Khiêm từng xuất hiện trong một bài báo viết về tình nguyện viên chống COVID-19. Bài báo này hiện đã gỡ - Ảnh: chụp màn hình
Người này cũng được xác định làm giả giấy khen là thạc sĩ - bác sĩ, công tác tại khoa tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy.
Nguyễn Quốc Khiêm nói: "Khi đăng ký tham gia tình nguyện, tôi chỉ muốn góp sức giúp bệnh nhân thôi. Nhưng khi sự việc xảy ra, tôi nhìn nhận lại thấy mình có rất nhiều lỗi sai và cái sai đó rất lớn, có thể sẽ phải đối diện với pháp luật".
Thừa nhận giả danh
* Việc thông tin anh giả danh bác sĩ điều trị cho F0 là đúng sự thật?
- Dạ, đúng.
* Không phải là bác sĩ, anh làm cách nào để hợp thức hóa được các loại giấy tờ để Trường ĐH Y dược TP.HCM xác nhận, "lọt" qua nhiều khâu để vào khu cách ly làm việc như một bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn ra các y lệnh liên quan đến tính mạng người bệnh?
- Đến giờ này tôi rất buồn với các lỗi lầm mình gây ra. Trước đây khi dịch bắt đầu bùng phát, tôi có tham gia trong đội lấy mẫu cộng đồng của quận 3, sau đó một số người khuyên tôi tiếp tục tình nguyện vào khu cách ly.
Trong một lần lên trang "Chia sẻ y học…", tôi thấy Trường ĐH Y dược TP.HCM đăng thông tin tuyển tình nguyện viên nên ghi danh. Ngày 13-7-2021, tôi có quyết định đến khu cách ly của Trường CĐ Điện lực TP.HCM (Q.12) làm việc đến ngày 1-10-2021.
* Về giấy khen giả mạo thì sao?
Khiêm cho hay việc làm giấy khen giả chỉ muốn về khoe với ngoại - Ảnh: A.X.
- Tôi chép trên mạng, và không biết được hình thức trình bày của một tờ giấy khen ra sao cả! Gia đình vẫn biết tôi học y và khi làm điều này, tôi chỉ muốn về khoe với ngoại là con được như vậy thôi.
* Mục đích của việc làm giả hồ sơ để được vào làm ở khu cách ly, làm giả giấy khen trong phòng chống dịch là gì? Có người còn tố cáo anh lấy tiền của người bệnh tử vong?
- Ban đầu tôi chỉ muốn tham gia chống dịch thôi. Lỗi của tôi rất lớn đã giả mạo như thế, nhưng tôi không hề trục lợi gì cho bản thân và gia đình. Mỗi khi nhà hảo tâm tài trợ rau, gạo, tôi và một chị (lúc ấy là trưởng khu cách ly) phát cho người dân, người bệnh.
Ngoài ra tất cả các số tiền mọi người có ủng hộ cho khu cách ly đều do thủ quỹ giữ, tôi không hề đụng vào các khoản tiền đó.
"Tôi chỉ làm các việc đơn giản"
* Nhiệm vụ cụ thể của anh ở trong khu cách ly là gì?
- Ở khu cách ly quận huyện, các bệnh nhân triệu chứng nhẹ và phác đồ điều trị đều do Bộ Y tế quy định. Tôi chỉ làm các công việc đơn giản như ghi lại số thuốc trong ngày; thăm khám kiểm soát nồng độ Sp02 (oxy trong máu), theo dõi nhiệt độ, hỏi bệnh nhân có được khỏe hay không. Còn nếu chuyển nặng sẽ chuyển lên tuyến trên điều trị.
* Với trình độ chỉ là y sĩ đa khoa, việc chăm sóc, thậm chí điều trị bệnh nhân F0 liệu có đảm bảo an toàn cho tính mạng của người bệnh không?
- Nếu chỉ một mình, chắc chắn tôi không đảm bảo được. Lúc tham gia công tác chuyên môn, tôi cũng chỉ phát thuốc men đơn thuần cho người bệnh theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Mỗi lần thực hiện đều có hỏi ý kiến của các bác sĩ trong khu cách ly, đồng thời tham mưu ý kiến của các bác sĩ cấp trên để cùng thống nhất đưa ra các quyết định.
* Báo có đăng anh từng điều trị khỏi bệnh cho nhiều F0, thực hư câu chuyện này là sao?
- Đúng thế, nhưng đây không phải là sức lực của mình tôi, mà của tập thể. Để điều trị được cho các bệnh nhân ấy, ngoài chuyên môn sẵn có là y sĩ đa khoa, tôi cũng đọc sách, đồng thời hỏi ý kiến của nhiều bác sĩ để đưa ra quyết định tốt nhất cho người bệnh.
"Sai rất lớn"
* Có nhiều ý kiến phản ánh có lúc anh không nhận bệnh nhân?
- Khu của tôi làm chỉ có xấp xỉ 20 giường, một số trường hợp chuyển đến không báo trước để sắp xếp. Thực sự lúc ấy cao điểm dịch, tôi không có cách nào tiếp nhận. Nhưng tôi không tự quyết, mà có hỏi ý kiến người quản lý khu cách ly và được biết có quyền từ chối khi không còn nơi để tiếp nhận.
* Anh hưởng chế độ ra sao?
- Chế độ của tôi bị cắt. Từ lúc vào làm đến lúc nghỉ, tôi chỉ nhận được số tiền chuyển khoản chống dịch hơn 6 triệu đồng (mới nhận sau Tết). Trước đó trong một lần UBND Q.12 đi thăm, tôi có một lần được nhận chung cùng với tất cả mọi người số tiền 200.000 đồng, nhưng không lấy mà hùn vào mua đồ ăn.
Bây giờ tôi rất cắn rứt, muốn nói lời xin lỗi tới cộng đồng, người bệnh và các đơn vị liên quan vì đã làm một việc không đúng với nghĩa vụ mình.
Nguyễn Quốc Khiêm sinh năm 1996, quê Ninh Thuận, học Cao đẳng Sài Gòn - Gia Định, niên khóa 2016-2018 (trung cấp, chuyên môn y sĩ đa khoa). Anh xác nhận chưa bao giờ học ở Trường ĐH Y dược TP.HCM và chưa từng thực tập, làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. "Từ khi ra trường đến nay, tôi chưa làm ở đâu cả, có ôn thi lại đại học 2 lần nhưng không đậu. Trong suốt quá trình tình nguyện, tôi cũng không nhận được bất cứ khen thưởng hoặc ghi nhận nào từ phía ngành y tế", Khiêm nói.
Từng nghi ngờ Nguyễn Quốc Khiêm không phải là bác sĩ
Một người là bác sĩ làm việc tại khu cách ly nêu trên cho biết ban đầu khi mới thành lập khu cách ly chỉ có 2 bác sĩ và 9 dân quân. Sau này bệnh nhân đông, có 6 sinh viên được điều đến hỗ trợ, trong đó Khiêm xưng là bác sĩ.
"Dù chuyên môn vậy nhưng cách lấy mẫu của Khiêm lại không đúng kỹ thuật. Có lần tôi hỏi Khiêm có cấp phát thuốc kháng virus cho bệnh nhân không nhưng Khiêm nói không biết các loại thuốc đó. Tôi đã bắt đầu nghi Khiêm không phải là bác sĩ", người này nói.
Người này còn cho biết, Khiêm làm từ đầu mùa đến cuối mùa dịch, cũng có thể coi như quản lý của khu cách ly đó. "Khiêm hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện tâm lý bất thường", người này khẳng định. (THU HIẾN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận