11/01/2024 11:42 GMT+7

Ngộ nghĩnh, nghĩa tình thú cưng - Kỳ 5: Từ chú chó hoang thành 'con chung' của cả xóm

Ngày chú chó hiện diện tại xóm, chẳng ai biết chú từ đâu đến. Mọi người chỉ thấy một chú chó gầy yếu, đói lả, đến nhà dân xin ăn.

Milu - chú chó của cả xóm nhỏ ở góc đường Quang Trung - Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Milu - chú chó của cả xóm nhỏ ở góc đường Quang Trung - Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Thương cảm, bà con chung tay chăm sóc chú chó đi lạc, hy vọng chủ nhân đến rước.

Chờ mãi chẳng thấy ai tìm, mọi người thương chú chó vô chủ, đặt cho cái tên Milu. 5 năm qua, Milu là "con chung" của bà con góc phố nhỏ ở tổ 3, phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi.

Ngày chú chó về xóm

5 năm trước, chị Nguyễn Thị Mân (48 tuổi, phường Nguyễn Nghiêm) thức dậy mở cửa quán ăn. Bất ngờ, chị thấy bên góc nhà hàng xóm có một chú chó nằm mệt mỏi, lông bệt lại sau một đêm mưa.

Mới đầu, chị chỉ nghĩ chú chó của nhà nào đó trong hẻm đi ra nằm đó. Nhưng ánh mắt chú chó cứ nhìn chị Mân như vừa muốn đến gần lại vừa rụt rè, sợ hãi.

"Lúc đó, nhìn nó, tôi trách ai nuôi mà để tàn tạ vậy. Nằm đến trưa thì nó đi đến trước quán xin ăn. Tôi đập mấy quả trứng lộn cho ăn, xong nó lại vào góc nhà nằm", chị Mân tâm sự.

Ba ngày liên tiếp, chị Mân phải mang thức ăn sang góc nhà cho chú chó ăn. Buổi tối ngày thứ ba Milu xuất hiện ở xóm, chú chó dần dạn dĩ hơn, ra tận quán dù vẫn hơi rụt rè. Chú chó quẫy đuôi, giữ khoảng cách.

Chị Mân thấy vậy nói: "Đói rồi phải không?". Thế là chị lại đập hai quả trứng lộn cho ăn. Chú chó cảm nhận được tình cảm của gia đình chị Mân nên không cảnh giác nữa, nằm trước quán ngủ. "Tối đó, tôi đặt cho nó tên Milu, rồi bà con gọi tên đó 5 năm qua", chị Mân tâm tình.

Chị Mân, người đầu tiên phát hiện Milu đi lạc và hay cho chú chó ăn- Ảnh: TRẦN MAI

Chị Mân, người đầu tiên phát hiện Milu đi lạc và hay cho chú chó ăn- Ảnh: TRẦN MAI

Nhớ chuyện 5 năm trước, chị Mân cười hiền lành bảo chẳng thể quên được hình ảnh Milu lúc đó. Chú chó rất ngoan, được gọi Milu vài lần là hiểu đó là tên mình. Căn nhà chị chật chội, lại thêm quán ăn, chẳng có chỗ cho Milu nằm. Chú chó đành chọn một góc nhà và nằm yên không quấy phá mỗi khi đông khách.

Khi nào vắng, Milu lại chạy ra quấn quýt với chị và người trong nhà. Milu được sống trong tình yêu thương, mỗi ngày chị Mân vẫn đập cho một quả trứng lộn bồi bổ. Chú chó lớn lên nhanh chóng và được tắm sạch sẽ, lông mướt trở lại.

Milu bắt đầu đi quanh xóm, mọi người cũng biết đến sự hiện diện của chú chó nên vui vẻ chào đón.

Cho đến giờ, câu hỏi chú chó đến từ đâu vẫn chưa được trả lời. Có người đoán chú bị trộm bắt nhưng may mắn thoát được, người thì bảo đi lạc, người lại cho rằng ai đó không nuôi nữa đã vứt bỏ...

Phần đông tin Milu bị lạc chủ, bởi những ngày đầu tiên sống chung với chị Mân, mỗi lần nghe giọng nói như thân quen của khách quen, Milu lại lao ra nhìn rồi thất vọng đi vào.

"Tôi nghĩ chú chó lạc chủ, bởi ánh mắt nó rất chờ đợi. Thời gian đầu, mỗi đêm Milu vẫn ra nằm dài trước vỉa hè đảo mắt nhìn. Đến giờ, nó vẫn giữ thói quen nằm vỉa hè nhìn ra đường như thể hy vọng chủ nhân đến đón mình về. Mà chắc là đi lạc chứ chẳng có người chủ nào bỏ rơi chú chó dễ thương như Milu", chị Mân tâm sự.

Milu rất ngoan, thấy người lạ chú dè chừng, nhưng khi cảm nhận sự an toàn và yêu thương sẽ nũng nịu như con nít - Ảnh: TRẦN MAI

Milu rất ngoan, thấy người lạ chú dè chừng, nhưng khi cảm nhận sự an toàn và yêu thương sẽ nũng nịu như con nít - Ảnh: TRẦN MAI

Đón nhận yêu thương

Chị Mân bảo Milu là một chú chó rất ngoan và hiểu chuyện. Sống với chị một thời gian, chú chó như hiểu rằng thân hình ngày một to lớn của mình "choán chỗ" kinh doanh của chị nên không nằm trong quán nữa mà đi ra xa hơn.

Chú chó may mắn được cả xóm ai cũng thương yêu. Chuyện ăn uống khỏi phải lo, ngày nào Milu cũng no bụng.

Thậm chí, có lần chú chó ăn no nằm dài ra vỉa hè ngủ, người khác đến cho thịt Milu không ăn lại hốt hoảng gọi thú y vì nghĩ nó ốm. Thú y đến thì cậu lững thững đi chơi, lúc này mọi người đếm cậu ăn ba đợt, đến đợt thứ tư không ăn nổi nữa nên... chẳng buồn động đậy.

Thời gian sau, chú chó về sống với chú Sáu, cũng chỉ cách nhà chị Mân chừng 50m. Nói là sống với chú Sáu bởi Milu được chú Sáu cho một góc ngay lối vào nhà để ở với máng ăn, nước uống đầy đủ. Mái che cũng được lợp để Milu không bị ảnh hưởng mưa nắng.

Chú Sáu thương Milu, dẫn đi tiêm phòng dại và các mũi phòng bệnh khác. Dù có "nhà" ở chú Sáu nhưng chú cũng không nhận của riêng mình, Milu mặc nhiên là của chung, cả xóm ai cũng có thể chăm sóc, yêu thương.

Cậu bé Đặng Văn Hậu (13 tuổi, con trai chị Mân) thấy chúng tôi đùa giỡn với Milu liền đến gần trò chuyện. Trong suy nghĩ đứa trẻ, Milu như sự hãnh diện của Hậu, cậu bảo rằng Milu rất đáng yêu. Hậu có vẻ tiếc nuối khi bảo rằng đáng ra Milu ở nhà mình, nhưng vì nhà chật quá nên qua ở nhà ông Sáu.

Rồi Hậu kể Milu rất thân thiện, cả xóm thương, tất cả trẻ nhỏ hay người lớn đều chơi đùa với Milu được. "Milu thích nhất là gãi dưới cổ, nó sẽ nằm dài ra tỏ vẻ thích thú lắm. Nó thường ngủ ở nhà ông Sáu, nhưng hôm nào không thích lại về nhà con ngủ", Hậu vui vẻ kể.

Bạn của mọi người

Milu có mặt ở xóm là hữu duyên, bây giờ chú chó nhỏ ngày nào đã trở nên to lớn. Milu không chỉ nhận sự yêu thương từ người dân góc phố này mà những xóm bên cạnh cũng mến. Chú Ân (60 tuổi) sáng nào mở cửa cũng nhìn thấy Milu nằm trước nhà, chú chó luôn dậy sớm nhất như để chào đón mọi người.

"Những người trẻ tuổi ở xóm bên mỗi khi đi làm nhà hàng, đi ăn uống có đồ gì ngon lại mang về cho nó. Thỉnh thoảng nó thích lại qua bên xóm khác chơi, nhưng tối là về đây", chú Ân nói.

Câu chuyện về chú chó được mọi người kể bằng sự yêu thương, có mấy lần trộm chó tăm tia, nhưng trời thương Milu luôn thoát nạn.

Có đợt trộm chó chích rồi truy đuổi Milu từ đường lớn vào sâu trong hẻm, người dân nghe tiếng Milu kêu liền bật đèn để xua đuổi kẻ trộm. Thậm chí, có người ra giải cứu Milu bị bọn trộm chó hăm dọa.

Khoảng hai năm trước, Milu bị chích điện, vết thương nơi chân cứ lở loét dần khiến mọi người lo lắng. Thế là chú Sáu mua thuốc về cho Milu uống, chăm sóc rất kỹ để vượt qua cơn đau. "Đợt đó, ngày nào vợ chồng chú Ân cũng mua thức ăn ngon cho chú chó, rồi mọi người lo thuốc đầy đủ, tôi bán trứng lộn mỗi ngày đập cho một quả. Nhờ vậy mà vết thương nhanh lành, Milu cũng không đi cà thọt nữa", chị Mân nói.

Còn chú Ân thì luôn nghĩ rằng chú chó bị lạc chủ nên cần sự yêu thương bù đắp. Và Milu không bao giờ quấy phá cuộc sống mọi người. Nơi chú chó sống là đường Quang Trung sầm uất nhất nhất tỉnh Quảng Ngãi, nhà nào cũng buôn bán.

Mỗi lần thấy khách hàng đông, Milu sẽ chọn một góc ít người để nằm hoặc đi qua bên kia đường dạo chơi, đến khi nào vãn khách lại trở về.

"Tôi nghĩ chó như bạn của con người, mình đối đãi tốt và thương nó thì nó sẽ hiểu mình muốn nói gì. Như Milu, nó rất ý tứ, như thể đó là cách nó cảm ơn mọi người yêu thương, chăm sóc nó vậy", chú Ân tâm tình.

Gần 5 năm trôi qua, có lẽ bây giờ Milu đã thôi trông mong chủ cũ tìm kiếm và đón về, chú chó chấp nhận gia đình lớn của mình và nhà của chú là cả xóm này..

Chú chó nổi tiếng

Người dân ở TP Quảng Ngãi mỗi lần qua lại ngã ba đường Quang Trung - Trần Hưng Đạo sẽ nhìn thấy một chú chó hiền lành nằm nơi vỉa hè hay lững thững đi từ nhà này sang nhà khác.

Milu hơi dè chừng với người lạ, nhưng chỉ vài phút làm quen, cảm nhận được sự chân thành của người mới đến dành cho mình, chú chó nhanh chóng hòa đồng và "làm duyên" như một đứa trẻ để chơi đùa.

Milu nổi tiếng đến mức nhiều người ở các tuyến đường gần đó đều biết đến, mỗi khi đi qua lại gọi tên. Milu sẽ đáp lại bằng cách ngóc đầu nhìn, quẫy đuôi. Chỉ có điều, sau mấy lần may mắn thoát chết, chú chó ít đi chơi xa như trước và thường xuyên quẩn quanh xóm nhỏ, nơi an toàn nhất của chú.

------------------

"Sợ các bé mèo không có ai cho ăn nên tôi trở thành "con sen", ngày nào cũng mang cơm trộn cá lên. Tôi đặt tên nơi này là xã đoàn Catsky, cats là những con mèo, sky là bầu trời. Catsky là những con mèo ở trên trời, hoặc lúc tụi nó quậy quá thì có thể hét lên trời ơi mấy con mèo kia".

Kỳ tới: Giúp đỡ “đảo mèo” giữa lưng chừng trời

Ngộ nghĩnh, nghĩa tình thú cưng - Kỳ 4: Đàn chó và niềm an ủi phận không nhàNgộ nghĩnh, nghĩa tình thú cưng - Kỳ 4: Đàn chó và niềm an ủi phận không nhà

Nhiều năm lấy đường phố là nhà, bà Hoàng đã nuôi nhiều chú chó. Qua thời gian, có con bị người ta bắt trộm, con bệnh chết, hiện bà còn ba chú chó này làm bạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên