26/08/2006 06:24 GMT+7

Ngôi làng "tuyệt mỹ giai nhân"

VŨ BÌNH - THÁI LỘC
VŨ BÌNH - THÁI LỘC

TT - Ngôi làng Kim Long nằm soi bóng dòng sông Hương từng nổi tiếng có nhiều cô gái đẹp của xứ Huế được các vua nhà Nguyễn tuyển chọn vào cung. Và quanh đó là những câu chuyện, giai thoại về ngôi làng “tuyệt mỹ giai nhân” này.

CuiMVpy2.jpgPhóng to
Ảnh: Thái lộc
TT - Ngôi làng Kim Long nằm soi bóng dòng sông Hương từng nổi tiếng có nhiều cô gái đẹp của xứ Huế được các vua nhà Nguyễn tuyển chọn vào cung. Và quanh đó là những câu chuyện, giai thoại về ngôi làng “tuyệt mỹ giai nhân” này.

Kỳ 1: Nơi khai sinh dòng sông Kỳ 2: Huyền thoại giữa rừng già Kỳ 3: "Dòng sông hoàng gia”

“Kim Long có gái mỹ miều”

Làng Kim Long hiện ra trước mặt chúng tôi với những vườn cây ăn trái trĩu quả soi mình bên dòng sông Hương lặng lờ trôi. Kim Long đã từng nổi tiếng từ thời vua Thành Thái với câu ca dao:

Kim Long có gái mỹ miềuTrẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi.

Tại phủ Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ nằm ngay bờ sông Hương, anh Nguyễn Hữu Hồng Kỳ - người cháu của Vĩnh Quốc Công - cho biết câu ca dao trên xuất phát từ cảm xúc chân tình của vua Thành Thái khi lần đầu tiên nhà vua đến làng Kim Long, ghé nhà ông Nguyễn Hữu Độ.

oLnL5cXE.jpgPhóng to

Cô gái Kim Long trong khu nhà vườn bên sông Hương - Ảnh: Thái Lộc

Thời đó, Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ có ba người con gái rất xinh đẹp, một gả cho vua Đồng Khánh, một gả cho em vua Hàm Nghi, còn lại người con gái út Nguyễn Hữu Thị Nga rất mỹ miều nên vua Thành Thái hay đi xe song mã đến nhà chơi. Sau này, bà Nga cũng được vua Thành Thái đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con.

Kim Long cũng là nơi tập trung hầu hết các phủ đệ của họ hàng bên vợ các vua nhà Nguyễn như phủ Đức Quốc Công Từ, phủ Vĩnh Quốc Công…

Nói chuỵện với chúng tôi trong khu vườn của phủ Đức Quốc Công Từ, phủ thờ Phạm Đăng Hưng - thân sinh thái hậu Từ Dũ, ông Phạm Đăng Thiêm (người hậu duệ trông coi khu nhà vườn) nói: “Có lẽ nhờ dùng nguồn nước lành sông Hương và những vườn cây trái xum xuê bốn mùa mà con gái Kim Long hầu như ai cũng đẹp”.

VzsBZboH.jpgPhóng to
Chở lồ ô trên sông Hương - Ảnh: Vũ Bình
Hai cô gái Kim Long Trương Thị Nên, Trương Thị Công chúng tôi gặp khi đang ngồi giặt quần áo bên bến sông ở Kim Long tỏ ra thẹn thùng, đỏ bừng đôi má khi thấy khách lạ. Hai cô gái Huế đều có vóc người mảnh khảnh, tóc chấm ngang vai, gương mặt trái xoan trông rất yểu điệu, dịu dàng.

Ấn tượng nhất là cặp mắt đen to tròn với cái nhìn có đuôi trông rất đa tình nhưng lại phảng phất nét lạnh lùng của người con gái Huế. Cô Nên chuyên đi nấu ăn cho các đám tiệc, còn cô Công đang học Đại học Đà Nẵng, ngành quản trị kinh doanh. Mỗi khi rảnh rỗi, hai cô vẫn thường theo các anh trai của mình chèo thuyền đưa du khách đi tham quan sông Hương.

Hai chị em rất hãnh diện về làng Kim Long của mình. Từ bé, mỗi khi ra tắm giặt bên bờ sông Hương, các cô vẫn thường được bà, mẹ đọc cho nghe câu ca dao về “gái mỹ miều” Kim Long và dạy các cô phải biết giữ gìn nét đẹp truyền thống đó.

Trong lúc ngồi thưởng thức món bánh bèo xứ Huế do chính tay hai cô gái Kim Long thết đãi, chúng tôi hỏi về những “bí quyết” riêng để giữ vẻ đẹp của người con gái Kim Long. Các cô cười thẹn thùng: “Chẳng có bí quyết gì đâu anh. Vẻ đẹp của người Kim Long chính là nét dễ thương, dịu dàng và tấm lòng chung thủy, sắt son trong tình yêu”.

uOrXPpSl.jpgPhóng to
Nhà vườn An Hiên bên sông Hương - Ảnh: Vũ Bình
Địa danh Kim Long từng được biết đến với sự kiện năm 1636, khi chúa thượng Nguyễn Phúc Lan cho dời thủ phủ từ Phước Yên về Kim Long và xây dựng thành một “đô thị lớn”. Đây là lần đầu tiên một đô thị của người Việt được xây dựng bên bờ sông Hương.

Hệ thống nhà vườn Huế gồm vườn nhà, vườn chùa, vườn lăng, vườn phủ đệ… được xây dựng hai bên bờ sông Hương, tập trung ở Ngọc Hồ, Nguyệt Biều, Kim Long, Vỹ Dạ… Huế hiện có 1.778 ngôi nhà vườn có diện tích từ 400m2 trở lên, trong đó có 675 nhà vườn tiêu biểu, có 30 phủ đệ diện tích 400 - 800m2. Có hàng chục nhà vườn nổi tiếng thuộc loại di sản như Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn An Hiên, nhà vườn Vĩnh Quốc Công, nhà vườn Lạc Tịnh Viên…

Mang ơn dòng sông

Đò chúng tôi lại tiếp tục lênh đênh xuôi theo sông Hương qua những làng Huế ven sông, những khu vườn Vỹ Dạ, Nguyệt Biều… thật nên thơ, mộc mạc… Phía hạ nguồn, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp hàng chục ngàn cây lồ ô được bó thành những bó lớn, kèm vào các mạn đò cứ từ từ xuôi theo dòng sông.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ ghe lồ ô, cho biết nghề buôn lồ ô trên sông Hương đã tồn tại hàng trăm năm nay. Tre lồ ô được mua từ thượng nguồn sông Hương để về làm nón hay các loại ngư cụ, sau đó được đưa về “tập kết” tại bến sông Lăng Gia Long.

Hàng ngàn cây lồ ô được ngâm nước dọc bờ sông chờ ngày ra tận biển khơi. “Khổ nhất là khi phải ngâm mình trong nước cả ngày trời để phân loại cây. Chỉ có những người quen nghề mới chịu đựng được”, anh Hoàng kể.

“Cực nhưng cũng rất thú vị”, chị Thảo - vợ anh Hoàng - nói vậy. Lồ ô sau khi được phân loại sẽ bó thành từng bó và tờ mờ sáng vợ chồng lục tục xuôi đò về cuối sông Hương, đến phá Tam Giang và ra tận biển để bán. Mỗi chuyến đi kéo dài 4-5 ngày, có khi gặp nước ngược phải hơn cả tuần lễ lênh đênh trên dòng sông Hương.

Về đến đập Thảo Long, hai vợ chồng lại phải thuê thêm người vác lồ ô qua đập để xuôi ra cửa biển bán cho những người dân làm nghề cá. Anh Hoàng nói: “Tôi yêu dòng sông này lắm. Tôi ít chữ nghĩa, không hiểu hết những giá trị của con sông Hương như nhiều người. Nhưng tôi mang ơn dòng sông vì đã nuôi dưỡng bao thế hệ những người nghèo như chúng tôi”.

Phá Tam Giang - nơi dòng sông Hương chảy vào biển cả - có những truyền thuyết còn lưu danh đến tận hôm nay. Ra khỏi phá Tam Giang, dòng sông Hương làm một cuộc hành trình đến với thế giới.

Kỳ tới: Hòa mình vào đại dương

VŨ BÌNH - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên