Thanh Sói - phim hành động do Ngô Thanh Vân làm nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên - vừa ra mắt tại Việt Nam.
Với số ngày quay kỷ lục 74 ngày, Thanh Sói là một trong những phim Việt tốn tiền nhất. Đến khi ra rạp, phim gặp áp lực lớn khi đối đầu với "bom tấn" quốc tế Avatar: The Way of Water.
NGÔ THANH VÂN có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về Thanh Sói và những kinh nghiệm từ Hollywood.
Mọi nỗi niềm Ngô Thanh Vân trút hết vào Thanh Sói
* Trong Thanh Sói, phần lý giải động cơ của kẻ ác chưa đầy đặn. Điều này có nằm trong những cảnh quay chị phải cắt bỏ để đảm bảo thời lượng của phim?
- Tôi tiếc nuối khi tuyến phản diện trong phim bị cắt nhiều cảnh, vì nếu thiếu quá khứ thì nhân vật không được tròn trịa. Nhưng tôi muốn tập trung vào tuyến chính là ba cô gái Bi, Thanh, Hồng. Những gì được giữ lại vẫn đủ để đáp ứng yêu cầu đẩy ba cô gái lên.
Điều tôi muốn nhấn mạnh nhất qua Thanh Sói là tình chị em của Bi và Thanh. Qua rất nhiều bản dựng, tôi phải hy sinh tuyến nhân vật phụ để giữ được sự nối kết, đồng cảm giữa Bi và Thanh.
Tiếc là phim không đủ thời lượng để đưa hết các nhân vật lên. Bản dựng chính thức của phim là tới 3 tiếng lận, còn bản ra rạp chỉ 109 phút, không thể giữ hết.
* Vai diễn dì Lin của chị đóng vai trò quan trọng trong Thanh Sói, trái với hình dung ban đầu là chỉ một vai khách mời nhỏ.
- Tôi không có tham vọng làm nhiều vai trò như vậy trong dự án này vì nó rất áp lực. Nhưng do COVID-19, người tôi mời làm đạo diễn Thanh Sói đã không thể quay lại Việt Nam, do đó tôi phải đảm nhận thêm vai trò đạo diễn.
Còn khi viết kịch bản, nhóm biên kịch đã nói là phải tìm người đóng Jacqueline - một bà Lin thực sự đủ khả năng dẫn dắt một đường dây lớn. Mọi người nói là không còn ai ngoài tôi. Mọi người nói tôi phải dìu dắt dàn đả nữ này, sau đó tôi muốn làm gì thì làm.
Năm 2019, một tháng sau khi Hai Phượng ra rạp, chúng tôi rất "máu lửa" và bắt tay vào sáng tạo ngay kịch bản Thanh Sói. Từ đó đến nay, không biết qua bao nhiêu lần chúng tôi phá đi làm lại kịch bản. Kịch bản là quan trọng nhất, nếu nó không tốt thì phim sẽ không thể tốt được.
Ngô Thanh Vân bị chấn thương khi đóng cảnh hành động trong phim Hai Phượng
* Đây là bộ phim cuối cùng chị đạo diễn, có phải vì chị muốn tập trung vào sự nghiệp diễn xuất ở Hollywood và tìm kiếm những vai diễn quốc tế lớn hơn?
- Từ xưa đến giờ, tôi vẫn quan niệm đạo diễn không phải là công việc của phụ nữ vì quá cực. Tôi rất khâm phục những đạo diễn nữ, nhất là ở một thị trường phim chưa đủ chuẩn như Việt Nam vốn thiếu thốn rất nhiều thứ, từ kinh nghiệm, sự hiểu biết... Với bộ phim này, cảm giác mọi nỗi niềm của tôi đều trút vào đây hết. Tôi nghĩ có thể đây là điểm dừng đúng thời điểm của mình.
Về sự nghiệp ở Hollywood thì đó là tương lai. Hãy nhìn ở trước mắt đi, còn tương lai có gì vui tôi sẽ thông báo.
Với Ngô Thanh Vân, Hollywood khốc liệt lắm
* Đã đóng nhiều phim Hollywood, chị có mang kinh nghiệm từ đó về trong việc sản xuất phim Thanh Sói?
- Tôi xông pha rất nhiều ở nước ngoài. Dù chỉ đóng vai nhỏ nhưng tôi rất thích khi làm việc trong các bộ phim lớn, của các nhà sản xuất lớn. Những gì học được tôi đều mang về cho anh em ở đây để mọi người cùng học hỏi.
Hollywood là một thế giới hoàn toàn khác. Là người đã bước ra ngoài và nhìn thấy tất cả, tôi khẳng định "chiến tranh" ở ngoài đó lớn hơn ở đây nhiều. Ở thị trường Việt Nam, mình chỉ muốn ra sản phẩm được khán giả công nhận.
Còn ở ngoài đó, tiếng nói của mình nhỏ bé lắm. Để cất được tiếng nói khiến người ta ngoảnh đầu lại nghe thôi đã là cả một quá trình phấn đấu rồi. Hollywood khốc liệt lắm.
Một trong những điều tôi tiếc nuối nhất cho thị trường điện ảnh Việt Nam là mình không có một trường nào bài bản về tất cả các khâu trong sản xuất phim. Hollywood đã trước mình hơn 50 - 60 năm. Gần đây, một số anh chị làm phim từ nước ngoài về Việt Nam, thị trường cũng có nhiều nhà làm phim tự phát hơn.
Nhưng hầu như tất cả người Việt Nam làm phim đều bằng kinh nghiệm hết. Họ đã làm ra những sản phẩm rất tốt bằng kinh nghiệm của mình. Tôi ước Việt Nam mình có những trường học làm phim để họ tạo ra những sản phẩm tốt hơn nữa.
* Chị từng đóng phim hành động Siêu trộm (2016) của Hàm Trần - một bộ phim dường như quá xa so với thị trường Việt Nam khi có chủ đề bitcoin; kịch bản, thoại, diễn xuất... đều rất Tây, dẫn đến phim không thành công ở Việt Nam. Kinh nghiệm đó nói lên điều gì?
- Thị trường Việt Nam yêu thích cái gì thì mình phải tập trung làm tốt cái đó. Nhiều khi thị trường chỉ cần vậy thôi mà mình làm hơi xa thì cũng khó.
Tôi mong muốn làm ra những sản phẩm có tính thị trường cao. Tôi không biết Thanh Sói có thị trường không nữa. Về phần hành động, Thanh Sói đáp ứng được nhu cầu của những người đã yêu thích Hai Phượng. Ai thích Hai Phượng thì sẽ quay lại xem Thanh Sói.
Còn về tính chất của phim thì tôi cố gắng làm nhẹ nhàng hơn, ba cô gái cũng rất dễ thương, có tiến triển tình cảm với nhau, chứ hành trình hắc hóa của một con người thì không thể màu hồng hơn được nữa.
* Kelly Marie Trần - nữ diễn viên từng sang Việt Nam để cùng chị quảng bá Star Wars: The Last Jedi (2017) - cũng từng lên tiếng về nạn phân biệt chủng tộc với người gốc Á tại Mỹ nói chung và với diễn viên gốc Á tại Hollywood nói riêng. Theo quan sát của chị, sau những lần lên tiếng như vậy, tình hình có được cải thiện không?
- Việc có thay đổi hay không phụ thuộc vào cả một hành trình phấn đấu của rất nhiều người. Ngay cả những người nói ngôn ngữ đó mà còn chưa làm được thì với tôi, một người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, làm sao làm được?
Mà ngôn ngữ chỉ là bước đầu tiên thôi. Mình còn cần đến hiểu biết xã hội, hiểu biết về điện ảnh, đẳng cấp... nữa. Có đủ hiểu biết thì mình mới có thể góp mặt trong vòng tròn đó để thảo luận với họ. Cho nên đó là một hành trình dài.
Những gì tôi cố gắng cho Thanh Sói là để người Việt Nam xem, để không làm thất vọng những khán giả của Hai Phượng đã chờ đợi bộ phim mấy năm rồi. Còn những việc to tát hơn, tôi không thể bàn vào lúc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận