Chị Nguyễn Thị Phương Liên - nhân viên phòng CTXH - hướng dẫn người nhà một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: HOÀNG LỘC
"Họ và tên VD 78444, khoảng 60 tuổi, cao khoảng 1m55. Vào viện lúc 11h20 ngày 4-9. Tình trạng có máu tụ dưới màng cứng trán phải bởi chấn thương sọ não, viêm phổi nặng. Tử vong lúc 2h47 ngày 8-9".
Đó là những dòng thông tin ngắn ngủi trên hồ sơ bệnh án của một bệnh nhân vô danh vừa qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Giống như bao bệnh nhân xấu số khác, kể từ khi nhập viện đến giây phút nhắm mắt xuôi tay, bệnh nhân này không có một bóng dáng người thân bên cạnh.
Không được buông bỏ là mệnh lệnh từ trái tim, buộc người thầy thuốc phải ra tay cứu người, bất kể bệnh nhân là ai.
Một lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân "VD 78444"
Lật giở lại từng trang hồ sơ bệnh án của bệnh nhân này không có thông tin gì đặc biệt, ngoài những dòng ghi chú về tình trạng, nơi tìm thấy cuối cùng: "Bệnh nhân được chuyển đến khoa cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật. Theo Công an Q.6, trước đó bệnh nhân được phát hiện nằm gục tại một gốc cây trong công viên Phạm Đình Hổ".
Trước khi chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy, người đàn ông này được bác sĩ ở Bệnh viện Q.6 sơ cứu ban đầu.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt các bác sĩ tiếp nhận là một người đàn ông ốm tong teo, nằm thượt dài, thoi thóp trên băng ca, sức lực gần như suy kiệt, không còn nhận biết được điều gì xung quanh khiến việc khai thác thông tin bệnh án trở nên vô vọng.
Mã số "VD 78444" được đặt dùng thay thế cho tên tuổi trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân không tên, không tuổi, không người thân thích, không địa chỉ liên lạc này.
Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân vô danh mang mã số 78444 đã qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: NGUYÊN HẠNH
Với kinh nghiệm 20 năm tiếp xúc người bệnh, từ khi tiếp nhận ca bệnh đặc biệt này, điều dưỡng trưởng khoa chấn thương sọ não Phạm Thủy Tiên có những dự cảm về một trường hợp vô danh.
"Trên người bệnh nhân không có bất cứ thứ giấy tờ, vật dụng gì đáng giá. Bộ đồ đang mặc rách rưới, chắp vá trông rất thảm thương, da dẻ đen nhẻm lem luốc với mái tóc dài lâu ngày không được gội".
Các đặc điểm này là "đặc điểm chung" giống với nhiều thân phận vô danh nhập viện trước đó, giống với cuộc sống của người vô gia cư, lang bạt.
Không được buông bỏ, gánh nặng lúc này được đặt lên vai người thầy thuốc, buộc họ phải ra tay cứu người, bất kể bệnh nhân là ai.
"Kể từ khi nhập viện, bệnh nhân thậm chí còn được chăm sóc theo diện đặc biệt. Ngoài việc vận mạch hồi sức, truyền thuốc, các điều dưỡng được phân công túc trực ngày đêm lau rửa vệ sinh, thông tiểu, xoay trở người bệnh và tiếp dinh dưỡng để duy trì sự sống" - bác sĩ Nguyễn Diệu Hiền, khoa hồi sức ngoại thần kinh, kể.
Sức khỏe suy kiệt quá mức, kèm theo xuất huyết do chấn thương sọ não, viêm phổi nặng..., tính mạng người đàn ông này liên tục bị đe dọa.
Hết thăm khám, các bác sĩ của cả 5 khoa lại được điều động hội chẩn nhiều lần nhằm đưa ra các phương án điều trị tiếp theo. Thế nhưng mọi nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ chỉ kéo dài thêm sự sống cho bệnh nhân 4 ngày.
"Bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng lúc gần 3h sáng, cả êkip chăm sóc ai cũng cảm giác buồn bã dù đã cố hết sức và biết trước bệnh tình của người đàn ông này khó có thể phục hồi" - bác sĩ Hiền nói.
Sổ tìm thân nhân trong Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Đến nay đã có 25 cuốn sổ như vậy, với hơn 3.000 lượt thân nhân được hỗ trợ - Ảnh: HOÀNG LỘC
Cái chết gần hơn sự sống
Sáng sớm một ngày đầu tháng 8-2018, chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) hú còi inh ỏi lao nhanh vào khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Trên xe, điều dưỡng Trịnh Văn Doanh cố ghìm chặt ống thở oxy tránh tuột ra khỏi miệng một bệnh nhân vô cùng đặc biệt: toàn thân bị cháy sém, cái chết gần hơn sự sống.
Trong thông báo của Bệnh viện Chợ Rẫy sau đó, những thông tin tối thiểu về tên tuổi, quê quán, nơi cư trú của bệnh nhân này khá mơ hồ. Chỉ biết rằng bệnh nhân nam khoảng 40 tuổi, có địa chỉ tạm trú trên đường Phan Chu Trinh (P.2, TP Vũng Tàu).
Tại sao bị phỏng và phỏng ở đâu? Ai là người thân của bệnh nhân? Hàng loạt câu hỏi được các y bác sĩ đặt ra nhưng cuối cùng không có lời giải đáp. Thân phận người bệnh này cứ thế càng trở nên bí ẩn.
Chỉ ít phút vào khoa cấp cứu, bệnh nhân này nhanh chóng được chuyển thẳng lên khoa phỏng để các bác sĩ kịp xử trí hồi sức cấp cứu.
"Bệnh nhân bị phỏng rất nặng, tuyến dưới đã bó tay. Lúc tiếp nhận toàn thân cháy sém rất khó nhận dạng, kèm theo đó người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê sâu buộc phải đặt nội khí quản, không thể bắt được mạch" - điều dưỡng trưởng khoa phỏng Nguyễn Thị Quỳnh Giao nói và cho biết kết quả sau đó xác định bệnh nhân bị phỏng đến 78%, trong đó có gần 70% phỏng độ 3 (mức độ tổn thương nghiêm trọng).
Bệnh nhân chỉ có thể tiếp nhận được xúp xay truyền bằng đường ống để kéo dài sự sống.
Dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, chỉ sau một ngày nhập viện, bệnh nhân đã qua đời. Sau đó, bệnh viện gửi thông báo đến địa phương và đăng tin tìm thân nhân trên báo chí nhưng đến nay mọi thông tin về người thân của bệnh nhân xấu số này vẫn bặt vô âm tín...
Tìm người bệnh thất lạc trong bệnh viện
ThS Lê Minh Hiển, trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2018 đơn vị đã hỗ trợ gần 3.000 thân nhân tìm người bệnh thất lạc trong bệnh viện.
"Việc làm này rất ý nghĩa, không chỉ giúp các nhân viên cấp cứu có thời gian tập trung tiếp nhận bệnh tốt hơn, người nhà bệnh nhân cũng có chỗ để nhờ cậy lúc nguy cấp".
Đến nay, chồng sổ ghi "tìm người thân" lên đến con số 25 cuốn. Sổ được ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ các đặc điểm của người bệnh, giúp nhiều người bệnh vô danh được tìm thấy.
Chỉ cần một số thông tin ít ỏi về thời gian, tên tuổi của họ, bệnh viện sẽ có cơ sở hơn khi xác định trên hệ thống điện tử.
*************************
Kỳ tới: Hành trình tìm kiếm gian nan
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận