13/09/2024 22:47 GMT+7

Nghìn ha rừng trồng đến tuổi không thể khai thác, tiếc nuối nhìn cây gãy đổ

Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có gần 1.000ha rừng trồng keo xen cây bản địa từ năm 2005. Số cây này đã đạt kích thước tối đa nhưng không thể khai thác, đe dọa cháy rừng, ảnh hưởng đa dạng sinh học…

Nghìn ha rừng trồng đến tuổi không thể khai thác, tiếc nuối nhìn cây gãy đổ - Ảnh 1.

Gần 1.000ha keo đường kính gốc 24cm, cao 14m nhưng không thể khai thác - Ảnh: QUANG HÀ

Lãnh đạo khu bảo tồn nói gần 1.000ha rừng trồng tại 7 tiểu khu ở xã Ba Lòng (huyện Đakrông, Quảng Trị) "có giá trị rất lớn" nhưng không thể khai thác do sự thay đổi của luật, để lại nhiều ảnh hưởng đến rừng và hệ sinh thái.

Nhìn rừng vàng, chết khô, gãy đổ

Từ năm 2005 - 2015, tại các tiểu khu 820, 830, 851, 859, 847A, 833A, 845, khu bảo tồn trồng 979,1ha rừng với phương thức hỗn giao giữa cây trồng bản địa như lát hoa, thông nhựa, sao đen kết hợp với cây phù trợ là cây keo tai tượng. Trong đó, mật độ cây keo tối đa 50 - 60%.

Ông Hoàng Văn Chiến - phó giám đốc ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông - cho biết việc trồng rừng nhằm phủ xanh rừng.

"Đến nay, toàn bộ diện tích rừng trồng hỗn giao ở trên còn chủ yếu là cây keo tai tượng và rải rác sao đen, thông nhựa; riêng cây lát hoa không còn. Cây sao đen sinh trưởng, phát triển kém do bị cây keo tai tượng lấn át về không gian dinh dưỡng, ánh sáng", ông Chiến cho hay.

Cụ thể, keo còn lại 432 cây/ha, đường kính trung bình 24cm, cao trung bình 14m, chất lượng được đánh giá tốt. Sao đen 170 cây/ha, sinh trưởng, phát triển kém so với thời gian đã trồng, đường kính 2 - 5cm, cao 1 - 2m. 

Ngoài ra, hiện trường còn có 90 cây keo/ha bị ngã đổ do đã đạt tuổi thành thục tự nhiên (qua tuổi này cây sẽ mục ruỗng, tự chết).

Số cây keo trên đã có hiện tượng chết cành, chết rễ nên rất dễ tự gãy đổ khi thời tiết có gió to, mưa lớn, mất khả năng phòng hộ, rất dễ cháy rừng vào mùa khô hạn, ảnh hưởng đến khả năng tái sinh phục hồi rừng tự nhiên và gây lãng phí đến hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, dưới tán rừng keo tai tượng, hệ động, thực vật rừng tự nhiên rất khó tái sinh, sinh trưởng, phát triển, làm mất tính đa dạng sinh học.

Nghìn ha rừng trồng đến tuổi không thể khai thác, tiếc nuối nhìn cây gãy đổ - Ảnh 2.

Nhiều cây keo tự ngã đổ do đã hết tuổi thọ - Ảnh: QUANG HÀ

Vướng luật mới không thể khai thác

Ông Chiến cho hay diện tích cây keo ở trên nằm trong rừng đặc dụng, theo Luật Lâm nghiệp 2017 thì không thể khai thác, tận thu.

"Trong luật có quy định khai thác để nghiên cứu khoa học với mô hình nhỏ, hoặc khai thác phục vụ an ninh quốc phòng nhưng mình khai thác tận thu gỗ rồi trồng mới rừng bản địa thì không cho phép.

Phải đo đếm, lập ô tiêu chuẩn mới tính trữ lượng rồi nhân đơn giá mới ra tiền, nhưng rất nhiều tiền", ông Chiến nói. Do không thể khai thác nên khu bảo tồn chỉ có thể ra sức bảo vệ và để cây tự gãy đổ.

Ông Trương Quang Trung - giám đốc khu bảo tồn - cho hay ngoài các hệ lụy ở trên, việc khai thác tận thu số gỗ rừng trồng có thể giúp tái đầu tư cho công tác phục hồi rừng, mua sắm trang thiết bị, tăng khả năng phòng hộ, hạn chế được cháy rừng xảy ra trong thời kỳ biến đổi khí hậu khó lường.

Nghìn ha rừng trồng đến tuổi không thể khai thác, tiếc nuối nhìn cây gãy đổ - Ảnh 4.

Rừng keo tai tượng trồng trên đất rừng đặc dụng - Ảnh: QUANG HÀ

Sau khi khai thác gỗ thông thường đơn vị sẽ trồng lại rừng bản địa, từ đó tăng nguồn thu cho đơn vị sau khi thành rừng từ nguồn bán tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương trong quá trình trồng và bảo vệ rừng...

Việc khai thác nguồn gỗ rừng trồng này vừa tránh lãng phí, về lâu dài góp phần đưa khu bảo tồn này nâng hạng lên vườn quốc gia.

Hiện các sở ngành và UBND tỉnh Quảng Trị đang nghiên cứu, trình bộ ngành, trung ương để giải quyết vướng mắc này.

Nghìn ha rừng trồng đến tuổi không thể khai thác, tiếc nuối nhìn cây gãy đổ - Ảnh 5.Sẽ trồng thàn mát thay cây chết khô trong dự án trồng rừng của ca sĩ Hà Anh Tuấn

Đà Nẵng dự kiến trồng khoảng 100 cây thàn mát, thay số cây chết khô trong dự án trồng rừng do ê kíp ca sĩ Hà Anh Tuấn tài trợ tại bán đảo Sơn Trà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên