27/11/2018 13:44 GMT+7

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 5: Chàng trai Syria học lắp chân tay giả

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Hai năm trước, anh Yazan Safi người Syria được một người bạn giới thiệu hai khóa học lắp chân tay giả có học bổng toàn phần, một ở Việt Nam và một ở quốc gia Đông Phi Tanzania. Cuối cùng, Safi quyết định chọn theo học ở Việt Nam.

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 5: Chàng trai Syria học lắp chân tay giả - Ảnh 1.

Yazan Safi thời còn làm tình nguyện viên cho Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Ả Rập ở Syria, chi nhánh Damascus - Ảnh: NVCC

Tôi chỉ ước mong Syria hết chiến tranh để khi tốt nghiệp khóa học ở Việt Nam tôi sẽ quay về giúp những người cần được giúp đỡ ở Syria. Xong rồi tôi sẽ quay trở lại Việt Nam sinh sống bởi vì tôi đã trót yêu đất nước này.

YAZAN SAFI


Lý do, với Yazan Safi, rất đơn giản: "Việt Nam từng trải qua chiến tranh đau thương nên sẽ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này".

Học để giúp người Syria

Sau đó, Safi dành thời gian đọc nhiều sách để tích lũy thêm kiến thức về lĩnh vực y học khá phức tạp này. Nhờ tiếng Anh thông thạo và kiến thức học được, Safi nhận được học bổng toàn phần khóa học chính quy tại Trung tâm chấn thương chỉnh hình VIETCOT, Hà Nội.

Cùng với Safi, hai người Syria khác cũng được tài trợ toàn phần khóa học này bao gồm toàn bộ học phí và sinh hoạt phí 200 USD/tháng, kéo dài 3 năm, bắt đầu từ tháng 9-2016.

Lớp học của Safi có rất ít sinh viên, bao gồm: 3 người Syria, 1 người Malaysia và 9 người Việt. Theo chương trình khóa học, các sinh viên như Safi sẽ được cung cấp những kiến thức y học cơ bản về chỉnh hình chân tay giả.

Theo đó, các học viên sẽ học những kỹ thuật chế tạo và dụng cụ chỉnh hình, được đào tạo về những kiến thức chăm sóc sức khỏe tinh thần người bệnh sau lắp đặt, giúp phục hồi chức năng hiệu quả cho những người khuyết tật.

"Học hành ở trường khá vất vả vì nhiều lúc học viên phải mang vác liên tục những khuôn chân tay nặng từ 40-50kg" - Safi than thở.

Safi kể trước khi cuộc xung đột Syria bắt đầu năm 2011, theo quy định của chính phủ, các thanh niên Syria phải nhập ngũ trong 2 năm sau khi kết thúc cấp III.

Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, chính phủ quyết định giữ lại tất cả những người trong quân ngũ. Tức là những người gia nhập quân ngũ từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được về nhà. Do đó, nhiều thanh niên quyết định rời Syria.

Theo chính sách của Syria, nếu rời đất nước trong 4 năm, sau đó trở về quê hương và nộp những giấy tờ cần thiết chứng minh đã ở nước ngoài trong 4 năm và đóng lệ phí 8.000 USD, những thanh niên này được phép miễn quân ngũ.

Safi cho biết chính sách này hiện tại vẫn còn hiệu lực ở Syria. Nhưng anh không rời đất nước Syria theo lý do này.

"Tôi rời Syria bởi vì tôi có được một học bổng tốt ở Việt Nam. Tôi muốn học hỏi những kiến thức ở đây và khi trở về Syria có thể giúp đỡ những người mất chân tay do bom đạn trong chiến tranh. Cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm, rất nhiều người dân Syria cần sự giúp đỡ" - chàng trai 25 tuổi chia sẻ.

Theo một báo cáo của UNICEF công bố đầu năm nay, có trên 1,5 triệu người ở Syria có sức khỏe suy yếu do chiến tranh gây ra, bao gồm 85.000 người mất chân tay do bom đạn.

Ngoài việc học ở trường VIETCOT, Safi còn làm thêm nghề huấn luyện viên thể hình ở Hà Nội với chuyên ngành tư vấn chấn thương. Anh cho biết thể hình chính là đam mê cá nhân của mình.

Người Ả Rập ở Việt Nam - kỳ 5: Chàng trai Syria học lắp chân tay giả - Ảnh 3.

Những binh lính Syria bị mất chân khi chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Syria đang điều trị vật lý trị liệu ở Bệnh viện Ahmad Hamish Martyr tại Damascus, Syria - Ảnh: AP

Chỉ mong hòa bình cho Syria

Trước khi sang Việt Nam học, Yazan Safi làm điều phối truyền thông cho Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Ả Rập ở Syria, chi nhánh Damascus trong 5 năm và là sinh viên Trường quốc tế khoa học và công nghệ Syria.

Khoảng thời gian làm tình nguyện ở Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Ả Rập ở Syria (giúp đỡ và cung cấp cho người vô gia cư chăn mền, ngũ cốc, thực phẩm…) giúp Safi nhận rõ hậu quả nặng nề của chiến tranh và tầm quan trọng của hòa bình như thế nào.

Trong ký ức của Safi, đất nước Syria quê hương anh từng rất thanh bình. Tuy nhiên, mọi chuyện bây giờ đã khác.

"Bây giờ tôi chỉ ước hòa bình cho quê hương tôi" - giọng Safi chùng xuống.

Safi cho biết sự yên bình ở Hà Nội bây giờ khiến anh nhớ quê nhà Damascus.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Safi nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần với giọng tự hào rằng thành phố Damascus quê hương anh là một trong những thành phố cổ nhất còn lưu giữ các giá trị lịch sử lâu đời có niên đại ít nhất 11.000 năm tuổi.

Và thủ đô Damascus từng được tôn vinh bằng nhiều mỹ danh như "hòn ngọc của phương Đông", "vườn hoa giữa sa mạc", "thiên đường trên mặt đất"… trước khi cuộc khủng hoảng Syria xảy ra.

"Tôi đã đi nhiều nước nhưng tôi thích cuộc sống ở Hà Nội bởi vì thủ đô này có nền văn hóa đặc sắc truyền thống như Damascus. Tôi có cảm giác như mình ở nhà khi ở Việt Nam" - anh bộc bạch.

Chàng trai có mẹ là người Hi Lạp và bố người Syria cho biết anh rất cảm mến lòng hiếu khách của người dân Việt Nam.

Safi kể có lần anh và một người bạn đi phượt ở Mộc Châu. Lúc 1h30 sáng, cả hai xe đều hết xăng, đường tối om, không một bóng người. Sau đó, một người địa phương phát hiện và giúp đỡ.

"Ông ấy không chỉ đổ xăng, rửa xe, thay nhớt cho chúng tôi mà còn tử tế mời ăn tối và cho tá túc qua đêm" - anh nhớ lại kỷ niệm không thể quên ở Việt Nam.

Anh chàng Syria thẹn thùng chia sẻ là đã thưa với bố mẹ ở quê nhà Damascus rằng anh sẽ lấy vợ Việt Nam và nhận được sự ủng hộ của gia đình.

"Bạn gái tôi nói rằng nếu tôi muốn lấy một cô gái người Việt làm vợ thì phải học tiếng Việt. Đó là lý do tôi đang nỗ lực học tiếng Việt" - Safi mỉm cười hạnh phúc.

Sẽ cưới vợ người Việt

Safi có bạn gái là người Việt, hiện đang là sinh viên khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và anh khoe mình có tên tiếng Việt là Ma Cường.

"Lúc gặp bố mẹ bạn gái, họ cũng ngạc nhiên khi biết tôi đến từ Syria. Tôi giải thích với cô chú là Syria không phải là một đất nước vỡ vụn bởi chiến tranh như mô tả trên tivi và các phương tiện truyền thông, mà nhiều nơi ở Syria rất thanh bình.

Sau khi nghe tôi giải thích, bố mẹ cô ấy vui vẻ chấp thuận" - Safi nhớ lại lần đến nhà ra mắt gia đình bạn gái ở Hà Nội.

Kỳ tới: Người mẫu Palestine yêu thơ ca Việt Nam

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên