15/03/2023 09:22 GMT+7

Người cận thị nặng, viễn thị có nguy cơ mắc bệnh glaucoma

Gia đình có người mắc bệnh glaucoma những người còn lại có nguy cơ mắc tăng gấp 10 lần. Bệnh có nguy cơ gây mù lòa, đến sớm có điều trị được? Có thể phòng ngừa ra sao?

Bác sĩ đang khám mắt cho một bệnh nhân mắc bệnh cườm nước tại Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: T.Tiên

Bác sĩ đang khám mắt cho một bệnh nhân mắc bệnh cườm nước tại Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: T.Tiên

Bác sĩ CKII Trang Thanh Nghiệp, trưởng khoa glaucoma Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết bệnh glaucoma (cườm nước) rất phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.

Bệnh dễ bị bỏ qua

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, số người (tuổi từ 40-80) bị glaucoma trên thế giới vào khoảng 79,6 triệu. Bệnh này được dự đoán tăng lên 111,8 triệu người vào 2040, trong đó bệnh nhân glaucoma người châu Á chiếm 47%.

Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh glaucoma không biết có bệnh và không đi khám. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, con số này có thể tăng tới 90%.

Bệnh glaucoma dân gian thường gọi là cườm nước, thiên đầu thống hay bệnh tăng nhãn áp. Bệnh thường phát triển từ từ, không gây đau đớn nên người bệnh dễ bỏ qua. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện sớm.

Các triệu chứng của glaucoma thường hay bị bỏ qua bao gồm nhức đầu, giảm thị lực từ từ, mờ mắt thoáng qua, cảm giác nặng mắt khi làm việc hoặc nhìn mờ như sương mù, thấy quầng xanh đỏ khi nhìn đèn...

Ở giai đoạn đầu người mắc glaucoma có thể không có triệu chứng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, glaucoma có thể khiến người bệnh mất đi tầm nhìn ngoại vi, giống như đang nhìn qua một ống nhòm và cuối cùng dẫn tới mất toàn bộ thị lực.

Vì vậy, phát hiện bệnh sớm là điều rất quan trọng. Càng chẩn đoán sớm, tổn thương càng ít và thị lực giữ lại được càng nhiều.

Điều trị glaucoma sớm nhất sẽ làm chậm sự phát triển của bệnh, hạn chế khả năng mù lòa. Tùy theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa, các phương pháp điều trị glaucoma bao gồm thuốc, laser hay phẫu thuật. Bệnh nhân glaucoma phải tuân thủ tái khám, theo dõi, điều trị suốt đời.

Người cận thị nặng, viễn thị có nguy cơ cao

Theo bác sĩ Nghiệp, nguyên nhân hàng đầu của bệnh glaucoma là sự tích tụ một lượng nước (thủy dịch) làm tăng áp lực trong mắt, khi (thủy dịch) một lượng nước do mắt tiết ra không thoát ra ngoài tự nhiên khỏi mắt.

Thông thường khi một lượng nước thoát ra khỏi mắt và được thay thế bằng một lượng nước mới, mà mắt sản xuất liên tục. Tuy nhiên, khi có bệnh glaucoma thì đường thoát lưu góc có gì đó không ổn, lượng nước tạo ra sẽ được giữ lại trong mắt, tích tụ dần sẽ làm tăng áp lực lên dây thần kinh thị giác.

Các sợi dây thần kinh thị giác bắt đầu chết do áp lực tăng cao và theo thời gian, tất cả các sợi dây thần kinh đều chết, gây mù hoàn toàn và không thể đảo ngược.

Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, giới và mọi chủng tộc đều có nguy cơ mắc bệnh glaucoma. Trong đó tỉ lệ mắc bệnh glaucoma thường gia tăng theo tuổi: nhóm trên 40 tuổi tỉ lệ mắc bệnh là 1/200; nhóm trên 80 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh là 1/8. Nguy cơ mắc tăng gấp 10 lần nếu gia đình có người bị bệnh.

Ngoài ra nhóm yếu tố nguy cơ cao gồm người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid, cận thị nặng, viễn thị, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt... Gia đình có người mắc bệnh glaucoma, những người còn lại có nguy cơ mắc tăng gấp 10 lần.

Việc thường xuyên kiểm tra mắt định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín sẽ giúp phát hiện và ngăn ngừa bệnh glaucoma.

Tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ nên khám tầm soát định kỳ mỗi năm. Trước 40 tuổi cần đi khám mắt định kỳ mỗi 2-4 năm một lần, từ 40-60 tuổi cần đi khám mỗi 2-3 năm và 1-2 năm đối với người trên 60 tuổi.

Gần 4.000 ca glaucoma nặng nhập viện điều trị mỗi năm

TS Phạm Thị Thủy Tiên, trưởng phòng quản lý chất lượng Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết hiện có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh glaucoma đến Bệnh viện Mắt TP.HCM khám, điều trị, phẫu thuật, trong đó có nhiều ca bệnh nặng do phát hiện bệnh trễ.

Trong năm 2022, khoa glaucoma của bệnh viện tiếp nhận gần 4.000 ca, trong đó 90% ca bắt buộc phải phẫu thuật.

Do bệnh không có triệu chứng nên người bệnh không biết mình mắc bệnh, chỉ đến giai đoạn nặng, người bệnh mới biết.

Bà Tiên cho rằng người dân cần khám tầm soát bệnh glaucoma hằng năm để có thể được phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm để duy trì thị lực tốt cho người bệnh.

Glaucoma có thể dẫn đến mù lòaGlaucoma có thể dẫn đến mù lòa

TT - Glaucoma là gì? Vì sao lại bị bệnh này? Có cách nào phòng tránh được bệnh? BS Trần Thị Phương Thu - giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho biết:

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên