Cô Võ Thị Thanh Hương - hiệu trưởng - cho hay trường được Hiệp hội Kỷ niệm Kim Man Duck (Hàn Quốc) tài trợ xây dựng với kinh phí hơn 9,3 tỉ đồng. Ngày 29-2-2012, trường cắt băng khánh thành. Hiện trường có 24 cán bộ, giáo viên và 276 học sinh người dân tộc Raglai.
Trao đổi kinh nghiệm dạy học
"Trường được tách ra từ Trường tiểu học Suối Cát. Từ khi thành lập, việc đi học của các em thuận tiện hơn. Giai đoạn đầu các thầy cô phải đến từng nhà vận động các em đi học. Bây giờ người dân đã cho con theo học đầy đủ" - cô Hương kể.
Trường tiểu học Khánh Hòa - Jeju và Trường tiểu học Halla (Jeju, Hàn Quốc) đã ký bản ghi nhớ kết nghĩa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, dạy và học. Hằng năm, cán bộ, giáo viên và học sinh hai trường qua lại tham quan, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp dạy học cũng như tìm hiểu về văn hóa, giáo dục của hai đất nước.
"Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6, trường sẽ có năm giáo viên hoặc cán bộ của phòng giáo dục và mười học sinh ngoan, có sức khỏe tốt được chọn sang Hàn Quốc. Các em sẽ được trải nghiệm văn hóa, tham quan các điểm du lịch trên đảo Jeju và kết bạn với những học sinh Hàn. Chi phí đi lại, ăn ở hoàn toàn do nước bạn tài trợ. Chuyến đi thông thường kéo dài khoảng 4-5 ngày" - cô Hương kể.
Theo cô Hương, sau chuyến đi, mỗi em phải viết nhật ký cảm nhận của mình. Từ đó, các em so sánh với cuộc sống hiện tại của mình để thay đổi những thói quen, phong tục tập quán lạc hậu theo hướng tích cực hơn.
Những chuyến đi Hàn Quốc đáng nhớ
Hằng năm, học sinh Hàn Quốc cũng đến giao lưu với học sinh Trường tiểu học Khánh Hòa - Jeju. Năm 2019, đoàn khách tỉnh Jeju gồm 17 người đã đến thăm, giao lưu và tặng quà cho các em học sinh của trường. Gần đây nhất, năm 2022, Hiệp hội Bác sĩ Hàn Quốc đã đến khám sức khỏe cho học sinh và tặng quà cho trường.
"Từng đi cùng đoàn sang Hàn Quốc, tôi cảm thấy chuyến đi không đơn thuần là giao lưu học hỏi, đó là chuyến đi thắt chặt tình hữu nghị hai nước qua cầu nối giáo dục. Bản thân tôi cũng học ở họ sự cởi mở, tận tình. Sau mỗi chuyến đi, học sinh năng động hơn và có suy nghĩ tích cực. Nhiều phụ huynh thấy con em được sang nước bạn, học được điều hay cũng rất thích và mong muốn con mình được chọn sang nước bạn để giao lưu" - cô Hương nói.
Từng được chọn đi Hàn Quốc giao lưu vào năm 2017, em Mang Thành Danh (hiện đang là học sinh lớp 11 Trường THPT Đoàn Thị Điểm) nhớ lại:
"Lúc đó em đang học lớp 5. Đi cùng em có chín bạn và ở lại Hàn Quốc khoảng gần một tuần. Lúc mới đến, mọi thứ với em đều xa lạ. Em được các cô chú và những người bạn tại đây đưa đi mua sắm, tham quan bảo tàng, đài truyền hình... Thú vị nhất là em được ghép cặp với một bạn nam Hàn Quốc và được bố mẹ bạn đưa về nhà tham quan".
Ấn tượng với trang phục thổ cẩm
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh tâm sự cả đoàn ấn tượng với hệ thống giáo dục được đầu tư rất hiện đại tại Hàn Quốc. Trước khi đi, mười em học sinh được trường tập các tiết mục văn nghệ để biểu diễn cho phần giao lưu văn hóa. Ngay khi thấy những em nhỏ trong trang phục thổ cẩm của người Raglai, các cô chú tại Hàn Quốc rất thích, ồ lên và chụp hình với các em.
"Tôi tin việc lần đầu đi máy bay sang một đất nước xa lạ, được đón tiếp như đang ở nhà chính là trải nghiệm thú vị của các em. Tôi mong sẽ có nhiều chuyến đi để các em có thể học những điều hay từ nước bạn" - cô Oanh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận