30/04/2014 04:00 GMT+7

Ngôi làng mang tên đại đội

ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC
ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC

TT - Những năm 1958 - 1965, rất nhiều chàng trai, cô gái thủ đô Hà Nội tuổi mới mười tám, đôi mươi đã xung phong tình nguyện lên Tây Bắc, trong đó có Điện Biên, để tham gia xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi...

Kỳ 1: Theo lời Tướng Giáp, 1954 người lính quay lại

yLQPStu9.jpgPhóng to
Ông Tống Văn Minh bên công trình thủy nông Nậm Rốm - Ảnh: Ngọc Quang

Hôm nay, sau gần 60 năm vẫn còn rất nhiều người con Hà Nội ngày ấy đã ở lại Điện Biên, coi mảnh đất phía tây Tổ quốc là quê hương thứ hai của mình.

Trên công trường Nậm Rốm

Nhấm nháp chén trà, ông Nguyễn Duy Khang (tổ 8, P.Nam Thanh, TP Điện Biên) chậm rãi lật giở từng trang giấy trong tập hồ sơ cũ của mình. Rồi ông kể chuyện bằng một bài thơ do chính ông viết năm 2013 trong dịp gặp mặt đồng đội cũ kỷ niệm 50 năm thành lập đội thanh niên xung phong (TNXP) Tháng Tám Thủ Đô: Họp mặt chung vui nhớ những ngày/Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc/Nắng gió Tây Trang, mưa rừng muỗi vắt/Bom đạn rình rập ở khắp xung quanh/Mà có ai nghĩ tới riêng mình/Cả một thời tuổi trẻ vinh quang/Đem sức trai xây công trình thế kỷ/Đắp đập đào mương, nổ mìn phá đá/Nắn dòng sông thành kênh hữu tả/Mang nước về tưới mát lúa Mường Thanh...

Theo ông Khang, ngày đó có rất nhiều đoàn thanh niên lên Điện Biên, nhưng đông đảo nhất vẫn là lớp thanh niên tham gia đội TNXP Tháng Tám Thủ Đô. “Khi đó tôi mới 21-22 tuổi, đang là công nhân cơ khí của Xí nghiệp cơ khí 37 La Thành, nghe tiếng loa kêu gọi, tôi tình nguyện viết đơn tham gia. Khi đó tôi là anh cả, dưới tôi còn năm em nhỏ nữa, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi vì khí thế sôi sục lắm, chúng tôi thanh niên trai tráng cũng háo hức lắm. Khi được chọn, nhiều đứa bạn vẫn thắc mắc không hiểu sao tôi nhà ngay Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại dám rời xa gia đình, xa thủ đô để đến vùng “ruồi vàng bọ chó, gió Tây Trang”. Khi lên đến Điện Biên rồi, dù lúc đó khó khăn thiếu thốn vô cùng, sức trai trẻ làm hùng hục trên công trường, những bữa ăn chỉ cá mắm, cơm độn ngô, khoai nhưng công việc và sức trẻ cứ cuốn đi. Chả ai biết đến ngày về, cứ ngày đêm miệt mài làm. Rồi lấy vợ ngay trên công trường, cũng là một nữ TNXP, rồi sinh con đẻ cái thì hai vợ chồng quyết định ở lại mảnh đất này. Lúc đó nghĩ đơn giản: đâu cũng là nhà, đâu cũng là quê. Vậy mà thấm thoắt đã 50-60 năm, giờ nghĩ lại vẫn không nuối tiếc”.

Tại thôn C4, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, chúng tôi cũng gặp rất nhiều cựu TNXP người Hà Nội như bà Lê Thị Phương, bà Bùi Thị Dần, bà Nguyễn Thị Hồng...

Bà Phương bồi hồi nhớ lại: “Nhà tôi ở phố Lý Quốc Sư (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cuối năm 1958 nghe theo lời kêu gọi của Đoàn thanh niên, tôi tình nguyện viết đơn xin lên Điện Biên. Khi đó thanh niên chúng tôi có so đo nam hay nữ đâu. Mỗi ngày thức dậy nghe loa phóng thanh kêu gọi thanh niên đi miền núi để xây dựng đất nước thì cũng háo hức, chộn rộn lắm. Ngày lên đường, chỉ nghĩ đi 2-3 năm để cống hiến sức trẻ rồi 24-25 tuổi về lại thủ đô lấy chồng. Mình nghĩ như thế, bạn bè, gia đình cũng nhắc nhở: chúng mày lên đó, lấy chồng bộ đội ở trên đó để giữ chân bộ đội ở lại Điện Biên, chứ làm gì có ngày về. Kệ, đoàn tôi 128 chị em là nữ một ngày cuối tháng 12-1958 vẫn vui vẻ lên đường”.

Khi lên Điện Biên, bà được phân về Nông trường quốc doanh Điện Biên. Ngày đó, nông trường chỉ toàn bộ đội “hạ sao” thành công nhân, mỗi đội sản xuất số con gái thì chỉ lèo tèo vài người. Chưa đầy một năm sau, cô gái Hà thành phải lòng anh sĩ quan sư đoàn 316. Hai người nên vợ nên chồng ngay trên công trường, rồi những đứa con lần lượt ra đời như níu giữ chân bà ở lại mảnh đất Điện Biên. Và ở thôn C4 không chỉ có các cựu TNXP thủ đô, nhiều cựu chiến binh đã quần tụ về đây để làm nên một ngôi làng ấm áp tình đồng đội.

p9AhwhO3.jpgPhóng to
Nhiều chàng trai, cô gái đã hi sinh trên công trường thủy nông Nậm Rốm - Ảnh: Ngọc Quang

Làng cựu binh C4

Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng rộng thênh thang, láng bêtông sạch sẽ, rợp bóng những cây nhãn già hai bên đường, cựu binh Ngô Minh Tuấn hào hứng: “Người ta gọi thôn chúng tôi là “làng cựu chiến binh” cũng... hơi bị đúng đấy, vì gần 1/3 số hộ dân trong thôn đều có người từng là lính, từ lính Điện Biên, lính đánh Mỹ đến lính chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Cái tên “thôn C4” cũng đã nói lên điều đó, vì đây là thôn của những cựu binh đại đội 4, trung đoàn 174 của sư đoàn 316”. Sau chiến thắng Điện Biên, những người lính ở lại để tham gia xây dựng, phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc, và họ chọn mảnh đất này để lập thôn lập làng...

Ông Tuấn khoe: “Thôn có 160 hộ (hơn 520 nhân khẩu) thì phần lớn là người dưới xuôi, chỉ lèo tèo vài ba hộ dân là người dân tộc Thái quê Điện Biên. Riêng cựu chiến binh có trên 40 người, trong đó trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên có 19 cụ. Bố tôi Ngô Bá Nhẽ và cả bố vợ tôi đều là lính Điện Biên, đánh đồi A1. Sau chiến dịch, bố tôi vẫn ở lại tham gia xây dựng Điện Biên, đến năm 1959 ông về quê (Thanh Hà, Hải Dương) đón mẹ con tôi lên quê hương mới. Khi đó tôi đâu có biết gì, lớn thêm một chút thấy bố tôi luôn miệng nói với mẹ con chúng tôi: xương máu đồng đội đổ xuống mảnh đất này, ông không thể vì thế mà từ bỏ nơi các ông đã từng sát cánh chiến đấu bên nhau. Mảnh đất Tây Bắc lúc này còn khó khăn, nhưng chắc chắn mai sau sẽ thay đổi”.

Ông Tuấn kể tiếp: “Cũng vì truyền thống, sự dạy bảo của ông nên năm 1979 chiến tranh biên giới xảy ra, khi đó đang là công nhân xí nghiệp cơ điện huyện tôi cũng nối bước cha tình nguyện nhập ngũ lên đóng quân ở biên giới Phong Thổ, Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu hiện nay). Rồi tôi đi học sĩ quan, về công tác tại huyện đội Điện Biên, lên tỉnh đội Điện Biên đến tận năm 1990 mới phục viên”...

Vợ ông Tuấn, bà Bùi Thị Biên, góp chuyện: “Quê tôi ở Kiến Thụy, Hải Phòng và cũng giống gia đình nhà chồng, sau chiến dịch Điện Biên, năm 1958 bố tôi là Bùi Quang Thung về quê lấy vợ và đưa vợ lên quê mới. Khi chúng tôi lớn, hiểu biết một chút cũng thắc mắc với bố mẹ tại sao quê dưới đồng bằng miền biển lại đưa lên miền núi xa lắc để sống. Mà ngày đó cuộc sống vô cùng khó khăn, chúng tôi đi học bữa no bữa đói, vẫn phải ăn cơm độn ngô, độn sắn là chính. Bố tôi khi đó và cả ngay bây giờ vẫn dạy các cháu nội, ngoại: Điện Biên là mảnh đất lịch sử, là nơi đồng đội ông hi sinh, trách nhiệm của người còn sống là phải làm cho nó xanh tốt, cuộc sống khấm khá lên cho khỏi bõ công xương máu những người ngã xuống. Chỉ một câu này thôi, nhưng lớp con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba chúng tôi thấm thía... Và nay, cuộc sống cũng tốt hơn hẳn đúng như lời các cụ, các ông động viên hồi nào”.

Cựu binh Đặng Văn Đảm (82 tuổi) dù tai không còn nghe rõ, nhưng khi biết chúng tôi hỏi chuyện về Điện Biên vẫn hào hứng ngồi tiếp chuyện, với người vợ 78 tuổi - một cựu TNXP - ngồi bên cạnh làm “máy nghe” giúp chồng. Ông Đảm kể quê ông tận vùng biển Nam Định. Đánh Pháp xong, nghe theo tiếng gọi của Bác Hồ, ông quyết định trở lại Điện Biên. Khi đó người vợ trẻ Trần Thị Xoan ở quê mới ngấp nghé tuổi 20, chưa một lần đi xa cũng quyết định khăn gói theo chồng lên Tây Bắc. “Hồi mới lên thấy khó khăn vất vả quá, hai vợ chồng không đất đai, nhà cửa, cứ ngày hùng hục đi làm ở nông trường, tối về lại tá túc trong những lán tre nứa tập thể. Nhiều lúc cũng định “đào ngũ” trốn về. Nhưng nghĩ đến chặng đường dài dằng dặc, nghĩ đến chồng, đến bố mẹ nên nấn ná ở lại cùng chồng. Tưởng sau khi sinh con chồng vì thế mà “hạ sơn”, nhưng không, sinh sáu đứa con đủ trai đủ gái, dù khó khăn thiếu thốn nhưng ông Đảm vẫn kiên quyết không về”.

“Phải là những người lính, vững lòng vững dạ, biết trân trọng sự hi sinh của đồng đội mới trụ được ở mảnh đất này” - ông Đảm nói về quyết định “lấy Điện Biên làm quê, lấy nông trường làm nhà” của mình. Quyết tâm sắt đá của ông cùng nhiều đồng đội khác đã ít nhiều góp phần lập nên làng cựu binh C4 hôm nay.

Mở tủ lấy bộ quân phục cũ lấp lánh, nặng trĩu các huân chương, huy chương trên ngực, ông tự hào: “82 tuổi đời, 58 năm tuổi Đảng, gắn bó với Điện Biên giờ thấy mảnh đất này thay đổi thì không gì vui bằng. Những ngày lễ lớn, ngày trọng đại tôi vẫn đem bộ quân phục này ra mặc như muốn nhắn nhủ, báo cáo với đồng đội rằng tôi đã chiến đấu không ngừng để trụ lại trên quê hương thứ hai”.

___________________

Kỳ tới:Rời quê lúa đến với Điện Biên

ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên