23/11/2012 00:27 GMT+7

Ngừng bắn ở dải Gaza

TẤN KHOA - T.N.
TẤN KHOA - T.N.

TT - Cuộc ngừng bắn có hiệu lực tại dải Gaza sau thỏa thuận giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine đã tạm thời đặt dấu chấm dứt hơn một tuần xung đột đẫm máu với cái giá 160 người Palestine và năm người Israel thiệt mạng.

MvvyLY4O.jpgPhóng to
Người dân Palestine tại Gaza đổ ra đường vui mừng sau khi hay tin về thỏa thuận ngừng bắn - Ảnh: Reuters

Theo AFP, tại dải Gaza bị tan nát sau tám ngày không kích liên tục của Israel, người dân đã đổ ra đường reo hò ăn mừng ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực từ 2g ngày 22-11 (giờ Việt Nam). Theo thỏa thuận, Israel chấm dứt không kích Gaza cũng như các vụ ám sát cá nhân tại Gaza, nới lỏng phong tỏa Gaza và mở cửa biên giới cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. Còn Hamas phải chấm dứt mọi cuộc tấn công nhằm vào Israel như bắn tên lửa và các cuộc tấn công dọc biên giới.

Thỏa thuận được thông qua sau những nỗ lực ngoại giao con thoi của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tổng thống và ngoại trưởng Mỹ tại Trung Đông cũng như áp lực của cộng đồng quốc tế.

Bao lâu?

Ba tiếng sau lệnh ngừng bắn, Thủ tướng Israel Netanyahu cảnh báo “sẽ tấn công dữ dội hơn” và không loại trừ một cuộc tiến công mặt đất nếu Hamas tiếp tục bắn tên lửa. “Không quốc gia nào có thể tha thứ cho việc người dân của mình bị tấn công. Nếu đây là cơ hội để đạt được một giải pháp lâu dài thông qua các biện pháp ngoại giao thì chúng tôi ủng hộ. Nhưng nếu không, tôi bảo đảm là Israel sẽ bằng mọi giá hành động để bảo vệ nhân dân mình” - Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh.

Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn, Hamas đã bắn 12 quả tên lửa về Israel. Những quả tên lửa này chủ yếu rơi xuống vùng trống ở phía nam Israel nên không gây thương vong hay thiệt hại gì.

Trong vòng 24 giờ tới là giai đoạn dạo đầu của thỏa thuận, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh cần phải có một giải pháp lâu dài hơn. Giải pháp lâu dài đó chính là chấm dứt buôn lậu vũ khí và các tên lửa tầm trung, tầm dài của Iran cung cấp cho Hamas qua hàng trăm đường hầm ở biên giới Ai Cập và Gaza. Các đường hầm này được Hamas dùng để buôn lậu vũ khí và vận chuyển thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men cùng các hàng hóa khác vào Gaza để đối phó với tình trạng phong tỏa của Israel. Nhà nghiên cứu Adam Hug thuộc Trung tâm Chính sách đối ngoại London cho rằng nếu Hamas vẫn duy trì được nguồn cung cấp đạn dược và hàng hóa vận chuyển từ tuyến đường hầm này thì khả năng Israel áp đảo Hamas vẫn không chắc chắn.

Hiện không có cuộc đàm phán nào về giải giáp vũ trang của Hamas hoặc ngăn chặn Hamas tái vũ trang. Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren ước tính khoảng 90% tên lửa tầm xa của Hamas đã bị tiêu diệt trong các chiến dịch của Israel. Chuyên viên phân tích Yiftah Shapir thuộc Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia ở Tel Aviv ước tính Hamas có thể còn lại 10-20% số tên lửa của mình.

Ai được? Ai mất? Ai thắng?

Theo nhận định của giới chuyên gia, cuộc xung đột lần này ở dải Gaza được phát động nhằm phục vụ những toan tính chính trị của cả Hamas lẫn chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel Netanyahu. Theo trang RT.com, thời điểm khơi mào cho cuộc xung đột diễn ra chỉ hai tháng trước cuộc tổng tuyển cử ở Israel. Cuộc chiến Gaza sẽ giúp liên minh tranh cử của Thủ tướng Netanyahu và Ngoại trưởng Lieberman tăng thêm uy tín và củng cố cơ hội thắng cử trong cuộc bầu cử dự kiến vào đầu năm 2013.

“Cuộc tấn công này chỉ là một trong những cách mà ông Netanyahu thể hiện quyền lực tại Israel, cho thấy Israel không yếu đuối” - Eric Draitser, một nhà phân tích địa chính trị thuộc Tổ chức Stop Imperialism, nhận định. Trước đó, Israel đã không thể thuyết phục Mỹ bật đèn xanh cho một cuộc tấn công Iran.

Trong khi đó, cuộc xung đột ở dải Gaza cũng mang lại cho Hamas một vị thế mới với sự ủng hộ ngày càng tăng cả ở trong nước lẫn khu vực. Hamas còn giành thêm một thắng lợi khác khi phần nào phá vỡ được thế trận bao vây do Israel áp đặt trong gần sáu năm qua về ngoại giao và quân sự. Lần đầu tiên sau hàng chục năm, hai thành phố quan trọng của Israel là Tel Aviv và Jerusalem đã bị tên lửa của Hamas bắn tới. Với điều khoản Israel nới lỏng phong tỏa dải Gaza, Hamas cũng ghi điểm quan trọng trước đối thủ chính trị là phong trào Fatah ở Bờ Tây. Tại cuộc họp báo ở Cairo, thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn chứng tỏ phương pháp đấu tranh vũ trang của Hamas ưu việt hơn chính sách chỉ biết dựa vào ngoại giao của Fatah. “Đây là bài học cho thấy sự kháng cự tới cùng chính là giải pháp” - ông Meshaal nhấn mạnh.

Mặc dù còn quá sớm để khẳng định thỏa thuận ngừng bắn sẽ thực hiện được tới đâu, song báo Ha’Aretz khẳng định người chiến thắng đầu tiên trong cuộc xung đột này chính là những thường dân.

Mỹ chưa thể rời bỏ Trung Đông

Xung đột tại dải Gaza cũng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với Tổng thống Mỹ Obama về một hồ sơ còn dang dở ở Trung Đông. Trong khi chuyển trọng tâm chính sách sang châu Á - Thái Bình Dương, Washington cũng không thể sao nhãng cuộc xung đột Israel - Palestine và không thể quay lưng lại với khu vực Trung Đông.

“Tôi chỉ mỉm cười khi người ta nói về chuyển dịch trọng tâm sang châu Á. Trung Đông sẽ không để Mỹ ra đi dễ dàng như vậy. Vẫn còn nhiều điều cần sự tham gia của Mỹ tại đây” - cựu đại sứ Mỹ tại Israel và Ai Cập Daniel Kurzer nói với AFP.

Câu hỏi là liệu Tổng thống Obama sẽ xem cuộc khủng hoảng ở Gaza “như một trận cháy rừng” cần phải dập tắt, hay sẽ tận dụng khoảnh khắc này để thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, như một giải pháp căn bản, lâu dài đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực?

TẤN KHOA - T.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên