
Dịch chuyển quyền lực trong gia đình?
Theo lời kể của một số người dân, sự việc lúc ấy cũng “có bàn ra tán vào” nhưng sau đó người ta quen dần. Vài năm sau, gần nhà Quân có Bơju Ya Thương khi lấy vợ đẻ con, chàng rể này đã “thương lượng” với nhà vợ để lấy họ Bơju của mình đặt cho con chứ không theo họ của vợ.
Trường hợp lấy theo họ cha trong cộng đồng mẫu hệ Churu như Ya Quân hay Ya Thương bây giờ cũng khá phổ biến.
Ngoài ra, cũng có trường hợp trong gia đình mà đặt hai họ. Đó là trường hợp gia đình ông Chu Ru Ya Giới ở xã Tà Hine (huyện Đức Trọng), bốn người con gái lấy theo họ Ma Vương của người mẹ, trong khi ba người con trai lấy theo họ Chu Ru của người cha.
Chưa hết, có khá nhiều gia đình theo hình thức “song họ”, ghép cả hai họ mẹ và cha, mà phần nhiều họ mẹ đặt trước, họ cha đặt sau.
Song cũng có không ít trường hợp người cha “thương lượng” đặt họ của mình trước, họ vợ đặt sau...
TS Võ Tấn Tú, trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Đà Lạt - người chuyên nghiên cứu về văn hóa Churu, nhận xét rằng đang có sự biến đổi về quyền lực trong các đại gia đình mẫu hệ.
Trong một số gia đình, vị trí làm chủ của người phụ nữ chỉ còn mang tính hình thức, tượng trưng; ngược lại thì quyền lực của người chồng ngày càng chiếm ưu thế.
Chàng trai Ya Tỉnh ở làng K’Lot (xã Tu Tra) làm nhà chuẩn bị cưới vợ về. Ngày càng có nhiều đàn ông Churu đưa vợ về nhà sống và lấy họ cha cho con - Ảnh: THÁI LỘC |
Hai chiều quan điểm
Ở làng K’Lot, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, hôm chúng tôi ghé đến, Ya Tỉnh đang cùng nhóm thanh niên trong làng đóng căn nhà gỗ nhỏ ở góc quả đồi, thuộc khu vườn nhà cha mẹ.
Tỉnh cho biết chỉ ba hôm nữa là đến ngày rước dâu về nhà rồi, cho nên phải tranh thủ làm ngày làm đêm mới kịp xong nhà.
Chàng trai này có 5 năm xuất khẩu lao động ở Malaysia và một thời gian làm việc ở Sài Gòn. Đến nay 30 tuổi, như chim bay cánh mỏi, anh về quê lấy vợ, xin đất cha mẹ làm nhà để đưa vợ về sinh sống...
“Thì cứ đưa vợ về nhà đã, nếu thấy làm ăn ở đây không được thì dắt nhau về thành phố hoặc chỗ nào làm ăn được thì đến thôi” - Tỉnh nói.
Lứa thanh niên người Churu ngày nay đi ra bên ngoài như Tỉnh không phải ít. Đó có thể là đi học đại học, cao đẳng, sau khi tốt nghiệp thì ở lại để tìm cơ hội làm việc ở các đô thị như Đà Lạt, Bảo Lộc hay TP.HCM.
Có nhiều trường hợp đi làm ăn xa, rồi lấy vợ, lấy chồng là người ngoài dân tộc Churu. Nhờ nhiều con đường giao lưu và tác động từ bên ngoài như thế mà quan niệm về hôn nhân gia đình trong cộng đồng Churu hiện nay đang có những biến chuyển nhất định.
Ngay cả những thành phần hiểu biết, có uy tín, những già làng, trưởng họ cũng đang chủ ý thay đổi dần dần khá nhiều điều trong luật tục ấy.
Già làng Bơni Ya Ga, với vai trò chủ tịch Hội đồng bào tự quản xã Tu Tra, cho biết kể từ năm 1997, công việc thường xuyên của ông là “làm công tác phong tục tập quán, cái gì hay thì giữ lại cho văn hóa của dân tộc, cái gì không phù hợp với thời đại thì hạn chế rồi dần bỏ đi. Nhưng làm từng bước chứ không phải một sớm một chiều!”.
Riêng đối với những luật tục liên quan đến chế độ mẫu hệ, ông cho biết từng bàn bạc với rất nhiều già làng, trưởng họ và những người uy tín của các cộng đồng Churu nhằm thay đổi những tập quán không phù hợp như thách cưới quá cao; đám ma và đám cưới rình rang lãng phí; hoặc con cô con cậu và cận huyết thống không được lấy nhau; lấy chồng lấy vợ phải đủ tuổi theo pháp luật quy định; khi vợ chết thì người chồng không về nhà gốc...
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều phụ nữ Churu cho rằng chế độ mẫu hệ sẽ không mất đi mà sẽ song hành mãi mãi cùng dân tộc Churu.
Ma Vương Nai Huyền là một người học hành khá cao và hiểu biết nhiều về mặt phong tục, đang ở làng Tà In, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, cho rằng: “Chế độ mẫu hệ không mất đâu, vì mỗi dân tộc có một phong tục riêng thì không thể mất được. Nếu để mất cái đó nữa thì còn gì là dân tộc mình nữa!”.
Huyền cũng cho rằng một số biểu hiện trong lớp thanh niên hiện nay học theo kiểu phụ hệ chỉ để hòa nhập, để nâng cao nhận thức và nâng cao đời sống, chứ khó có chuyện quên đi giềng mối cơ bản nhất của dân tộc mình.
Nhận xét về cả hai quan điểm trái chiều này, TS Võ Tấn Tú cho rằng về hình thức, có thể bắt gặp các trường hợp người Churu theo phụ hệ, nhưng không phổ biến và thường rơi vào các nhóm Churu “lưu lạc”, bị ảnh hưởng trong điều kiện xen cư tại cộng đồng mà người phụ hệ chiếm đa số như người Kinh.
Song, việc ngả hẳn theo phụ hệ thì khó có thể diễn ra trong những cộng đồng người Churu quần cư tập trung. Hơn nữa, do gốc gác tách ra từ người Chăm nên người Churu bị chi phối rất mạnh bởi nền văn hóa mẫu hệ của dân tộc Chăm.
Nghiêm cấm kết hôn cùng huyết thống
Chính phủ đã có văn bản điều chỉnh những bất hợp lý liên quan chế độ mẫu hệ thông qua nghị định 32 năm 2002. Trong đó có các điều khoản như: nghiêm cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ hoặc có liên quan dòng họ trong phạm vi ba đời. Đồng thời, nghiêm cấm việc thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng, ché... để dẫn cưới). Các dân tộc có quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng thì ủy ban nhân dân cấp xã, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức thành viên, các già làng, trưởng bản, các vị chức sắc tôn giáo vận động, thuyết phục người dân từng bước xóa bỏ sự bất bình đẳng ấy, bảo đảm họ có các quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. |
Kỳ 1: Lễ dạm ngõ kỳ lạ của người ChuruKỳ 2: Quyền lực của mẹ và cậuKỳ 3: Được 'mua', chàng rể Churu phải làm quần quậtKỳ 4: Anh em cô cậu lấy nhau
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận